Tiêu điểm

Mức hỗ trợ thủy lợi phí chưa theo kịp giá cả thị trường


Trong nông nghiệp hệ thống thủy lợi có vai trò vô cùng quan trọng, quyết định năng suất, chất lượng cây trồng vật nuôi của nông dân, HTX. Tuy nhiên mức hỗ trợ thủy lợi phí đã nhiều năm nay chưa được điều chỉnh cho phù hợp với giá cả thị trường khiến các HTX thực hiện quản lý, khai thác các công trình thủy lợi gặp không ít khó khăn.

Với mô hình kinh tế tập thể quy mô toàn xã, HTX nông nghiệp Nhân Mỹ (Hà Nam) có diện tích cần cấp, thoát nước lên đến gần 470 ha. Tuy nhiên, năm 2023, HTX được hỗ trợ thủy lợi phí là khoảng 550 triệu đồng. Việc này theo tính toán của HTX là vẫn chưa tạo thuận lợi trong việc vận hành, quản lý, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống thủy lợi.

HTX phải “giật gấu vá vai”

Tương tự, HTX dịch vụ nông nghiệp Phú Hậu (Nghệ An) đang có diện tích sản xuất khoảng 100ha. Dù đã được cấp bù thủy lợi phí nhưng theo ban giám đốc HTX, ngay như năm 2023, HTX phải cân đối thêm 60 triệu đồng từ dịch vụ khác mới có thể đảm bảo vận hành hệ thống thủy lợi, phục vụ sản xuất cho thành viên.

Theo các HTX này, việc Nhà nước thực hiện hỗ trợ 100% tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi căn cứ theo mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi do Nhà nước quy định cho đất nông nghiệp để sản xuất lương thực, trồng rau, màu, mạ, cây công nghiệp dài ngày, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả, hoa, cây dược liệu, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi là một hướng đi hết sức tích cực khi đề cao yếu tố “ nhất nước” trong sản xuất nông nghiệp.

-9952-1721123938.jpg

Hệ thống thủy lợi có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Vậy nhưng tính đến thời điểm hiện nay, mức hỗ trợ này không còn phù hợp với thực tiễn sản xuất kinh doanh, phát triển dịch vụ thủy lợi của các HTX. Bởi để vận hành được hệ thống thủy lợi, HTX phải làm rất nhiều việc như hiện đại hóa hệ thống máy móc, bảo dưỡng, thuê đội ngũ kỹ thuật... Đi liền với đó là chi phí nâng cấp, sửa chữa các công trình thủy lợi bởi thiên tai thất thường khiến hệ thống thủy lợi nhanh bị xuống cấp.

Những việc này đòi hỏi HTX phải có số tiền không nhỏ. Nhưng do nội lực của HTX làm dịch vụ đi liền với mức phí cấp bù thủy lợi suốt hơn 10 năm qua không hề thay đổi, làm ảnh hưởng đáng kể đến việc nâng cao dịch vụ vận hành hệ thống thủy lợi của các HTX.

Bà Trần Thị Hòa, Giám đốc HTX nông nghiệp Nhân Mỹ, cho biết giá dịch vụ thủy lợi hiện chưa thể hiện rõ các thành phần chi phí mà chỉ được xác định theo ngân sách được cấp.

Đặc biệt, mức hỗ trợ thủy lợi phí vẫn giữ nguyên kể từ năm 2012 trong khi chỉ số giá hiện nay (lương, bảo hiểm, vật tư đầu vào, nhân công, điện, xăng dầu…) đã tăng ít nhất từ 2 - 3 lần, khiến HTX phải “giật gấu vá vai”.

“Chính vì lý do đó mà nhiều HTX có hệ thống máy bơm cũ, công trình thủy lợi xuống cấp mà chưa được sửa chữa nâng cấp”, bà Hòa cho biết.

Tránh chồng chéo

Hỗ trợ thủy lợi phí được coi là vấn đề hết sức quan trọng đối với HTX trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, việc điều chỉnh giá hỗ trợ thủy lợi phí cho phù hợp với giá cả thị trường hiện nay được xem là một giải pháp cấp thiết nhằm tháo gỡ khó khăn và nâng cao năng lực cho các HTX.

Theo Nghị định 62/2018/NĐ-CP quy định về hỗ trợ kinh phí sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi, mức hỗ trợ ở mỗi vùng và mỗi đối tượng cây con, lĩnh vực sản xuất sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, đối với với đất trồng lúa tại khu vực miền núi cao nhất là 1,811 triệu đồng/ha/vụ, còn mức hỗ trợ thủy lợi cao nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long là trên 1 triệu đồng/ha/vụ.

Mức hỗ trợ áp dụng đối với sản xuất muối được tính bằng 2% giá trị muối thành phẩm. Mức hỗ trợ đối với diện tích trồng mạ, rau, màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ Đông được tính bằng 40% mức hỗ trợ đối với đất trồng lúa.

Nhưng theo đại diện các HTX, sau khi tính toán, mức giá cấp bù thủy lợi phí như vậy là còn thấp so với nhu cầu thực tiễn. Thay vào đó, mức phí thủy lợi hỗ trợ phải được nâng lên ít nhất 2 triệu đồng/ha/vụ (tính diện tích tưới chủ động), và tương ứng tỉ lệ với diện tích tạo nguồn, phần nào đáp ứng được trong điều kiện giá xăng dầu, điện, lương, vật tư... đều tăng cao so với cách đây ít nhất là 5 năm. Khi mức giá hỗ trợ phù hợp mới đảm bảo khâu tổ chức, quản lý vận hành của các HTX.

Trong khi trong thực tiễn, giá cả các loại vật tư luôn luôn có xu hướng tăng, rất ít khi giảm nên cần phải tính toán mức hỗ trợ sao cho đảm bảo lâu dài, đảm bảo tính hiệu quả từ chính sách của Nhà nước.

Theo PGS.TS Lê Văn Chính, Trường Đại học Thủy Lợi, mức hỗ trợ phù hợp thực tiễn sẽ thu hút, khuyến khích các HTX, doanh nghiệp nâng cao hiệu quả trong khai thác, vận hành, quản lý công trình thủy lợi, từ đó giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Để làm tốt điều này, các cơ quan quản lý địa phương cần nắm bắt những khó khăn của các HTX làm thủy lợi để cùng kiến nghị Nhà nước xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị định 96/2018/NĐ-CP sao cho để phù hợp với thực tế, rõ ràng về pháp lý, nhằm tạo thuận lợi cho các HTX trong việc xây dựng và thực hiện phương án giá dịch vụ thủy lợi một cách đúng và đủ. Khi đó sẽ không chỉ nâng cao hiệu quả của các dịch vụ thủy lợi mà còn duy trì tính bền vững của các công trình thủy lợi, gia tăng tính cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.

Việc sửa đổi Nghị định 96 được nhiều chuyên gia và các HTX được cho là cấp thiết vì hiện Luật Giá 2023 đã có hiệu lực thi thành từ 1/7/2024. Theo đó, quyền định giá sản phẩm dịch vụ thủy lợi trong Luật Giá 2023 đã được sửa đổi theo Luật Thủy lợi nên giá dịch vụ thủy lợi tại Nghị định 96 cũng cần được sửa đổi để bảo đảm tính logic, không chồng chéo giữa các văn bản pháp luật.

Bên cạnh đó, các HTX cũng cần lên kế hoạch rõ ràng, nâng cao khả năng quản lý trong việc chi, sử dụng khoản tiền hỗ trợ thủy lợi để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn hỗ trợ từ Nhà nước.

Huyền Trang

Tác giả: HTX phải “giật gấu vá vai”
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật