Tiêu điểm

Tôm Cà Mau - tự hào thương hiệu Việt


Được mệnh danh ngôi vương xuất khẩu tôm, Cà Mau đã xây dựng nhiều giải pháp từ việc xây dựng hình ảnh, niềm tin đối với người tiêu dùng cả trong và ngoài nước; sản phẩm đến với người tiêu dùng phải ngon, sạch, chất lượng, an toàn. Để làm được việc này đang triển khai nhiều giải pháp.

Cà Mau là tỉnh có vị trí địa lý đặc biệt nằm ở cực Nam của Tổ quốc, giáp cả Biển Đông và Biển Tây với tổng chiều dài bờ biển khoảng 254km. Cà Mau có tiềm năng, lợi thế về sản xuất lúa, rau, củ, quả và nuôi trồng, khai thác, chế biến thủy sản. Sản xuất nông nghiệp của Cà Mau đã và đang phát triển mạnh mẽ, hàng hóa nông nghiệp ngày càng nâng cao về chất lượng và số lượng.

Nuôi trồng thuỷ sản của tỉnh Cà Mau phát triển mạnh so với cả nước với diện tích hơn 303.320ha, trong đó diện tích nuôi tôm 278.365ha (chiếm khoảng 40% cả nước), có nhiều loại hình nuôi như: Siêu thâm canh, thâm canh, bán thâm canh, quảng canh cải tiến, quảng canh kết hợp.

Mô hình nuôi tôm xen canh trồng lúa đem lại hiểu quả bền vững cho người dân Cà Mau

Mô hình nuôi tôm xen canh trồng lúa đem lại hiểu quả bền vững cho người dân Cà Mau

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Huỳnh Quốc Việt, hàng năm, tổng sản lượng thủy sản của Cà Mau đạt trên 600.000 tấn, riêng sản lượng tôm đạt trên 250.000 tấn, chiếm khoảng 22% của cả nước.

Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào sự kiện lần đầu tiên Việt Nam vượt mốc 10 tỷ USD xuất khẩu thủy sản và là quốc gia cung ứng tôm lớn thứ hai thế giới. Sản phẩm tôm Cà Mau tự hào đã có mặt trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó 4 thị trường chủ lực là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc.

Ngày nay, con tôm đã thật sự trở thành sản phẩm không thể tách rời với đời sống vật chất, tinh thần của người nông dân Cà Mau...

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau

Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết kim ngạch xuất khẩu tôm đạt hơn 1,2 tỷ USD

Sản xuất tôm giống có bước đột phá về đầu tư quy mô lớn, sản xuất tập trung… đến nay đã được nhiều tổ chức chứng nhận trong và ngoài nước cấp 9 loại chứng nhận quốc tế như: ASC, B.A.P, EU Organic, Canada Organic, Bio Suisse, Selva Shrimp, Mangrove Shrimp, Naturland. Diện tích được chứng nhận đạt 19.590ha.

Trong đó, diện tích tôm rừng là 19.025ha, diện tích tôm lúa là 565ha với sản lượng tôm được chứng nhận ước khoảng 10.000 tấn. Chứng nhận tôm hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 110418:2018) diện tích gần 250 ha với hình thức nuôi chủ yếu là tôm - lúa, tôm quảng canh kết hợp.

Toàn tỉnh hiện có 38 doanh nghiệp (41 nhà máy) chế biến, xuất khẩu tôm, thủy sản khác, với tổng công suất thiết kế khoảng 250.000 tấn/năm. Hầu hết các nhà máy đều đạt tiêu chuẩn để xuất hàng vào các nước phát triển như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada, EU…

Sản phẩm tôm của tỉnh Cà Mau đã xuất khẩu qua hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt gần 1 tỷ USD/năm, là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh (chiếm trên 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh). Bên cạnh các nhà máy chế biến thủy sản lớn còn có khoảng 170 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thủy sản khô và thu mua, sơ chế bảo quản nông sản.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại lễ khai mạc.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại lễ khai mạc Festival tôm Cà Mau

Trước đó, phát biểu tại lễ khai mạc Festival tôm Cà Mau ngày 10/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái nhấn mạnh, năm 2023, GRDP tỉnh Cà Mau ước tăng 7,78% so cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước.

Ngành tôm Cà Mau đã khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới, xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, ngoài nuôi siêu thâm canh còn có những loại hình nuôi bền vững ít nơi nào có được như tôm - rừng, tôm - lúa đạt tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ.

Tôm Cà Mau - tự hào thương hiệu Việt

Tôm Cà Mau - tự hào thương hiệu Việt

Các sản phẩm được đón nhận tại Festival tôm Cà Mau

Để phát triển nông nghiệp hiệu quả và gia tăng giá trị, ngành Nông nghiệp nói chung và Cà Mau nói riêng, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, tỉnh cần tập trung phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, trong đó có hệ sinh thái ngành tôm; xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, góp phần bảo vệ môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu…

Festival tôm Cà Mau năm 2023 với chủ đề "Tự hào thương hiệu Việt" và Diễn đàn OCOP Đồng bằng sông Cửu Long diễn ra từ ngày 9 - 13/12 nhằm quảng bá sản phẩm đặc trưng của tỉnh với bạn bè trong và ngoài nước.

Theo ban tổ chức, Festival tôm Cà Mau với nhiều hoạt động tập trung giới thiệu thành tựu, tiềm năng của ngành tôm cùng các sản phẩm đặc trưng của Cà Mau và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Sự kiện cũng là dịp để các đơn vị, doanh nghiệp gặp gỡ, quảng bá thương hiệu, xúc tiến mở rộng thị trường.

Tác giả: Hoàng Lân
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật