Tiêu điểm

4 doanh nghiệp bán lẻ chung tay tiêu thụ sản phẩm OCOP


4 chuỗi siêu thị Goldfruit, Wiki Food, ECO-MART và Fuji Fruit vừa ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với 19 doanh nghiệp, chủ thể OCOP.

Cơ hội mở rộng đầu ra cho sản phẩm OCOP

Đây là một trong những hoạt động đáng chú ý trong khuôn khổ chương trình Hành trình OCOP, diễn ra mới đây, tại Thái Bình.

Trong đó, 5 chủ thể được ký hợp đồng ngay lập tức để đưa vào 4 chuỗi siêu thị này gồm Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Sapo, Bánh phồng tôm Hoàng Minh, Công ty TNHH Vegis, Bánh trưng Nương Bắc, Tây Bắc TV. 12 doanh nghiệp còn lại sẽ được các chuỗi bán lẻ hỗ trợ và cam kết đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ ngay khi đáp ứng đủ giấy tờ về sản phẩm. Tất cả chủ thể OCOP đưa hàng vào các siêu thị được hỗ trợ với chi phí mở mã là 0 đồng.

4 doanh nghiệp bán lẻ chung tay tiêu thụ sản phẩm OCOP

Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ về hoạt động xúc tiến thương mại tại Thái Bình cuối tuần qua

Ông Lê Ngọc Huê - Chủ tịch ThaiBinh Coop, Chủ tịch An Thái Hưng Group, Nhà sáng lập, Trưởng ban tổ chức Chương trình Hành trình OCOP - chia sẻ, tiếp theo chuỗi hoạt động diễn ra tại Hà Nội, mới đây, tại Thái Bình, Chương trình Hành trình OCOP đã tổ chức sự kiện xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm OCOP vào các chuỗi siêu thị tại Hà Nội.

Điều đặc biệt của sự kiện xúc tiến thương mại tại Thái Bình lần này là Ban tổ chức chương trình đã tin tưởng và giao nhiệm vụ cho bà Hà Thanh Bình - CEO, Founder chuỗi bán lẻ Goldfruit và Công ty Thực phẩm Wiki Food, trên cương vị là Trưởng ban Xúc tiến thương mại, đã chia sẻ kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị trong và ngoài nước.

4 doanh nghiệp bán lẻ chung tay tiêu thụ sản phẩm OCOP

Bà Hà Thanh Bình chia sẻ kinh nghiệm quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các chủ thể OCOP

Hành trình OCOP khởi đầu là một gameshow truyền hình có sự tham gia của các doanh nghiệp, hợp tác xã có sản phẩm OCOP từ mọi miền đất nước. Được phát sóng trên kênh VTC14, chương trình đã mang đến những câu chuyện khởi nghiệp, chia sẻ kinh nghiệm bổ ích để phát triển các sản phẩm đặc sản vùng miền.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, sau khi ghi hình lần 1 và phát sóng được 9 số, sự kiện kết nối sản phẩm OCOP vào chuỗi bán lẻ, siêu thị tại Hà Nội đã được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 2/7. Tại sự kiện đó, đã có hơn 20 doanh nghiệp, chủ thể OCOP được ký kết biên bản ghi nhớ để đưa sản phẩm vào chuỗi siêu thị Goldfruit và một số kênh bán lẻ tại Hà Nội.

Ngay sau đó, sau đợt ghi hình lần 2, tại chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm được tổ chức tại Thái Bình vào cuối tuần qua, các chủ thể OCOP đã tiếp tục được kết nối đưa vào 4 chuỗi siêu thị Goldfruit, Wiki Food, ECO-MART và Fuji Fruit, mở ra cơ hội tiêu thụ lớn nhờ hệ thống phân phối rộng khắp.

Theo đó, Goldfruit - chuỗi cửa hàng trái cây và đặc sản vùng miền chất lượng cao tại Việt Nam, đã khẳng định vị thế và trở thành lựa chọn hàng đầu của nhiều gia đình Việt sau hơn một thập kỷ phát triển kể từ khi thành lập vào năm 2013. Hiện tại, Goldfruit sở hữu hai tổng kho phân phối lớn tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, cùng với hơn 30 cửa hàng bán lẻ và cửa hàng nhượng quyền trải khắp các tỉnh thành.

Bên cạnh đó, được thành lập vào năm 2020, Wiki Food đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình là tổng kho bán buôn thực phẩm uy tín tại Hà Nội và các tỉnh thành phía Bắc. Một số khách hàng tiêu biểu phân phối các sản phẩm của Wiki Food bao gồm: Chuỗi cửa hàng Goldfruit, chuỗi cửa hàng Sói Biển, Sendo Farm, Ngọc Hường Mart, Bap Buffet, nhà hàng Khói, lẩu Hoàng Phố, Davidcrop Việt Nam…

ECO-MART Nông nghiệp xanh - Thực phẩm sạch là một hệ thống siêu thị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm nông nghiệp xanh và thực phẩm sạch tại Việt Nam. Hiện ECO-MART có 23 cửa hàng quanh khu vực Hà Nội và Hưng Yên.

Fuji Fruit tự hào là một trong những hệ thống cung cấp hoa quả sạch hàng đầu tại Việt Nam. Hiện Fuji Fruit xây dựng một mạng lưới phân phối với hơn 50 cửa hàng trên toàn quốc

Sau đợt ghi hình lần thứ hai, các doanh nghiệp, chủ thể OCOP đều được các siêu thị hỗ trợ tư vấn và cam kết bao tiêu sản phẩm. Việc đưa hàng hoá vào được các siêu thị này đã hỗ trợ rất lớn cho các chủ thể OCOP - vốn là các doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình có cơ hội quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chị Nguyễn Thị Huyền Trang - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Linh Trang - một cơ sở sản xuất sản phẩm hương trầm tại Hà Tĩnh - chia sẻ, trước đây, các sản phẩm của công ty mới được phân phối ở các kênh bán hàng nhỏ lẻ. Việc đưa vào các chuỗi bán lẻ uy tín như Goldfruit đã giúp sản phẩm có được đầu ra ổn định hơn, doanh thu tăng trưởng tốt hơn.

Tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm

Ông Lê Ngọc Huê chia sẻ, để hỗ trợ tối đa cho các chủ thể OCOP, trong thời gian tới, Ban tổ chức chương trình sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động liên quan đến xúc tiến thương mại; tổ chức các phiên livestream bán hàng cho các chủ thể OCOP… Đồng thời tiếp tục triển khai các hoạt động truyền thông quảng bá để nhiều người tiêu dùng biết đến sản phẩm.

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục được Ban giám khảo chương trình hỗ trợ tư vấn sát sườn các kiến thức về quản trị kinh doanh và bán hàng. Đây chính là những bước rất quan trọng giúp các chủ thể OCOP tiêu thụ được sản phẩm, duy trì được hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, để đáp ứng được tiêu chuẩn nhập hàng của các chuỗi bán lẻ, siêu thị, hiện siêu thị giao việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm đầu vào cho Ban tổ chức Chương trình hành trình OCOP. Hiện Ban tổ chức là đầu mối kiểm duyệt các sản phẩm để đưa vào siêu thị nhằm đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của cả 2 bên. Do đó, các chủ thể OCOP cần tiếp tục duy trì chất lượng sản phẩm. Đồng thời, đảm bảo các loại giấy tờ về sản phẩm để đảm bảo thuận lợi nhất trong việc đưa hàng vào các siêu thị, chuỗi bán lẻ.

 
Tác giả: Lan Phương
Bài viết liên quan