Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta, Sóc Trăng - cho rằng, tôm nguyên liệu tăng mạnh từ giữa tháng 8, dự báo tôm nguyên liệu sẽ còn thiếu hụt đến hết quý I năm sau. "Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp chế biến đứng trước thách thức lớn, bởi phải mua tôm nguyên liệu giá cao nhưng giá tôm thành phẩm tiêu thụ cạnh tranh gay gắt với tôm giá rẻ hơn từ nhiều nước, dẫn đến sụt giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh", ông Lực nói.
Nhiều doanh nghiệp chế biến tôm cho rằng, cần có sự thay đổi về quản lý toàn ngành tôm để tránh tình trạng vào mùa thu hoạch rộ, tôm rớt giá, khi người dân hết tôm giá lại tăng vù vù. |
Tại Cà Mau, nơi có diện tích nuôi tôm lớn nhất cả nước với hơn 280.000 ha, thời gian qua, cùng với những tác động tiêu cực mang tính chủ quan và khách quan, ngành nuôi tôm trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Theo nhận định từ ngành chức năng, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi bất thường, dẫn đến dịch bệnh trên tôm nuôi vẫn còn xảy ra. Môi trường vùng nuôi tôm chưa được kiểm soát tốt, nguồn nước nuôi tôm bị ô nhiễm. Giá vật tư đầu vào luôn có xu hướng tăng, trong khi giá tôm nguyên liệu có những thời điểm giảm sâu, nhất là giá tôm thẻ chân trắng.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học, công nghệ còn hạn chế, kết cấu hạ tầng phục vụ cho phát triển chưa đáp ứng hết nhu cầu tôm nuôi cũng như tiềm năng phát triển ngành hàng này.
Tại Bạc Liêu, năng suất, giá trị xuất khẩu tôm đều vượt chỉ tiêu so với năm 2023. Tuy nhiên, hiện tại, không nhiều người dân còn tôm để bán.
Lý giải từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), nguyên nhân chính là do nguồn cung giảm, khi người nuôi hạn chế thả giống trong vụ này và dịch bệnh trên tôm bùng phát ở một số khu vực.
Sản lượng tôm nuôi sụt giảm do thời tiết khắc nghiệt, trong khi chi phí đầu vào tăng cao. Bên cạnh đó, sản lượng tôm nguyên liệu từ các nước sản xuất lớn trên thế giới cũng đối mặt với nhiều thách thức, góp phần gia tăng nhu cầu đối với tôm Việt Nam.
Trong tháng 10, giá tôm nguyên liệu đã tăng đột biến và tiếp tục giữ đà tăng cao trong tháng 11. Năm nay, nguồn cung tôm giảm mạnh, mùa vụ ngắn hơn so với năm ngoái, khiến lượng tồn kho tại các nhà máy sụt giảm. Điều này xuất phát từ sự kết hợp giữa nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn cung nguyên liệu thấp. Để duy trì sản xuất và đáp ứng đơn hàng, các nhà máy chế biến lớn buộc phải tăng giá thu mua.
Đáng chú ý, giá tôm 50 con/kg tại đầm đã tăng mạnh nhất vào tháng 10, với mức tăng 6%. Trước tình trạng khan hiếm tôm cỡ lớn và giá tăng cao, cả nhà máy lẫn thương lái đều chuyển sang tập trung thu mua tôm cỡ nhỏ.
Tính từ tuần 35 đến giữa tháng 11, giá tôm 50 con/kg đã tăng khoảng 30%, đạt mức 155.000 đồng (6,10 USD/kg) – lần đầu tiên chạm ngưỡng 6 USD/kg kể từ cuối năm 2021. Trong khi đó, giá tôm cỡ 100 con/kg thu hoạch tại tỉnh Đồng Tháp dao động ở mức 85.000 – 90.000 đồng/kg trong tuần kết thúc ngày 14/11, duy trì ổn định so với đầu tháng 10.
Hoạt động thu mua tôm sú nguyên liệu tại các nhà máy chế biến giảm mạnh trong tháng 10 do nguồn cung hạn chế. Tôm cỡ lớn (20 và 30 con/kg) đặc biệt khan hiếm, đẩy giá tăng cao và làm giảm giao dịch. Nhiều thương nhân đã chuyển trọng tâm sang các cỡ nhỏ hơn, như 40-50 con/kg. Kết quả là giá tại trang trại đối với tôm cỡ 40 con tăng mạnh nhất (4%), tiếp theo là 50 con (2%) và 80-100 con (1%). Ngược lại, giá tôm cỡ 20-30 con/kg tại đầm vẫn giữ ổn định.
VASEP nhận định rằng tình trạng thiếu hụt nguồn cung tôm nguyên liệu sẽ kéo dài đến hết quý I/2025. Trong giai đoạn này, các doanh nghiệp chế biến đối mặt với thách thức lớn khi phải thu mua tôm nguyên liệu giá cao, trong khi giá thành phẩm phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm giá rẻ hơn từ nhiều quốc gia. Điều này khiến hiệu quả kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề.
Trước thực trạng này, ông Long Quang Nghĩa - người nuôi tôm ở thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu - cho rằng, cần có sự thay đổi về quản lý toàn ngành tôm để tránh tình trạng vào mùa thu hoạch rộ, tôm rớt giá, khi người dân hết tôm giá lại tăng vù vù.
Ngành tôm Việt Nam đã xây dựng chuỗi giá trị từ rất lâu; có rất nhiều giải pháp được đưa ra tại các cuộc hội thảo nhưng xem ra liên kết sản xuất từ sản xuất đến tiêu thụ vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Hồng Hương