Những thế mạnh vượt trội
Thế mạnh của Hà Nội để phát triển công nghiệp văn hóa không chỉ là “vốn” di sản văn hóa giàu có với 6.489 di tích lịch sử văn hóa, 1.793 di sản văn hóa phi vật thể, 1.350 làng nghề và làng có nghề thủ công, mà còn có nguồn lực con người to lớn với cơ cấu dân số vàng, nơi tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước. Đây là những tiềm năng lớn, tiền đề quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Hà Nội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Thủ đô.
Hoàng thành Thăng Long (Ảnh: TTXVN) |
Bên cạnh đó, với vị thế là Thủ đô, Hà Nội còn có thế mạnh là trung tâm lớn về khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế, có mối quan hệ hợp tác với hơn 100 thủ đô các nước, quan hệ thương mại với trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ… Đây là điều kiện thuận lợi cho phát triển, là thị trường rộng mở để sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm từ ngành công nghiệp văn hóa.
Đặc biệt, năm 2019, sau 20 năm đón nhận danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” do UNESCO trao tặng, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNECO với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững.
Làng cổ Đường Lâm |
Lĩnh vực văn hóa ở Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung trong thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách mới hình thành nên môi trường để phát huy có hiệu quả các nguồn lực văn hóa, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
Với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa/công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Đây là tiền đề thuận lợi để Hà Nội phát huy bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa trong việc chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sự bứt phá của các ngành công nghiệp văn hóa.
Thực tế cho thấy, sau ba năm ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội hiện nay đang hình thành và phát triển sự đa dạng của các sản phẩm thủ công và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố cùng với việc kết nối với mạng lưới hơn 100 không gian sáng tạo trên địa bàn Thủ đô đã tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai.
Du khách trải nghiệm "Đêm thiêng liêng'' tại Nhà tù Hỏa Lò |
Nhiều di sản văn hóa, thiết chế văn hóa với các hoạt động sáng tạo độc đáo đã trở thành thương hiệu, điểm nhấn của Hà Nội như: Chương trình trải nghiệm “Ngọc Sơn - đêm huyền bí”; chương trình tham quan trải nghiệm "Đêm thiêng liêng 2" và "Đêm thiêng liêng 3" vào buổi tối thứ 6 và thứ 7 hàng tuần tại di tích Nhà tù Hỏa Lò và chuỗi các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật, giáo dục sáng tạo tại không gian di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Trung tâm điều phối các hoạt động sáng tạo Hà Nội tại Bảo tàng Hà Nội.
Huy động nguồn lực từ cộng đồng
Nguồn lực từ cộng đồng đóng vai trò rất lớn trong phát triển công nghiệp văn hóa và đó là lý do Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ký kết chương trình hợp tác với các Trường Đại học, Tạp chí Kiến trúc - Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, Văn phòng UNESCO Việt Nam tại Hà Nội, Hội đồng Anh, Viện Pháp tại Hà Nội (L'Espace) và nhiều doanh nghiệp, tổ chức văn hóa khác để thúc đẩy các dự án sáng tạo và trao đổi nghệ thuật.
Tái hiện cảnh người Hà Nội xưa gói bánh chưng đón Tết tại Ngôi nhà di sản |
Mỗi địa phương trên địa bàn thành phố Hà Nội sẽ có cách tiếp cận riêng, tạo ra những đặc trưng riêng để phát triển công nghiệp văn hóa, trong đó quận Hoàn Kiếm hiện nay với nhiều công trình, không gian văn hóa sáng tạo nổi bật đã được hình thành trên cơ sở tái thiết các không gian cũ hiện có để triển khai ý tưởng, dự án nghệ thuật phục vụ cho cộng đồng.
Đó là: Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm, Ngôi nhà di sản (87 phố Mã Mây), không gian văn hóa lịch sử Hội truyền bá chữ quốc ngữ và danh nhân Nguyễn Văn Tố (47 Hàng Quạt), cầu vượt đường bộ phố Trần Khánh Dư, con đường nghệ thuật Phúc Tân; quận Tây Hồ với phố đi bộ Trịnh Công Sơn và không gian văn hóa Hồ Tây; quận Ba Đình với công trình “Bến hoa Phúc Xá - Ba Đình” ở bãi bồi sông Hồng...
Không gian bên trong Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Ảnh: Minh An) |
Sở Văn hóa và Thể thao đã tích cực hợp tác với các tổ chức quốc tế như UNESCO, Đặc biệt sự kiện Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam chính thức là thành viên của Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2019 cho thấy một Hà Nội với diện mạo trẻ trung, hiện đại và sáng tạo trên nền tảng lịch sử, văn hóa ngàn năm văn hiến, trở thành một thành phố năng động nhất trên thế giới.
Từ năm 2021 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu tổ chức trên 50 sự kiện văn hóa lớn, trong đó có: Liên hoan phim quốc tế Hà Nội (HANIFF); Lễ hội Văn hóa ẩm thực; chương trình nghệ thuật “Xuân Quê hương”, “Những ngày Hà Nội tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024”, đặc biệt là chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô với điểm nhấn là “Lễ hội văn hóa hòa bình” thu hút hàng triệu lượt khách tham dự, góp phần gia tăng doanh thu du lịch văn hóa.
Lan tỏa tinh thần sáng tạo
Một trong những điểm nhấn quan trọng của Hà Nội khi thực hiện các sáng kiến cam kết với UNESCO đó là Sở Văn hóa và Thể thao đã phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các cơ quan trong nước, quốc tế tham mưu thành phố tổ chức thành công Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội thường niên với 3 trụ cột chính hướng tới các không gian và chủ đề nhằm tôn vinh giá trị văn hóa Thủ đô là Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo.
Năm 2021 Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Tạp chí Kiến trúc, UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức tuần lễ “Khơi nguồn Sáng tạo” tại Trung tâm Văn hóa nghệ thuật 22 Hàng Buồm trong 7 ngày với 23 sự kiện, sự tham gia của 80 nghệ sĩ, diễn giả, 50.000 người theo dõi trên kênh trực tuyến và 50 báo, đài truyền hình, phát thanh truy cập tin tức.
Những hoạt động sáng tạo thúc đẩy công nghiệp văn hóa |
Năm 2022, Sở đã tham mưu cho UBND thành phố tổ chức lễ hội trong 7 ngày với chủ đề “Sáng tạo và Công nghệ” bao gồm chuỗi 61 hoạt động tại 50 không gian sáng tạo với hơn 150 nghệ sĩ, nhóm nghệ sĩ, diễn giả, nghệ nhân, nhà sáng tạo tham gia trực tiếp và đón tiếp hơn 30.000 lượt khách tham quan và trải nghiệm tại không gian chính của lễ hội.
Bên cạnh đó các không gian hưởng ứng lễ hội tại Khu đô thị Bắc An Khánh (huyện Hoài Đức), phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, phố đi bộ Trần Nhân Tông và Công viên Thống Nhất, phố đi bộ Trịnh Công Sơn cũng thu hút hàng vạn lượt khác tham gia trải nghiệm.
Năm 2023, lễ hội với chủ đề “Dòng chảy” đã được tổ chức tại các không gian di sản công nghiệp gắn bó với Hà Nội trong thời gian qua như: Nhà máy xe lửa Gia Lâm, tháp nước Hàng Đậu, ga Long Biên, ga Gia Lâm… với hơn 60 hoạt động nghệ thuật, trưng bày, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, chuỗi sự kiện cộng đồng, hội chợ sáng tạo… thu hút hơn 90 báo, đài đưa tin, 230.000 khách tham quan, 4 triệu tương tác trên mạng xã hội.
Cũng trong khuôn khổ lễ hội, thành phố Hà Nội lần đầu tiên tổ chức thành công Diễn đàn Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO khu vực Đông Nam Á mở rộng và trở thành sự kiện được mong đợi đối với các nghệ sĩ, nghệ nhân, kiến trúc sư, cộng đồng sáng tạo trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, năm 2024, lễ hội được tổ chức trong một năm đặc biệt, tròn 5 năm kể từ khi Hà Nội trở thành thành viên của Mạng lưới thành phố sáng tạo UNESCO, chủ đề là “Giao lộ sáng tạo”. Chủ đề này được lựa chọn để khuyến khích mỗi cá nhân nhận ra và nuôi dưỡng "cái tôi" sáng tạo trong mình; cộng hưởng và được truyền cảm hứng từ cộng đồng, từng cá nhân bước ra với một tinh thần dũng cảm sáng tạo mới, đóng góp vào sự phát triển của Thủ đô.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 được mở rộng với hơn 110 hoạt động thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hoá, tiêu biểu như: Kiến trúc, mỹ thuật, trình diễn, điện ảnh, quảng cáo, xuất bản...
Lần đầu tiên, Cung Thiếu nhi Hà Nội, Bắc Bộ Phủ, Nhà hát Lớn, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Đại học Tổng hợp (cũ) thí điểm mở cửa đón khách tham quan như một di sản kiến trúc bên cạnh công năng vốn có.
