“HTX đang liên kết tiêu thụ chanh dây với Công ty TNHH Quicornac và Công ty cổ phần Nafoods Group. Để nâng cao giá trị sản phẩm, HTX đã phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Group xây dựng 2 mã vùng trồng chanh dây xuất khẩu sang Trung Quốc với diện tích hơn 60 ha”, Giám đốc HTX Lê Văn Thanh Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông (xã Ia Mơ Nông) thông tin.
Động lực mới cho sản xuất nông nghiệp
HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông hiệnliên kết với 260 hộ dân canh tác khoảng 230 ha chanh dây. Các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường (chi phí đầu tư được khấu trừ khi có sản phẩm thu hoạch). Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, chanh dây cho năng suất trên 45 tấn/ha.
Mã số vùng trồng giúp mở rộng đầu ra tiêu thụ cho nông sản, đặc biệt là xuất khẩu. |
HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch nông nghiệp Ia Mơ Nông là một trong những đơn vị được Bộ NN&PTNT chọn làm điểm xây dựng HTX kiểu mẫu giai đoạn 2022-2025.
Giám đốc Lê Văn Thành cho biết, HTX được thành lập cuối năm 2018. Hiện tại, HTX có 9 thành viên với vốn điều lệ khoảng 7,2 tỷ đồng; có 27 tổ liên kết ở các xã Ia Mơ Nông, Ia Ka, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Ia Phí, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) và xã Ia Yok (huyện Ia Grai) trồng khoảng 800 ha cà phê, chanh dây, sầu riêng.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tìm hiểu liên kết với HTX xây dựng vùng nguyên liệu sầu riêng, chanh dây và cà phê xuất khẩu. Do đó, HTX đang triển khai xây dựng mã số vùng trồng 200 ha sầu riêng và 200 ha chanh dây theo tiêu chuẩn chất lượng; đồng thời, đầu tư máy múc dịch chanh dây, xây dựng kho lạnh bảo quản chanh dây và sầu riêng. Bình quân mỗi tháng, HTX cung cấp cho Công ty TNHH Quicornac (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku) khoảng 400-500 tấn chanh dây.
Ông Thanh cho biết, các hộ tham gia chuỗi liên kết được hỗ trợ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thu mua sản phẩm với giá cao hơn thị trường. Năng suất chanh dây bình quân đạt trên 45 tấn/ha, được HTX thu mua với giá loại 1 (chanh Âu) hơn 30.000 đồng/kg, chanh loại 2 hơn 20.000 đồng/kg và chanh xô 15.000-17.000 đồng/kg.
Đánh giá cao mô hình này, Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cho rằng, nhất thiết phải chú trọng khâu tổ chức kết nối giữa doanh nghiệp - HTX với nông dân từ khâu giống, tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Liên minh HTX tỉnh sẽ phối hợp cùng UBND các huyện, thị xã, thành phố và doanh nghiệp giới thiệu, lựa chọn những HTX, tổ hợp tác có thể liên kết sản xuất, tiêu thụ chanh dây với các doanh nghiệp.
HTX Dịch vụ nông nghiệp Nghĩa Hòa (xã Nghĩa Hòa) cũng đang là một đơn vị kinh tế tập thể mạnh dạn triển khai mã số vùng trồng trên địa bàn huyện Chư Păh. Hiện, HTX đang liên kết với 10 hộ dân làm mã số vùng trồng cho hơn 10 ha sầu riêng.
“Chư Păh có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp cho phát triển các loại cây ăn quả, nhất là sầu riêng. Hiện tại, chúng tôi đã làm xong hồ sơ xin cấp mã số vùng trồng sầu riêng gửi Cục Trồng trọt. Khi liên kết, HTX hỗ trợ chuyển giao khoa học công nghệ trong canh tác sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu và thu mua sản phẩm của người dân. Khi có mã số vùng trồng sầu riêng, HTX sẽ tiếp tục mở rộng liên kết, tăng diện tích và xây dựng thêm mã số vùng trồng”, Giám đốc HTX Nguyễn Thế Minh chia sẻ.
