Tiêu điểm

HTX khó tiếp cận vốn tín dụng vì thiếu tài sản thế chấp


Một trong những rào cản lớn nhất mà nhiều HTX đang phải đối mặt chính là bài toán tiếp cận nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, đặc biệt là khi HTX “thiếu vắng” tài sản thế chấp đủ điều kiện. Để giải quyết khó khăn này, việc phía ngân hàng cần xem xét để có những điều kiện "mềm" hơn khi giải quyết cho vay thì HTX cũng cần phải chủ động để không đưa mình vào những rủi ro, từ đó giúp HTX kinh doanh hiệu quả và từng bước tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Phần lớn HTX, đặc biệt là các HTX mới thành lập hoặc có quy mô nhỏ, thường gặp khó khăn trong việc chứng minh năng lực tài chính và đáp ứng các yêu cầu khắt khe về tài sản thế chấp từ phía ngân hàng.

HTX và "cơn khát vốn"

Anh Bùi Hoàng, giám đốc một HTX dược liệu ở Tuyên Quang cho biết, HTX thành lập được mấy năm và chưa có tài sản gì, kể cả đất đai có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nên giờ đi vay ngắn hạn để mua nguyên liệu của dân bị thiếu vốn. HTX đã liên hệ với ngân hàng nơi HTX mở tài khoản thì họ yêu cầu bắt buộc phải có tài sản thế chấp.

Có thể thấy, tình trạng như HTX này đang vướng là không hiếm gặp. Điều này xuất phát từ nhiều yếu tố khác nhau. Có thể do mô hình hoạt động của HTX thường dựa trên sự đóng góp của các thành viên, với nguồn vốn ban đầu hạn chế. Tài sản chung của HTX thường là những tài sản gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp... mà giá trị thị trường và tính thanh khoản không cao, khó đáp ứng tiêu chuẩn thế chấp của ngân hàng.

Hoặc có thể khung pháp lý về tài sản thế chấp cho HTX còn nhiều bất cập, chưa có cơ chế đặc thù để đánh giá và chấp nhận các loại tài sản đặc thù của HTX. Trong khi bản thân các ngân hàng cũng có những lo ngại về rủi ro tín dụng đối với HTX, do tính chất hoạt động cộng đồng, quản trị đôi khi còn yếu và khả năng sinh lời chưa ổn định.

-2029-1743500871.jpg

HTX khó tiếp cận vốn ngân hàng vì thiếu tài sản thế chấp (Ảnh: Mạnh Hòa).

Việc khó hoặc chưa thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đã gây ra những hệ lụy không nhỏ cho sự phát triển của HTX. Nhiều HTX phải hoạt động cầm chừng, không dám mạnh dạn đầu tư mở rộng sản xuất, bỏ lỡ các cơ hội kinh doanh tiềm năng. Khả năng ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu của HTX cũng bị hạn chế. Điều này không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của HTX trên thị trường mà còn ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của các thành viên.

Hơn nữa, tình trạng thiếu vốn còn tạo ra cơ hội cho tín dụng đen phát triển, đẩy nhiều HTX vào vòng xoáy nợ nần khó thoát, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho an sinh xã hội và trật tự kinh tế.

Theo anh Bùi Hoàng, những HTX mới thành lập, không có vốn mà muốn phát triển thì rất khó. Mà đi vay lãi ngoài, tín dụng đen thì nhanh nhưng sẽ khiến HTX dễ rơi vào cảnh làm ăn bù lỗ. Ngoài ra, nguồn vốn góp từ các thành viên cũng có nhưng thông thường đóng góp nhiều hơn cả là do người đứng ra thành lập HTX. Các thành viên khác chủ yếu sử dụng dịch vụ của HTX, trồng nguyên liệu để cho HTX bao tiêu.

Tìm lời giải cho "bài toán khó"

Theo giới chuyên gia, hiện nay, các ngân hàng thường xem đất đai, bất động sản, máy móc mới là tài sản thế chấp. Trong khi nhiều HTX lại không đáp ứng được điều này nên khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với HTX ngày càng bị thu hẹp.

Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam Cao Xuân Thu Vân cho biết phần lớn các HTX có quy mô hoạt động nhỏ, nguồn vốn hạn chế, cơ sở vật chất, trang thiết bị sản xuất còn lạc hậu. Và thách thức lớn nhất đối với các HTX nông nghiệp trong việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế tri thức chính là sự thiếu hụt về vốn đầu tư. Trong khi chính sách tiếp cận tín dụng còn khó khăn đối với HTX. Do đó, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, cần có chính sách tín dụng riêng cho các HTX, bởi đây là mô hình đặc thù, có những khác biệt nhất định so với mô hình doanh nghiệp.

Nhiều HTX kiến nghị, Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi và ban hành các quy định pháp luật cụ thể hơn về tài sản thế chấp cho HTX. Cụ thể là mở rộng danh mục tài sản được chấp nhận thế chấp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất, các loại giấy tờ có giá trị, và thậm chí cả các phương án sản xuất kinh doanh khả thi, tiềm năng phát triển, tính khả thi của dự án mà HTX tham gia, uy tín của ban quản trị và hiệu quả hoạt động thực tế của HTX.

Bên cạnh đó là khuyến khích liên kết và hợp tác bằng cách tạo điều kiện thuận lợi để các HTX liên kết lại với nhau, hình thành các tổ chức có quy mô lớn hơn, có tiềm lực tài chính mạnh hơn và khả năng tiếp cận vốn tốt hơn.

Ở một góc độ khác, đại diện doanh nghiệp chuyên cung cấp máy sấy ở Hà Nội cho biết, với doanh nghiệp tổ chức hoạt động tối thiểu 6 tháng trở lên, có doanh thu (3 tỷ trở lên) thực hiện sao kê, báo cáo tài chính mới được vay vốn ngân hàng. Do đó, với những HTX mới thành lập không còn cách nào khác là chờ đợi và chú trọng vào vấn đề làm sao sản xuất ra hàng hóa để tạo doanh thu. Nếu những người mới bắt đầu vận hành HTX mà vội vàng lo tài chính để mua sắm vật tư, thiết bị, nguyên vật liệu thì chưa chắc đã mang lại hiệu quả.

Điều này là do thông thường nếu bắt đầu sản xuất kinh doanh, người chủ nên tạo ra sản phẩm mẫu, bỏ chất xám nghiên cứu phát triển sản phẩm chất lượng, xử lý được các vấn đề mà khách hàng đang gặp từ các đơn vị đối thủ. Khi có sản phẩm, HTX có thể đưa mẫu để khách hàng duyệt, dùng thử. Nếu khách hàng ưng ý, HTX có thể đề nghị họ gửi tiền (một phần hoặc tất cả tùy theo thương lượng). Và khoản tiền này có thể đủ chi phí vốn mua vật tư để HTX sản xuất.

Còn HTX chưa có đủ máy móc có thể thuê gia công theo yêu cầu. Điều này sẽ đỡ chi phí quản lý, vận hành, lương nhân viên, phí rủi ro...

Như vậy có nghĩa là nếu HTX có sản phẩm, có đơn hàng thì sẽ có lợi nhuận. Và khi có những điều này thì không lý do gì để HTX gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng (vay tín chấp 14-17%, thậm chí lãi suất thả nổi).

Còn nếu nhất quyết là phải đầy đủ máy móc, trang thiết bị ngay từ đầu, nhưng HTX không có sản phẩm mẫu và ngay cả bản kế hoạch sản phẩm và không có khách hàng, đơn hàng thì đây thực sự rủi ro trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh đối với HTX. Vì điều này có nghĩa là HTX không chắc sản phẩm của mình đáp ứng được yêu cầu, thị hiếu khách hàng hay không, có đủ sức cạnh tranh trên thị trường hay không. Và như vậy là rất khó có doanh thu, lợi nhuận và càng khó tiếp cận nguồn vốn.

Do đó, cách tốt nhất là HTX hãy nghiên cứu, tạo ra sản phẩm, dịch vụ chất lượng có tính chất cạnh tranh cao. Khi đó, chắc chắn khách hàng sẽ hài lòng với sản phẩm và HTX sẽ có đơn hàng, có lợi nhuận. Sau đó, HTX trích một phần lợi nhuận mua sắm vật tư, máy móc cần thiết, còn một phần tái đầu tư xoay vòng sản xuất.

Huyền Trang

Tác giả: HTX và "cơn khát vốn"