Chỉ còn khoảng ba tuần để các em học sinh lớp 9 ôn thi vào 10. Trong số các môn thi bắt buộc, môn Ngữ văn được xem là môn thi thách thức nhất đối với học sinh trong quá trình ôn thi. Vì vậy, việc nắm bắt cấu trúc đề thi môn Văn cũng như đạt được mục tiêu điểm số mong muốn là yếu tố vô cùng quan trọng với thí sinh.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân (giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), đối với việc ôn Ngữ văn 9 thi vào lớp 10, những năm gần đây, đề thi sẽ tập trung vào các văn bản đã học trong chương trình lớp 9 và cả những văn bản ngoài chương trình sách giáo khoa.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Cẩm Vân (giáo viên Ngữ văn, trường THCS Nguyễn Du, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) |
Chính vì vậy, trong quá trình ôn thi Văn vào lớp 10, học sinh cần liệt kê, phân loại và tóm gọn tác phẩm theo một hệ thống để dễ nhớ và tránh sót bài.
Thứ nhất, khi nhận đề, các em nên đọc và phân tích kỹ yêu cầu của đề. Đề bài sẽ cung cấp ngữ liệu để trả lời các câu hỏi. Bí quyết dành điểm cao là đọc và gạch chân các từ khóa trong câu hỏi trước khi làm bài. Bằng cách này, các em có thể xác định được đâu là nội dung cần tập trung khi làm bài, tránh lan man vào những nội dung không cần thiết.
Thứ hai, khi làm bài, các em cần trả lời trọng tâm những câu hỏi trong đề, tránh dài dòng, trả lời thừa hoặc thiếu ý. Học sinh cũng cần nắm được kĩ năng làm bài nghị luận xã hội, nghị luận văn học để khi đi thi không bị lỗi làm bài sai phương pháp, lạc đề.
Các em luôn có ý thức trình bày bài làm thật sạch sẽ, rõ ràng, khoa học, hạn chế gạch xóa, không viết số (trừ số hiệu, ngày tháng năm), không viết tắt, không dùng ngôn ngữ nói vào bài thi của mình.
Trong quá trình làm bài, học sinh hãy chọn cho mình một loại bút tốt, màu mực cơ bản và sử dụng trong toàn bộ bài thi.
Cô Vân và các em học sinh trường THCS Nguyễn Du |
Điều quan trọng nhất, học sinh cần rèn luyện kĩ năng làm các dạng bài trong đề thi. Cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ văn thường có 3 phần: Đọc hiểu, nghị luận xã hội và nghị luận văn học.
Với dạng câu hỏi đọc hiểu, học sinh cần ghi nhớ những thông tin xoay quanh văn bản: Tác giả, hoàn cảnh sáng tác, phương thức biểu đạt, thể loại, ý nghĩa nhan đề, liên hệ tác phẩm (cùng chủ đề/cùng thời kì sáng tác/cùng thể loại…), tình huống truyện, ngôi kể, mạch cảm xúc, biện pháp tu từ… Không được bỏ qua những kiến thức cơ bản trong phần tiếng Việt, vì nó sẽ giúp các em làm tốt phần đọc hiểu.
Cô Vân lưu ý học sinh: Với đoạn văn nghị luận xã hội, các em cần nắm cách làm, phương pháp chung để triển khai. Khi viết đoạn văn nghị luận xã hội (khoảng 2/3 trang giây thi), các em hãy lưu ý đoạn văn phải trả lời được 4 câu hỏi: Vấn đề là gì? Vấn đề đó được biểu hiện như thế nào? Vấn đề đó có tác động như thế nào với đời sống? Cần làm gì để phát huy vấn đề tích cực và giảm thiểu vấn đề tiêu cực?
Các em cần đưa ra lý lẽ cần rõ ràng, rành mạch, hợp lý, thuyết phục, lập luận chặt chẽ, biết kết hợp đưa dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc cụ thể, chi tiết để chứng minh cho lý lẽ đưa ra.
Học sinh trường THCS Nguyễn Du đã chuẩn bị sẵn sàng cho kỳ thi vào lớp 10 |
Với đoạn văn nghị luận văn học, các em nên viết dàn ý ra nháp trước khi làm bài. Các em cần chú ý các yêu cầu của đề bài: số câu, kiểu đoạn văn, yêu cầu nội dung, kiến thức Tiếng Việt cần sử dụng.
Đối với văn bản thơ, các em cần nhớ tuyệt đối không được diễn xuôi thơ mà cần khai thác từ những tín hiệu nghệ thuật (từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…), từ đó phân tích nội dung khổ thơ.
Với văn bản truyện, các em cũng cần để ý những yếu tố như tình huống truyện, ngôi kể, nghệ thuật xây dựng nhân vật, chủ đề…; tránh tóm tắt lại các sự việc của văn bản. Khi phân tích, các em nhớ trích dẫn chứng minh họa từ tác phẩm và đừng quên nhận xét về nghệ thuật của văn bản ấy.
"Thí sinh phải dành thời gian kiểm tra kỹ lại bài thi trước khi nộp để không mất đi những điểm 0,25 đáng tiếc. Ngoài ra, các em cần tuân thủ quy chế dự thi để tránh bị nhắc nhở, hoặc mắc những lỗi trừ điểm gây ảnh hưởng tới tâm lý làm bài và mất điểm bài thi", cô Vân nhấn mạnh.