Theo dữ liệu từ Công ty CP Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Ratings), trong tháng 7/2024 có 5 trái phiếu công bố chậm trả lần đầu phát hành bởi CTCP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam (Sunrise), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain và Công ty TNHH Mặt trời Sông Hàn với tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp lưu hành là 1,24 nghìn tỷ đồng, giá trị thấp hơn so với tháng trước. Trong đó, Sunrise và Mặt trời Sông Hàn là hai doanh nghiệp lần đầu vi phạm chậm trả trái phiếu.
Nguy cơ vỡ nợ trái phiếu
Công ty TNHH Đầu tư Big Gain chậm trả gốc trái phiếu đến hạn là 438 tỷ đồng do chỉ trả được 562 tỷ đồng trên tổng 1.000 tỷ đồng trái phiếu đến hạn vào 30/7/2024.
CTCP Đầu tư và Xây dựng Sunrise Việt Nam chậm trả lần đầu cả dư nợ gốc và lãi đến hạn vào 15/7/2024. Sau đó, vào ngày 1/8/2024, công ty được trái chủ chấp thuận gia hạn thời gian đáo hạn thêm 2 năm nữa sang ngày 15/7/2026.
Lượng trái phiếu chậm trả gốc/lãi kế từ tháng 4/2022 theo các nhóm ngành. Nguồn: Vietnam Investors Service |
Công ty TNHH Mặt trời Sông Hàn chậm trả dư nợ gốc 300 tỷ đồng vào ngày 4/7/2024, sau đó đã trả lại hết vào ngày 1/8/2024 và hiện không còn dư nợ trái phiếu.
Tỷ lệ trái phiếu chậm trả toàn thị trường cuối tháng 7/2024 ở mức 15,1%, giảm so với mức 15,6% ở cuối tháng 6/2024.
Trong tháng 7/2024, có 5 tổ chức phát hành đã thanh toán một phần dư nợ gốc trái phiếu chậm trả với tổng giá trị 1,5 nghìn tỷ đồng thuộc các lĩnh vực dịch vụ, bất động sản dân cư và xây dựng. Dư nợ trái phiếu còn lại của các tổ chức phát hành này ở ngưỡng 2,3 nghìn tỷ đồng.
Phần lớn giá trị hoàn trả trái phiếu chậm trả gốc, lãi trong tháng 7/2024 là của hai tổ chức phát hành thuộc nhóm bất động sản dân cư là CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn và Công ty TNHH No Va Thảo Điền.
Sau khi hoàn trả 1 nghìn tỷ đồng dư nợ chậm trả trong tháng 7/2024, CTCP Dịch vụ Giải trí Hưng Thịnh Quy Nhơn vẫn còn dư nợ chậm trả khoảng 5 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các trái phiếu đó đều đã được gia hạn từ 1 - 2 năm nữa.
Từ năm 2023 đến tháng 7/2024, Công ty TNHH No Va Thảo Điền đã trả được 15% dư nợ trái phiếu chậm trả thông qua hình thức hoán đổi tài sản.
Tỷ lệ thu hồi nợ tăng thêm 0,4% lên mức 18,5% ở cuối tháng 7/2024.
Trong tháng 7/2024, một nhà cung cấp mở thủ tục phá sản đối với CTCP Đầu tư LDG. Hành động này có thể ảnh hưởng tới lợi ích của các trái chủ hiện tại của LDG. Tổ chức phát hành này hiện vẫn đang chậm trả một lô trái phiếu trị giá 186 tỷ đồng và chưa trả lãi coupon cho trái chủ kể từ tháng 2/2023.
Trong tháng 8/2024, VIS Ratings ước tính khoảng 7,3 nghìn tỷ đồng trong số 18,6 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao không trả được nợ gốc đúng hạn, chủ yếu từ các ngành bất động sản dân cư và năng lượng. Con số 7,3 nghìn tỷ đồng tăng so với tháng trước là do lượng đáo hạn trong tháng 8/2024 cao gấp 3 lần so với tháng 7/2024.
Trong số trái phiếu đáo hạn có rủi ro cao của tháng 8/2024, có 4,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu do các công ty thuộc nhóm ngành xây dựng và bất động sản dân cư phát hành, cụ thể là Nova Land, Hưng Thịnh Land và Đại Thịnh Phát là các tổ chức phát hành đã chậm trả nhiều trái phiếu kể từ năm 2023. Số còn lại được phát hành bởi một công ty thuộc nhóm ngành dịch vụ. Tính đến ngày báo cáo, công ty này chưa công bố số liệu tài chính năm 2023 theo yêu cầu trên cổng thông tin của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Nên mạnh tay với các “chúa chổm”?
Trong 12 tháng tới, khoảng 20% trong tổng giá trị 259 nghìn tỷ đồng sẽ đáo hạn có rủi ro cao bị chậm trả. 90% trong số đó đã từng chậm trả lãi coupon ít nhất một lần và đang có tỷ lệ đòn bẩy rất cao, nguồn tiền mặt thấp và biên EBITDA (tỷ suất lợi nhuận hoạt động tiền mặt của một doanh nghiệp, không tính đến chi phí, thuế và cấu trúc vốn, giúp loại bỏ các tác động của chi phí không dùng tiền mặt) thấp.
Việc vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường và nhà đầu tư đang đối mặt với rủi ro rất cao khi lựa chọn kênh đầu tư này. Một số ngân hàng thậm chí cũng phải trích lập dự phòng vì nợ xấu trái phiếu.
Nhìn ra thế giới, vừa qua tại thị trường Trung Quốc, hai công ty Bluedon Information Security Technologies và LingNan Eco & Culture-Tourism đã tuyên bố vỡ nợ trái phiếu chuyển đổi, gây chấn động cho một thị trường vốn được coi là bến đỗ an toàn.
Kết quả phân tích gần đây của S&P Global Ratings cho rằng, Trung Quốc đang tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến vỡ nợ trái phiếu trong năm 2025. Nếu điều này xảy ra, đây là vụ vỡ nợ trái phiếu thứ 3 trong vòng một thập kỷ tại nền kinh tế số 2 thế giới.
TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhìn nhận rằng, áp lực thanh toán của doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp bất động sản khó được giải tỏa khi thị trường chưa phục hồi hoàn toàn, vướng mắc pháp lý vẫn tiếp diễn. Một số điều khoản gia hạn trong Nghị định 08 đã hết hiệu lực làm gia tăng rủi ro chậm trả, bên cạnh đó là áp lực từ các đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp có cam kết mua lại trong năm 2024.
Đối với vấn đề xử lý các vụ việc không trả nợ trái phiếu đúng hạn, TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng giải pháp khắc phục cơ bản nhất là phá sản. Doanh nghiệp nào không thể trả được nợ, tình trạng quá tệ nên cho phá sản và nhà đầu tư cần học cách chấp nhận rủi ro, thiệt hại.
“Phải thừa nhận thực tế rằng có những doanh nghiệp hiện nay không có khả năng trả nợ trái phiếu và giải pháp tốt nhất là cho phép các doanh nghiệp này phá sản”, ông Nghĩa nói.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng Thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) khẳng định, nếu cứ gia hạn với những doanh nghiệp không thể phục hồi thì tình hình có thể còn tệ hơn nữa. “Việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực Luật Phá sản là rất quan trọng. Mọi sự phát triển dựa trên quy luật đào thải, nếu không sẽ như "cơ thể ăn không tiêu, sẽ có rất nhiều bệnh", Tổng Thư ký VBMA nhấn mạnh.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng những cách tiếp cận mạnh tay để giải quyết vấn đề, đặc biệt là trong lĩnh vực bất động sản, có thể để lại những hậu quả không lường trước được.
TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận doanh nghiệp Việt Nam bình thường phá sản đã khó thì doanh nghiệp có nợ trái phiếu phá sản càng khó vì “đống” nợ trái phiếu còn đó.
“Hiện tượng vỡ nợ ít khả năng xảy ra vì giai đoạn khó khăn nhất đã qua. Doanh nghiệp bất động sản (chiếm 55% trái phiếu chậm trả) cũng đã bắt đầu phát hành trở lại nhằm giảm áp lực vốn. Chưa kể, thị trường bất động sản ấm lên cũng tạo điều kiện cho doanh nghiệp bán tài sản để trích ra một phần trả nợ”, ông Lực lạc quan.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc FiinRatings, không nên chỉ tập trung vào giải cứu trái phiếu mà điều quan trọng nhất là tháo gỡ pháp lý bất động sản. Khi đó, việc xử lý nợ quá hạn sẽ trở nên rất dễ dàng.
Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai có hiệu lực từ đầu tháng 8 đang góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản, từ đó giảm áp lực cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Anh Đức