Qua đó, tinh thần sáng tạo được lan toả tại khắp các không gian kiến trúc, không gian di sản văn hóa, không gian sáng tạo, các phố nghề, làng nghề truyền thống trên khắp các tuyến phố, khắp địa bàn quận huyện, thị xã của Thủ đô. Bên cạnh đó, cộng đồng tổ chức gần 50 hoạt động sáng tạo hưởng ứng lễ hội, phục vụ công chúng và du khách Thủ đô.
Lễ hội năm nay được các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông đánh giá có tính tham gia, tính cộng hưởng từ cộng đồng rõ nét. Sự góp mặt của hơn 500 đơn vị, hơn 1.000 nhà sáng tạo, trong đó có nhiều nghệ sĩ trẻ tài năng đã thành danh cả trong và ngoài nước.
Cộng đồng người khuyết tật và các nhóm yếu thế trong xã hội cũng đã tích cực đóng góp với vai trò là những nhà sáng tạo chuyên nghiệp. Những hoạt động mà các nhóm cộng đồng này mang tới lễ hội không chỉ giúp công chúng thấu hiểu hơn về thế giới của mình, mà còn thể hiện tinh thần tích cực của mỗi người dân Thủ đô trong hành trình xây dựng một Thành phố sáng tạo năng động và phát triển.
Sau 9 ngày tổ chức, lễ hội đã đạt được thành công ngoài mong đợi, tạo dấu ấn và nhận được sự ủng hộ, cộng hưởng lớn từ nhân dân Thủ đô và du khách. Hơn 35 vạn lượt khách đã đến tham gia, trải nghiệm tại các điểm trên tuyến chính của lễ hội. Những ngày cuối tuần, lễ hội đón tới gần 60.000 người chỉ trong một ngày tại các điểm có cổng ra vào, chưa kể đến các không gian mở như vườn hoa hay không gian công cộng.
Triển lãm Cảm thức Đông Dương tại Bắc Bộ Phủ trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 (Ảnh: VPBank) |
Hơn 200 phóng viên báo chí đã tham gia và trở thành một phần không thể thiếu của Lễ hội, thống kê sơ bộ có gần 1.600 tin, bài trên các phương tiện thông tin đại chúng với hơn 4,7 triệu lượt tương tác thảo luận xoay quanh lễ hội và hơn 2.000 nhà sáng tạo nội dung đã thực hiện sản phẩm truyền thông đa phương tiện trên các mạng xã hội, hướng dẫn khán giả cách tham gia văn minh, lan tỏa thông điệp tự hào về thành phố ngàn năm văn hiến.
Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ là một sự kiện văn hóa, mà còn là động lực thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp văn hóa của Hà Nội với các tỉnh, thành phố bạn, các thủ đô, thành phố lớn của các quốc gia trên thế giới.
Thông qua lễ hội, Hà Nội tiếp tục giới thiệu đến bạn bè quốc tế, một thành phố - trung tâm sáng tạo của khu vực và quốc tế nơi thăng hoa sáng tạo nghệ thuật, lan tỏa sự đam mê nghề nghiệp, tìm tòi cơ hội hợp tác, khai thác các sản phẩm văn hóa mới, thúc đẩy sự phát triển kinh tế sáng tạo; khẳng định Việt Nam, Hà Nội điểm đến an toàn, thân thiện, có năng lực tổ chức sự kiện quy mô lớn, chất lượng, xây dựng các sự kiện, sản phẩm văn hóa đặc sắc, làm nên thương hiệu của Thủ đô và Việt Nam trên trường quốc tế.
Bởi thế, khi HĐND TP Hà Nội ban hành dự thảo Nghị quyết quy định về tổ chức và hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa (Thực hiện khoản 7 Điều 21 Luật Thủ đô) và dự thảo Nghị quyết về khu phát triển thương mại và văn hóa (Thực hiện khoản 8 Điều 21 Luật Thủ đô) đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ rất lớn từ phía các chuyên gia, văn nghệ sĩ, người hoạt động trong lĩnh vực sáng tạo, các nghệ nhân và đông đảo quần chúng Nhân dân.
Đây không chỉ là cơ hội vàng cho công nghiệp văn hóa của Thủ đô cất cánh, vươn mình cùng dân tộc mà còn là động lực để phát triển công nghiệp văn hóa nói riêng, văn hóa của Hà Nội nói chung.
Hai dự thảo này chính là để cụ thể hóa mục tiêu đưa công nghiệp văn hóa Hà Nội trở thành kinh tế mũi nhọn, phát huy hết giá trị, tiềm năng của văn hóa Hà Nội.