Tiêu điểm

Cần thêm cơ chế để Công đoàn bảo vệ người lao động tốt hơn


Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), cán bộ Công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để Công đoàn “độc lập” hơn với người sử dụng lao động.

Cần để Công đoàn “độc lập” hơn với người sử dụng lao động

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) phát biểu

Đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) phát biểu

Phân tích về trách nhiệm và quyền hạn của Công đoàn cơ sở, đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội) cho rằng, thực tế hoạt động của Công đoàn cơ sở thời gian qua còn rất nhiều lúng túng, chưa hiệu quả. Vị thế, tiếng nói của Công đoàn trong doanh nghiệp còn mờ nhạt; năng lực thương lượng, đối thoại và đại diện, bảo vệ của Công đoàn cơ sở vẫn là khâu yếu.

Đại biểu cho rằng, những hạn chế đó có một phần nguyên nhân do chưa có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng cho Công đoàn cơ sở. Đây không chỉ là định chế pháp luật đơn thuần mà đối với Công đoàn cơ sở còn là những định hướng, dẫn dắt, tạo thuận lợi trong triển khai, áp dụng. Việc quy định chung chung quyền, trách nhiệm cho tất cả các cấp Công đoàn và các loại hình Công đoàn cơ sở như trong dự thảo Luật là chưa thật hợp lý và khoa học.

Về quyền, trách nhiệm của Công đoàn trong dự thảo Luật quy định tương đối đầy đủ nhưng đại biểu cho rằng cần cho Công đoàn một cơ chế để thực thi được các quyền và trách nhiệm đó. Thực tế hiện nay, cán bộ Công đoàn cơ sở đều hưởng lương từ doanh nghiệp, luôn chịu sức ép từ người sử dụng lao động, điều này rất khó tạo ra sự bình đẳng trong hoạt động.Vì vậy, đại biểu cho rằng, cần thiết phải cụ thể hóa cơ chế này bằng pháp luật để Công đoàn “độc lập” hơn với người sử dụng lao động; trước hết là độc lập về tổ chức, chủ động về tài chính và có một chính sách bảo vệ cán bộ Công đoàn hữu hiệu.

Về công khai tài chính Công đoàn, dự thảo Luật quy định: Các cấp Công đoàn thực hiện công khai tài chính hàng năm tại hội nghị Ban Chấp hành Công đoàn và bằng hình thức niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan tổ chức, đơn vị, phát hành ấn phẩm hoặc thông báo bằng văn bản tới cơ quan tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan, đưa lên trang thông tin điện tử thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Góp ý về quy định này, đại biểu Âu Thị Mai (Đoàn Tuyên Quang) nhìn nhận, việc công khai tài chính của các cấp Công đoàn trên các phương tiện thông tin đại chúng là không phù hợp, do đó ban soạn thảo cần cân nhắc vấn đề trên. Để việc công khai tài chính đạt hiệu quả cao, đảm bảo tính công khai minh bạch, đề nghị ban soạn thảo quy định việc công khai tài chính hàng năm thông qua hội nghị toàn thể đoàn viên công đoàn của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Duy trì nguồn thu kinh phí Công đoàn 2% là cần thiết

Về nguồn tài chính Công đoàn tại điều 29 dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) tán thành việc quy định kinh phí công đoàn do cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đóng bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Cần thêm cơ chế để Công đoàn bảo vệ người lao động tốt hơn

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) phát biểu thảo luận

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cũng nêu quan điểm, việc quy định cụ thể tỷ lệ phân phối kinh phí Công đoàn là cần thiết, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch trong việc sử dụng tài chính Công đoàn. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho việc tăng cường bố trí nguồn kinh phí Công đoàn cho các hoạt động của Công đoàn cơ sở là nơi trực tiếp chăm lo cho đời sống của người lao động nên có sự linh hoạt trong việc quy định tỷ lệ phân bổ kinh phí Công đoàn, không quy định cứng tỷ lệ 25% và 75% như khoản 2 Điều 30 dự thảo, chỉ nên quy định đó là tỷ lệ “tối thiểu” và tỷ lệ “tối đa”.

“Cần xem xét quy định kinh phí Công đoàn theo điểm b khoản 1 điều 29 do Công đoàn cấp trên quản lý, sử dụng tối đa 25%, còn lại được phân phối cho Công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp”, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga nêu ý kiến.

Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường (Đoàn Hà Nội), việc thu kinh phí Công đoàn bằng 2% là điều kiện tiên quyết để Công đoàn chủ động, độc lập hơn trong tổ chức, hoạt động tại cơ sở và nên giao cho Chính phủ thống nhất quy định cụ thể về thu, quản lý, sử dụng nguồn tài chính Công đoàn.

Việc này sẽ giúp cho công tác quản lý Nhà nước về tài chính Công đoàn “minh bạch, chặt chẽ và hiệu quả hơn, tránh được thất thoát, lãng phí”. Điều này cũng khắc phục được tình trạng chủ doanh nghiệp can thiệp quá sâu vào hoạt động thu, chi tài chính của Công đoàn.

“Quy định như vậy sẽ thống nhất quản lý Nhà nước về thu, quản lý, sử dụng tài chính Công đoàn. Tổng Liên đoàn sẽ hướng dẫn triển khai, thực hiện, thay vì phải thực hiện cả quy định của Chính phủ và cả quy định của Tổng Liên đoàn như trong dự thảo”, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho hay.

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn Thái Bình) cho rằng, thu phí Công đoàn là vấn đề không dễ quyết định dễ dàng, nếu như không có sự xem xét cẩn trọng, thấu đáo và nghiên cứu thực tế đầy đủ.

Nếu như theo dự thảo, mọi người lao động có hợp đồng lao động, chủ doanh nghiệp có trách nhiệm phải trích 2% quỹ tiền lương để nộp cho cho Công đoàn Việt Nam. Thực tế hiện nay, phần lớn các chủ doanh nghiệp, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài ở Việt Nam mong muốn sẽ hoạt động phù hợp với luật pháp và thông lệ của đất nước, phần lớn doanh nghiệp cũng chấp hành việc trích 2% này. Thế nhưng vẫn có một số doanh nghiệp, số công nhân tham gia tổ chức Công đoàn không phải là 100%. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thành lập được tổ chức Công đoàn. Vì vậy, đại biểu kiến nghị cần cân nhắc và xem xét đảm bảo phù hợp với thực tế và có tính khả thi.

 

 

Link bài gốc Copy link
 
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật