Phương pháp tiếp cận hiệu quả
Trên cơ sở nghiên cứu học tập kinh nghiệm phong trào Mỗi làng một sản phẩm (OVOP) của Nhật Bản và chương trình Mỗi cộng đồng một sản phẩm (OTOP) của Thái Lan, tỉnh Quảng Ninh đã nhận thấy đây là những chương trình phát triển kinh tế trọng tâm có thể ứng dụng và gỡ được những nút thắt trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Với chủ thể chính là người dân có sự hợp tác bằng các mô hình tổ chức kinh tế cộng đồng như doanh nghiệp vừa và nhỏ, mô hình hợp tác xã, nhà nước trở thành “bà đỡ” thông qua hỗ trợ chính sách khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại.
Từ đó, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng triển khai Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm (OCOP Quảng Ninh) với mục tiêu chính là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ có lợi thế ở các địa bàn xã, phường, thị trấn, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế Quảng Ninh theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Đồng thời, thông qua việc phát triển sản xuất tại các địa bàn nông thôn cũng góp phần hạn chế việc di cư ra thành phố, bảo vệ môi trường và gìn giữ ổn định xã hội nông thôn.
Trên cơ sở nguyên lý hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ sản xuất ngoài cánh đồng - thu hoạch - chế biến - tiêu thụ, qua đó tăng giá trị nguyên liệu bản địa. Do vậy Chương trình OCOP của Quảng Ninh được thiết kế để các cá thể, hộ sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có sự chủ động về ý tưởng sản phẩm, xác định thị trường, chủ động sản xuất, tiêu thụ. Nhà nước đóng vai trò tạo sân chơi, hỗ trợ chính sách, thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP với các kênh phân phối luôn được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm |
Ngay từ ban đầu, tỉnh Quảng Ninh đã sớm thành lập Ban chỉ đạo OCOP cấp tỉnh, giao Ban xây dựng nông thôn mới làm cơ quan thường trực, UBND cấp huyện thành lập Ban chỉ đạo điều hành Đề án OCOP gắn với Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới, các huyện đều có từ 1 - 2 cán bộ chuyên trách hoặc phân công kiêm nhiệm về Chương trình OCOP.
Đặc biệt, tỉnh Quảng Ninh còn chú trọng đến việc tuyên truyền, nâng cạo nhận thức về phương pháp, cách thức triển khai Chương trình OCOP đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các tổ chức kinh tế doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP. Ngoài ra, tỉnh xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ sản xuất hiệu quả như: Ứng dụng khoa học công nghệ, hỗ trợ lãi suất, quy hoạch vùng sản xuất… Đồng thời, xây dựng bộ tiêu chí đánh giá và xếp hạng sản phẩm theo cấp độ từ 3 - 5 sao, thi thết kế logo kiểu dáng, bao bì sản phẩm…
Nhiều kinh nghiệm được rút ra
Sau 7 năm triển khai, Chương trình OCOP tại Quảng Ninh đã dần chứng minh tính hiệu quả, nhưng cũng có không ít những khó khăn thách thức đặt ra cho tỉnh. Cũng từ đó, nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra. Đó là việc triển khai thực hiện không thể vội vàng và phải được thực hiện liên tục theo chu trình để thúc đẩy sự sáng tạo. Đây là chương trình không chỉ dành riêng cho vùng nông thôn mà còn cho cả khu vực đô thị, thông qua việc thực hiện thúc đẩy phát triển kinh tế, phát huy nguồn lực tại địa phương.
Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện cần có sự đánh giá và điều chỉnh từng bước để phù hợp với thực tiễn kinh tế thị trường trong nước và địa phương. Không những thế, phải tạo được sự thống nhất về nhận thức của cả hệ thống chính trị về Chương trình OCOP - đây là chương trình mang tính cộng đồng, hướng đến lợi ích thiết thực của người sản xuất và người tiêu dùng.
Các sản phẩm thủy, hải sản được đẩy mạnh tiêu thụ thông qua các kỳ hội chợ OCOP |
Đặc biệt, thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm, cùng với thiết kế sản phẩm, mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm là rất quan trọng, sẽ tác động rất nhanh đến người tiêu dùng, đây là yếu tố chính để xây dựng được thương hiệu sản phẩm trên thị trường.
Theo ông Lê Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Công Thương Quảng Ninh: Thời gian tới, Sở Công Thương Quảng Ninh sẽ tổ chức nhiều hội nghị kết nối cung - cầu để các đơn vị sản xuất và đơn vị phân phối có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để có thể kết nối, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm rộng rãi vào các thị trường tiềm năng.
Qua các kỳ hội chợ thường niên OCOP tại Quảng Ninh cho thấy, chương trình ngày càng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người dân, kỳ sau cao hơn kỳ trước, bình quân thu hút từ 100-120 nghìn lượt người tới tham quan, mua sắm, doanh thu bán hàng trực tiếp của các gian hàng đạt trung bình 7-8 tỷ đồng/kỳ hội chợ. |
Tiến Dũng