Tiêu điểm

CPI tăng 2,25% do giá xăng dầu 'leo thang', khách quốc tế đến Việt Nam vẫn giảm 95% so với trước dịch COVID-19


Kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022 cho thấy hoạt động sản xuất vẫn duy trì đà phục hồi khi số lượng doanh nghiệp thành lập mới gia tăng nhưng một vài chỉ số cũng cần lưu tâm, đó là khách quốc tế đến Việt Nam tăng mạnh nhưng vẫn giảm tới 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19; CPI tăng 2,25% do giá xăng dầu và hàng hóa thiết yếu tăng mạnh.

Sáng ngày 29/5, Tổng cục Thống kê công bố báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2022. 

Trung bình có 19,7 nghìn doanh nghiệp 'ra đời' mỗi tháng

Theo đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 5  ước tính tăng 4% so với tháng trước và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 12,1%. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, IIP ước tính tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2021 tăng 10%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,2% (cùng kỳ năm 2021 tăng 12,5%).

hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-2718-1871-

Hoạt động kinh doanh đang khởi sắc trở lại. 

Đáng chú ý về tình hình đăng ký doanh nghiệp, trong tháng 5, cả nước có 13,4 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10,9% về số doanh nghiệp so với tháng trước; tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Cả nước có 5.207 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 26% so với tháng trước và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.964 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 7,9% so với tháng trước và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2021; có 4.186 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 11,3% và giảm 1,1%; có 1.339 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 9,1% và tăng 4,7%.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cả nước có 98,6 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 25,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có 19,7 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 71,8 nghìn doanh nghiệp, tăng 20%, bình quân một tháng có 14,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Về hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước tháng 5 ước đạt 38,1 nghìn tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước ước đạt 147,8 nghìn tỷ đồng, bằng 27,7% kế hoạch năm và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/5/2022 bao gồm: Vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 11,71 tỷ USD, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất siêu 516 triệu USD

Bên cạnh đó, Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 ước đạt 477,3 nghìn tỷ đồng, tăng 4,2% so với tháng trước và tăng 22,6% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ các năm trước khi xảy ra dịch COVID-19. 

xuat-khau-9395-1653792365.png

5 tháng 2022, cán cân thương mại xuất siêu 516 triệu USD. 

Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 2.257,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 6,3% (cùng kỳ năm 2021 giảm 1%).

Về kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 30,48 tỷ USD, giảm 8,5% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm nhiều nhất với 88,6%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 5/2022 ước đạt 32,21 tỷ USD, giảm 0,8% so với tháng trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,29 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước. Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2022, nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm nhiều nhất với 93,9%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 49,6 tỷ USD.

"Cán cân thương mại hàng hóa Tháng 5 ước tính nhập siêu 1,73 tỷ USD. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 516 triệu USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 1,24 tỷ USD)", Tổng cục Thống kê cho biết. 

Đặc biệt, Tổng cục Thống kê cho hay khách quốc tế đến Việt Nam tháng 5 đạt 172,9 nghìn lượt người, tăng 70,6% so với tháng trước và gấp 12,8 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 5 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến nước ta đạt 365,3 nghìn lượt người, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn giảm 95% so với cùng kỳ năm 2019, năm chưa xảy ra dịch COVID-19.

CPI 5 tháng tăng 2,25% 

Đáng chú ý, một trong những chỉ số đáng lưu tâm trong báo cáo kinh tế tháng 5 là chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới; giá lương thực, thực phẩm, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào là những nguyên nhân chủ yếu làm CPI tháng 5/2022 tăng 0,38% so với tháng trước; tăng 2,48% so với tháng 12/2021 và tăng 2,86% so với cùng kỳ năm trước.

dien-bien-chi-so-tieu-dung-4239-16537923

Tốc độ tăng/giảm CPI tháng 5/2022 so với tháng trước. 

Cụ thể, tháng 5/2022, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; 1 nhóm hàng giảm giá. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 5/2022 tăng 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,28%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm tăng 0,22%, tác động tăng 0,05 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,4%, tác động tăng 0,03 điểm phần trăm.

Đáng quan ngại, chỉ số giá nhóm giao thông tháng 5/2022 tăng 2,34% so với tháng trước làm CPI chung tăng 0,23 điểm phần trăm, chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu theo giá nhiên liệu thế giới vào ngày 04/5/2022, 11/5/2022 và 23/5/2022 làm cho giá xăng tăng 5,93%; giá dầu diezen tăng 3,99%.

Giá dịch vụ giao thông công cộng tăng 1,06% so với tháng trước do giá nhiên liệu tăng. Trong đó, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 1,91%; xe buýt tăng 0,99%; taxi tăng 0,97%; đường sắt tăng 0,37%; đường thủy tăng 0,27%. Giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,05%; thuê ô tô, xe máy tự lái tăng 0,22%; phụ tùng tăng 0,17%.

Bình quân 5 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,25% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,29% của 5 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 5 tháng đầu năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 1,1%.

Thy Lê 

Bài viết liên quan