Tiêu điểm

Chất lượng tín dụng của các ngân hàng có xu hướng giảm, nợ xấu tăng


Mặc dù tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này khả quan hơn so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên, chất lượng tín dụng có xu hướng giảm, nợ xấu có nguy cơ gia tăng, có đến 24/29 ngân hàng ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm...

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Quang Dũng cho biết, nguyên nhân khiến chất lượng tín dụng giảm là do tác động của suy thoái kinh tế và thiệt hại từ thiên tai. Đồng thời, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, chưa có sự cải thiện rõ rệt, và thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn.

Tính đến hết quý II/2024, tổng nợ xấu nội bảng của 29 ngân hàng đạt gần 283.000 tỷ đồng, tăng 35.400 tỷ đồng, tương đương mức tăng 14,8% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu của 29 ngân hàng này cũng tăng nhẹ 0,15% so với cuối năm 2023, lên mức 2,3%.

Có tới 24 trong số 29 ngân hàng ghi nhận nợ xấu gia tăng so với đầu năm, phản ánh xu hướng suy giảm chung của chất lượng tín dụng trong toàn ngành. Một số ngân hàng có mức tăng mạnh nhất bao gồm: VietinBank tăng 8.000 tỷ đồng, BIDV tăng 6.300 tỷ đồng, NCB tăng 6.200 tỷ đồng, VPBank tăng 5.400 tỷ đồng, và Vietcombank tăng 4.000 tỷ đồng.

-1196-1727671451.jpg

Kinh tế suy thoái, thiệt hại do thiên tai khiến chất lượng tín dụng giảm, nợ xấu tăng.

Tại Hội nghị Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng năm 2024, ông Nguyễn Đức Long, Phó Chánh Thanh tra Giám sát Ngân hàng (TTGSNH), cho biết các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tích cực triển khai các biện pháp nâng cao năng lực quản trị, điều hành, kiểm soát rủi ro và nội bộ, đồng thời tập trung tái cơ cấu và xử lý nợ xấu theo các đề án và phương án đã được phê duyệt.

Tuy nhiên, Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng nhận thấy còn một số vấn đề cần lưu ý như: nợ xấu của hệ thống các TCTD có xu hướng gia tăng; hoạt động tín dụng của một số TCTD chưa tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên; công tác kiểm soát và kiểm toán nội bộ còn nhiều bất cập; tiến độ tái cơ cấu của một số TCTD còn chậm; tồn tại trong hoạt động đại lý bảo hiểm và thu hồi nợ...

Trong bối cảnh này, Phó Thống đốc Phạm Quang Dũng nhấn mạnh sự cần thiết của việc giám sát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng cho các khách hàng và nhóm khách hàng liên quan đến cổ đông lớn, cổ đông chi phối; tín dụng đối với các khách hàng có dấu hiệu tài chính đáng lưu ý; và các khoản tín dụng trong các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, tiêu dùng và chứng khoán.

Phó Thống đốc cũng yêu cầu Cơ quan Thanh tra, Giám sát Ngân hàng khẩn trương ban hành kết luận thanh tra đối với các cuộc thanh tra đã hoàn tất, nâng cao chất lượng kiến nghị trong các kết luận thanh tra, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế và chính sách còn bất cập. Việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và xử lý sau thanh tra cần được tăng cường để đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý. Các vi phạm phải được lập biên bản và xử lý hành chính hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng theo quy định pháp luật.

Đồng thời, cần tập trung giám sát chất lượng tín dụng, đảm bảo cấp tín dụng đúng đối tượng và lĩnh vực để kịp thời phát hiện rủi ro và đưa ra biện pháp xử lý, góp phần bảo đảm an toàn cho hệ thống TCTD. Cơ quan Thanh tra cũng phải giám sát chặt chẽ các TCTD yếu kém, có nhiều vấn đề tồn tại, và chỉ đạo thực hiện hiệu quả phương án tái cơ cấu gắn liền với xử lý nợ xấu, hạn chế phát sinh nợ xấu mới.

Thanh Hoa

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật