Tiêu điểm

Cần Thơ: Đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển, logistics


Cần Thơ đang đẩy mạnh phát triển hệ thống cảng biển và logistics, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Hướng tới mục tiêu trung tâm logistics của vùng

Ngày 3/2, đoàn công tác do ông Đỗ Thanh Bình - Bí thư Thành ủy Cần Thơ, dẫn đầu đã đến thăm và làm việc tại cảng Tân cảng Cái Cui, thuộc Chi nhánh Tân cảng Đồng bằng sông Cửu Long, Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh đầu năm mới Ất Tỵ 2025, nhằm động viên tinh thần cán bộ, nhân viên và người lao động, đồng thời trao đổi về định hướng phát triển hệ thống cảng biển, logistics của thành phố trong thời gian tới.

Khu đất quy hoạch khu dịch vụ tổng hợp, logistics khu bến Cái Cui diện tích gần 15ha,

Khu đất quy hoạch khu dịch vụ tổng hợp, logistics khu bến Cái Cui diện tích gần 15ha. Ảnh minh họa

Tại buổi làm việc, Thượng tá Cao Ngọc Minh, Giám đốc Chi nhánh Tân cảng Đồng bằng sông Cửu Long, cho biết, với vai trò là cảng container lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long, cảng Tân cảng Cái Cui đã phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu của nhiều doanh nghiệp trong khu vực. Tuy nhiên, để tối ưu hóa năng lực khai thác cảng, ông kiến nghị lãnh đạo thành phố quan tâm hỗ trợ về cơ chế chính sách, đặc biệt là trong việc đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông kết nối, phát triển logistics và nâng cao hiệu quả khai thác các tuyến vận tải thủy nội địa.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ ghi nhận những kiến nghị từ phía cảng và nhấn mạnh vai trò quan trọng của hệ thống cảng biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Ông cho rằng, để đưa Cần Thơ trở thành trung tâm logistics của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa thành phố và các doanh nghiệp khai thác cảng trong việc nâng cao năng lực thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũng đề nghị Tổng công ty Tân cảng Sài Gòn tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để kết nối hiệu quả hơn với các cảng lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, cũng như tận dụng lợi thế của hệ thống vận tải đường thủy và đường bộ.

Quy hoạch 3 cụm bến cảng, logistics trọng điểm

Nhằm phát triển hạ tầng logistics và nâng cao năng lực vận tải, TP. Cần Thơ đã quy hoạch ba cụm bến cảng và logistics trọng điểm gồm Cảng Cái Cui, Cảng Ô Môn và Cảng Thốt Nốt.

Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất cảng Cái Cui. Ảnh: Cantho.gov.vn
Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất cảng Cái Cui. Ảnh: Cantho.gov.vn

Cụ thể, Viện Quy hoạch Xây dựng - Sở Xây dựng Cần Thơ đã tiến hành lập Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cho Khu dịch vụ tổng hợp và logistics khu bến Cái Cui, nhằm phát triển cơ sở hạ tầng logistics và mở rộng các dịch vụ logistics tại TP. Cần Thơ. Dự án này được triển khai tại phường Tân Phú, quận Cái Răng, với tổng diện tích 14,97ha.

Theo đó, Khu dịch vụ tổng hợp và logistics khu bến Cái Cui có vị trí đắc địa, với các tứ cận tiếp giáp: Đông Bắc giáp cảng Cái Cui; Tây Bắc giáp Khu công nghiệp Hưng Phú I (Cụm A); Tây Nam giáp Khu công nghiệp Hưng Phú I (Cụm A); và Đông Nam giáp sông Cái Cui, tỉnh Hậu Giang. Mục tiêu chính của dự án là phát triển một hệ thống hạ tầng logistics đồng bộ, hiện đại, bao gồm hạ tầng kho bãi, kho lạnh và ứng dụng công nghệ mới trong logistics, nhằm tận dụng lợi thế của khu bến cảng trong vận tải đường biển.

Khu vực này sẽ trở thành trung tâm logistics quan trọng của thành phố Cần Thơ và vùng Đồng bằng sông Cửu Long, hình thành Trung tâm Logistics hạng II. Dự án còn nhằm nâng cấp, mở rộng các dịch vụ logistics tích hợp, bao gồm dịch vụ trọn gói và thu hút đầu tư vào chuỗi kho lạnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực.

Bên cạnh cảng Cái Cui, thành phố Cần Thơ cũng đang tập trung đầu tư phát triển các cảng Ô Môn và Thốt Nốt nhằm hình thành hệ thống logistics đồng bộ, hỗ trợ hiệu quả cho hoạt động trung chuyển hàng hóa của vùng.

Khu dịch vụ tổng hợp, logistics bến cảng Ô Môn được quy hoạch tại phường Phước Thới, quận Ô Môn, với diện tích 77,99 ha. Với lợi thế tiếp giáp sông Hậu, sông Ô Môn và các khu công nghiệp lớn, cảng Ô Môn đóng vai trò trung chuyển hàng hóa giữa các khu sản xuất và các cảng lớn. Theo quy hoạch, khu vực này sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống kho bãi, khu dịch vụ hậu cần, bãi đỗ xe, và trung tâm điều phối logistics. Đồng thời, các tuyến giao thông đối ngoại như Quốc lộ 91, Đường Đặng Thanh Sử sẽ được nâng cấp để tăng khả năng kết nối giữa cảng với các khu vực lân cận.

Ngoài ra, cảng Ô Môn sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ xuất khẩu hàng nông - thủy sản của khu vực, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các thị trường lớn, đồng thời góp phần giảm áp lực lên các cảng tại TP. Hồ Chí Minh.

Tại quận Thốt Nốt, khu dịch vụ tổng hợp, logistics bến cảng Thốt Nốt được quy hoạch với diện tích 13,29 ha, nằm dọc sông Hậu và kết nối trực tiếp với tuyến Quốc lộ 80. Đây là trung tâm logistics phục vụ các ngành công nghiệp trọng điểm của Cần Thơ và khu vực lân cận, đặc biệt là chế biến nông sản, nhiệt điện, xăng dầu, và khí hóa lỏng.

Theo định hướng, khu vực cảng Thốt Nốt sẽ bao gồm hệ thống kho bãi, khu tập kết hàng hóa, khu trung chuyển và khu hậu cần cảng, giúp tối ưu hóa quy trình vận tải và phân phối hàng hóa. Đặc biệt, cảng sẽ được đầu tư hệ thống logistics thông minh, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả vận hành. Ngoài ra, với vị trí chiến lược giáp ranh tỉnh An Giang, cảng Thốt Nốt còn đóng vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tỉnh miền Tây với khu vực TP. Hồ Chí Minh và cảng biển quốc tế.

Việc quy hoạch ba cụm bến cảng, logistics tại Cần Thơ không chỉ giúp thành phố nâng cao năng lực vận tải, mà còn tạo nền tảng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Theo định hướng đến năm 2030, Cần Thơ sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng logistics, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu dịch vụ hậu cần, và trung tâm vận tải.
 
Tác giả: Ngân Nga