Đại diện Phòng NN&PTNT huyện Chư Păh khẳng định, để sản xuất nông nghiệp bền vững, hướng đến xuất khẩu nông sản chính ngạch, huyện tích cực tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân, HTX, doanh nghiệp xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Đến nay, huyện đã được cấp 5 mã số vùng trồng gồm: 3 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 74,3 ha, 1 mã số vùng trồng chuối với diện tích 45 ha, 1 mã số vùng trồng mít với diện tích 55 ha. Ngoài ra, huyện đã hoàn thiện hồ sơ gửi Cục Trồng trọt để cấp 7 mã số vùng trồng sầu riêng.
Tăng tốc bằng công nghệ cao
Theo ông Nay Kiên, Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, những năm qua, cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa. Người dân đã điều chỉnh cơ cấu giống phù hợp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giá trị trên một đơn vị diện tích. Đồng thời, tổ chức sản xuất có sự gắn kết chặt chẽ từ phát triển vùng nguyên liệu tập trung đến chế biến, bảo quản tại chỗ gắn với thị trường tiêu thụ cụ thể.
Ứng dụng công nghệ cao để tăng sản lượng và chất lượng nông sản. |
Huyện chú trọng đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói… để giúp hàng nông sản của địa phương tăng khả năng cạnh tranh, thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị và hướng đến xuất khẩu.
“Thời gian tới, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và hướng dẫn, hỗ trợ các cá nhân, HTX, doanh nghiệp triển khai xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói để phát triển nông nghiệp bền vững. Tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương; sự tham gia của các đoàn thể và tổ chức chính trị-xã hội trong việc thay đổi tư duy của người dân từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Xây dựng phương thức tổ chức sản xuất, hình thành các mô hình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp với nông dân, HTX, chú trọng yếu tố hợp tác và mối liên kết giữa sản xuất với tiêu thụ. Đây chính là mục tiêu của sản xuất nông nghiệp bền vững”, ông Nay Kiên khẳng định.
Đến nay, ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của huyện Chư Păh với 8.400 ha cà phê, 5.100 ha cao su, 2.750 ha bời lời, 550 ha sầu riêng, 670 ha rau các loại, 500 ha chanh dây, hơn 4.158 ha lúa, 148 ha bơ, 100 ha mít, 100 ha chuối… Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hình thành các chuỗi liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, huyện đã xây dựng Đề án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2021-2025.
Người dân trong huyện còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới nước tiên tiến, tưới phun mưa tại gốc của Wasi cho cây trồng. Công nghệ này giúp tiết kiệm 25% lượng nước tưới, tiết kiệm công lao động, nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, duy trì và cải thiện độ phì nhiêu cho đất. Toàn huyện có khoảng 200 ha cà phê, trên 600 ha cây ăn quả, 15 ha hồ tiêu, 6 ha rau màu, 20 ha khoai lang áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước theo công nghệ của Wasi và Israel.
“Đến năm 2025, huyện phấn đấu xây dựng thành công các mô hình sản xuất rau củ quả sạch bằng công nghệ cao quy mô 4 ha tại các xã: Nghĩa Hưng, Ia Nhin, Nghĩa Hòa và thị trấn Phú Hòa; xây dựng mô hình sản xuất cây có múi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô khoảng 30 ha tại các xã: Hà Tây, Đak Tơ Ve, Ia Khươl, Hòa Phú, Nghĩa Hưng, Ia Phí và áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước cho 200 ha cây trồng”, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Võ Văn Tấn thông tin.
Song song đó, huyện hỗ trợ các hộ kinh doanh, HTX đầu tư công nghệ chế biến sâu và bảo quản nông sản đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ; từng bước hình thành chuỗi cung ứng bền vững kết nối sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm vào hệ thống siêu thị, nhà hàng tại các thị trường tiềm năng trong nước và xuất khẩu.
Có thể nói, chính nhờ mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi, chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ sang hiện đại, tiêu chuẩn cao, ngành nông nghiệp của huyện Chư Păh đã có những bước phát triển đột phá thời gian qua. Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo của huyện cũng giảm mạnh qua từng năm. Giai đoạn 2022-2025, huyện phấn đấu giảm nghèo bình quân mỗi năm từ 2% trở lên theo chuẩn nghèo đa chiều mới. Phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 4,98% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm dưới 10%.
Phương Linh