Tiêu điểm

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng giá trước thềm Tết


Sắp đến Tết Dương lịch và còn hơn 1 tháng nữa là Tết Nguyên đán nhưng ở thời điểm hiện tại nhu cầu tiêu dùng tăng cao, một số mặt hàng có dấu hiệu tăng giá.

Mặc dù lượng hàng hóa tại các siêu thị và chợ truyền thống vẫn khá phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân, nhưng do ảnh hưởng của thời tiết bất lợi trong năm, nguồn cung lương thực, thực phẩm cả trong nước lẫn nhập khẩu đều gặp khó khăn. Điều này đã tác động không nhỏ đến giá cả thị trường.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, hiện nay, tại các siêu thị ở TP. Hồ Chí Minh, so với tháng trước, giá rau xanh đã tăng từ 10-20%, các nguyên liệu làm bánh như bột mì, dầu ăn cũng tăng từ 5-10%. Không chỉ vậy, giá các loại thịt như: Thịt lợn, gà, thủy sản, hải sản cũng đang trên đà tăng nhẹ.

Cô Nguyễn Thị Lan, chủ một cửa hàng kinh doanh trái cây tại TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: "Giá một số loại trái cây đã bắt đầu nhích lên, và dự kiến sẽ tăng mạnh hơn khi Tết đến gần. Theo kinh nghiệm, tôi nhận thấy cam sành và bưởi da xanh là hai mặt hàng có xu hướng tăng giá cao nhất và cũng được ưa chuộng nhất trong dịp Tết, bởi chúng có thể bảo quản được lâu và thường được chọn làm quà biếu. Hiện tại, giá bưởi da xanh và cam sành dao động từ 50.000 - 55.000 đồng/kg, nhưng tôi dự đoán giá có thể tăng thêm khoảng 20% khi cận Tết".

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng giá trước thềm Tết

Nhu cầu mua sắm dịp cận kề Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán đang tăng cao.

Cô Lê Thị Thu, chủ một cửa hàng thực phẩm tại quận 8, TP. Hồ Chí Minh, cũng đang đối mặt với nhiều thách thức do liên tục nhận được thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp.

"Các nhà sản xuất hàng hải sản chế biến đã thông báo tăng giá 5%, tai heo ngâm chua tăng 11%, và các loại giò chả tăng đến 13%. Gạo chất lượng cao cũng đang có xu hướng tăng giá. Các nhà vườn cung cấp trái cây cũng thông báo sẽ điều chỉnh giá theo tình hình thị trường chung khi Tết đến gần. Bên cạnh đó, chi phí vận chuyển cũng đang tăng lên", cô Thu cho biết.

Chị Trần Thu Hà, sống tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh, cho biết chị vừa mua một chai dầu ăn 5 lít với giá 200.000 đồng, trong khi tháng trước giá chỉ là 175.000 đồng. Chị Hà tâm sự: "Khi mua sắm ở chợ, những mặt hàng tăng giá vài nghìn đồng thường không được chú ý hoặc khó nhớ hết. Nhưng khi mua sắm ở siêu thị, với hóa đơn và giá niêm yết rõ ràng, tôi mới nhận thấy sự chênh lệch và biết được nhiều mặt hàng đã tăng giá".

Nguyên nhân chính của sự biến động này xuất phát từ việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và chi phí sản xuất, tất cả đều tác động trực tiếp đến giá thành cuối cùng của sản phẩm.

Trước tình hình này, một số hệ thống siêu thị lớn tại TP. Hồ Chí Minh đã quyết định điều chỉnh tăng giá ít nhất 3%-5% đối với hầu hết các nhà cung cấp. Mức giá mới đã được áp dụng cho một số mặt hàng, trong khi các mặt hàng khác dự kiến sẽ được điều chỉnh trong đợt nhập hàng tiếp theo.

Về phía các nhà cung cấp, họ giải thích rằng họ đã cố gắng hết sức để bình ổn giá, duy trì mức giá ổn định cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước những biến động mạnh mẽ của giá nguyên liệu, đặc biệt là chi phí vận chuyển quốc tế và chi phí vận hành đã vượt quá khả năng xoay xở của họ, việc điều chỉnh giá bán là một biện pháp bất khả kháng. Họ buộc phải điều chỉnh giá bán để phần nào bù đắp cho phần chi phí đầu vào đã tăng lên đáng kể.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều mặt hàng có dấu hiệu tăng giá trước thềm Tết

Việc tăng giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển và chi phí sản xuất, tất cả đều tác động trực tiếp đến giá thành cuối cùng của sản phẩm.

Thời điểm hiện tại, nhiều doanh nghiệp, siêu thị và hệ thống bán lẻ đã tung hộp quà Tết ra thị trường. Điểm đáng chú ý là xu hướng của các hộp quà Tết năm nay tập trung vào các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và thân thiện với môi trường. Các sản phẩm chủ đạo trong các hộp quà thường là nông sản và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu thiết thực của người tiêu dùng.

Theo bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Central Retail Việt Nam (đơn vị sở hữu các siêu thị GO!, Big C, Tops Market…) cho biết, sức mua của người tiêu dùng trong những ngày gần đây đã có dấu hiệu tăng lên. Các mặt hàng được người tiêu dùng quan tâm và mua sắm nhiều nhất tập trung vào các sản phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm, bao gồm bia rượu, nước ngọt, thịt nguội, trái cây và đồ trang trí Noel. Điều này cho thấy nhu cầu mua sắm cho các dịp lễ cuối năm đang tăng cao.

Đặc biệt, đối với dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 sắp tới, đại diện Central Retail dự kiến sản lượng hàng hóa cung ứng cho thị trường sẽ tăng khoảng 10% so với cùng kỳ Tết năm ngoái.

Để đồng hành cùng người dân trong dịp Tết ấm no và ổn định về giá cả, các cơ quan chức năng đã và đang triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu và bình ổn thị trường trong giai đoạn cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Cùng với Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng đã có những chỉ đạo sát sao. Bộ Tài chính yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố, cùng các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm giữ vững sự ổn định của giá cả thị trường. Mục tiêu chính là ngăn chặn những biến động giá có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên đán 2025, thời điểm nhu cầu tiêu dùng tăng cao.