Tiêu điểm

Lý do tổ yến 'made in Việt Nam' vào Trung Quốc còn khiêm tốn


Hiện có hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá trị hơn 4 triệu USD, khiêm tốn so với tiềm năng.

Thông tin được đưa ra tại Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội.

Mở cửa thị trường, 5 giá trị quan trọng

Chia sẻ tại sự kiện, đại diện Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, qua 4 năm triển khai Nghị định thư 2022, các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước giới thiệu sản phẩm tổ yến "made in Việt Nam” vào thị trường Trung Quốc và đã đạt được những kết quả bước đầu.

Hội nghị triển khai Nghị định thư về Xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Hội nghị triển khai Nghị định thư về xuất khẩu tổ yến sang Trung Quốc do Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức sáng 8/5, tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Hạnh

Theo đó, đã có 13 doanh nghiệp của Việt Nam được Trung Quốc chấp thuận, được phép xuất khẩu sản phẩm tổ yến vào thị trường này. Đến nay, đã có hơn 4 tấn tổ yến tinh chế và hàng triệu sản phẩm tổ yến được xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá trị hơn 4 triệu USD. Hơn 70 doanh nghiệp tham gia các chương trình giám sát, hoàn thiện nhà máy chế biến để tham gia xuất khẩu. Hơn 4.000 nhà yến tham gia vào chương trình giám sát an toàn dịch bệnh. Hơn 220 mẫu tổ yến được xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn thực phẩm.

Nhằm mở rộng loại sản phẩm tổ yến xuất khẩu, ngay sau khi ký Nghị định thư 2022, Bộ Nông nghiệp và Môi trường (trước đó là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tiếp tục đàm phán để xuất khẩu tổ yến thô sang Trung Quốc.

Kết quả, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến vào ngày 15/4/2025. Nghị định thư tổ yến bao gồm cả tổ yến sạch và tổ yến thô, sẽ thay thế cho Nghị định thư ký năm 2022. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc đối với ngành tổ yến Việt Nam mang lại nhiều giá trị quan trọng:

Thứ nhất, tăng trưởng xuất khẩu. Theo đó, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ tổ yến lớn nhất thế giới với nhu cầu cao và ổn định. Việc mở cửa thị trường này giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng khổng lồ, từ đó đẩy mạnh xuất khẩu và gia tăng doanh thu.

Thứ hai, nâng cao giá trị thương hiệu. Theo đó, khi tổ yến Việt Nam có mặt hợp pháp trên thị trường Trung Quốc, sản phẩm sẽ được quảng bá rộng rãi hơn, giúp tăng độ nhận diện và khẳng định chất lượng yến sào Việt Nam. Điều này góp phần nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu quốc gia.

Thứ ba, thúc đẩy đầu tư và sản xuất. Theo đó, nhu cầu lớn từ Trung Quốc sẽ kích thích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ chế biến, nâng cao tiêu chuẩn sản xuất, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người nuôi yến trong nước.

Thứ tư, tạo động lực cải tiến chất lượng. Theo đó, việc xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm và quy trình kiểm dịch. Điều này sẽ thúc đẩy ngành tổ yến Việt Nam phát triển theo hướng chuyên nghiệp, bền vững hơn.

Thứ năm, thúc đẩy hợp tác và mở rộng thị trường. Theo đó, khi có mặt tại Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với các đơn vị phân phối, nhà bán lẻ và nền tảng thương mại điện tử lớn. Đây cũng là bước đệm để mở rộng sang các thị trường khác trong khu vực.

Gỡ khó, tăng tốc xuất khẩu

Tại hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, mặc dù, Trung Quốc đã cấp phép nhập khẩu tổ yến chính ngạch của Việt Nam từ 9/11/2022, cho đến nay, các doanh nghiệp mới xuất khẩu được hơn 4 tấn tổ yến tinh chế. Số lượng này chưa tương xứng với tiềm năng sản xuất cũng như nhu cầu của thị trường Trung Quốc.

Xuất khẩu yến thô: Thêm cơ hội từ thị trường Trung Quốc
Xuất khẩu yến thô. Ảnh minh họa

Nguyên nhân do, tổ yến Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc sau tổ yến của Malaysia và Indonesia hơn 10 năm, vì vậy, người tiêu dùng Trung Quốc chưa biết nhiều đến thương hiệu tổ yến của Việt Nam.

Thị trường Trung Quốc được mở cửa ngay sau đại dịch Covid-19 với những ảnh hưởng to lớn tới nền kinh tế Trung Quốc, khiến cho sức mua của người dân Trung Quốc giảm mạnh, đặc biệt là với những sản phẩm cao cấp như yến sào.

Công nghệ, kỹ thuật sản xuất tổ yến của Việt Nam chưa cao dẫn đến giá thành sản phẩm tổ yến của Việt Nam cao hơn, mẫu mã kém hơn. Do vậy, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước trong khu vực.

Trong thời gian qua, có những doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực này đã áp dụng công nghệ cao vào các khâu ấp trứng, nuôi nhân tạo, di đàn, xây nhà yến, dẫn dụ, khai thác tổ yến với quy mô lớn, chế biến sâu; xây dựng Trung tâm kiểm định chất lượng tổ yến, sử dụng phần mềm để quản lý nhà yến, sản xuất sản phẩm theo chuỗi truy xuất được nguồn gốc phục vụ cho xuất khẩu.

Người nuôi yến đã được trang bị kiến thức thực tế cũng như được tập huấn kỹ thuật dẫn dụ và khai thác yến sào. Hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm yến sào được nhà nước và các tổ chức trong và ngoài nước quan tâm.

Mặc dù là một nghề có hiệu quả kinh tế cao nhưng thời gian qua việc nuôi chim yến chỉ phát triển mang tính tự phát là chủ yếu, chưa xây dựng kế hoạch sản xuất theo ngành hàng, chưa xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, chưa có giá trị cao đúng với giá trị thực.

Mặt khác, các nhà yến chưa được công nhận tài sản gắn liền với đất, chưa có các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong xây dựng và vận hành nhà yến cũng đang là khó khăn mà nghề nuôi yến đối mặt. Việc quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm tổ yến còn nhiều bất cập.

Thiếu tính liên kết của một ngành hàng, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, một số tổ chức, cá nhân tư vấn, hướng dẫn xây dựng nhà yến không phù hợp làm thiệt hại kinh tế cho người dân, ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng và sản lượng tổ yến…

Để nắm bắt cơ hội từ thị trường Trung Quốc, ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) - cho rằng, cần phát triển thị trường gắn với đổi mới khoa học công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm từ tổ yến; nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nhằm nâng cao sức cạnh tranh đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, phát triển sản xuất theo chuỗi sản phẩm, gắn kết các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm giữ vai trò định hướng đặt hàng, tiêu chuẩn nguyên liệu, hỗ trợ sản xuất, nhằm phát huy thế mạnh liên kết làm tiền đề thúc đẩy tốc độ phát triển nhanh và hiệu quả ngành nghề nuôi chim yến.

Tăng cường chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm từ yến. Tổ chức giới thiệu, quảng bá thương hiệu yến sào qua các hội chợ triển lãm thương mại trong nước và quốc tế, hội thảo khoa học phát triển nghề nuôi chim yến. Xây dựng thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia yến sào Việt Nam.

“Việc ký kết Nghị định thư mới là một bước tiến quan trọng, giúp ngành yến Việt Nam khai thác tối đa tiềm năng từ thị trường rộng lớn này. Điều quan trọng là các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội, nâng cao chất lượng sản phẩm và chiến lược quảng bá để tạo dấu ấn mạnh mẽ tại thị trường Trung Quốc”, ông Dương Tất Thắng nói.

Gây nuôi chim yến và khai thác sản phẩm từ yến là một nghề cho sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và kinh tế rất cao, 1.500 - 2.000 USD/kg tổ yến. Sản phẩm tổ yến chủ yếu được các công ty xuất khẩu, thu về khoản ngoại tệ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm. Đây thực sự là một nghề quan trọng và có hiệu quả kinh tế cao trong ngành chăn nuôi.
 
Tác giả: Nguyễn Hạnh