Tiêu điểm

Cục Báo chí tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập


Sáng nay (ngày 19/7), tại Hà Nội, Cục Báo chí long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập (16/07/2003 - 16/07/2023) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì

Tham gia buổi lễ có: Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chuyển đổi số Quốc gia Nguyễn Mạnh Hùng cùng nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các ban, bộ, ngành, các cơ quan trung ương và địa phương.

Cục Báo chí tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập

Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tặng Cục Báo chí bức tranh chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Tiền thân của Cục Báo chí ngày nay là Bộ Thông tin và Tuyên truyền, được thành lập ngày 28/8/1945, do đồng chí Trần Huy Liệu làm Bộ trưởng. Ngày 3/5/1946, Nha thông tin Tuyên truyền ra đời, với chức năng “thu thập và truyền bá các tin tức trong nước”, đánh dấu sự ra đời của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin báo chí. Mốc son quan trọng là, ngày 16/7/2003, Bộ trưởng Bộ VH-TT Phạm Quang Nghị ký quyết định số 22/2003/QĐ-VHTT thành lập Cục Báo chí.

Sự ra đời của Cục Báo chí đánh dấu bước trưởng thành về quy mô tổ chức, bộ máy, nhân sự của cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, thể hiện tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thông tin thời kỳ này.

Phát biểu khai mạc, ông Lưu Đình Phúc - Cục trưởng Cục Báo chí nhấn mạnh, quá trình 20 năm qua, cơ cấu tổ chức của Cục có chia tách thành nhiều đơn vị khác nhau, nhưng dần được hoàn thiện; phạm vi, đối tượng quản lý, chức năng và nhiệm vụ của Cục được mở rộng hơn, với nhiều trọng trách mới, quan trọng hơn, thể hiện sự tin tưởng, ghi nhận của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và thế hệ các lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong suốt 20 năm xây dựng và trưởng thành, theo ông Lưu Đình Phúc, Cục Báo chí đã có những đóng góp quan trọng trong công tác xây dựng thể chế, tạo đột phá cho sự phát triển và quản lý báo chí. “20 năm qua, công tác quản lý nhà nước về báo chí đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại”- ông Lưu Đình Phúc nhấn mạnh.

Cục Báo chí tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập

Thừa ủy quyền Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương lao động hạng Nhì cho Cục Báo chí

Ngày 6/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg về việc phê duyệt Chiến lược “Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Sau đó là Kế hoạch hành động triển khai chiến lược chuyển đổi số báo chí của Bộ Thông tin và Truyền thông đã mở ra hướng phát triển mới, tạo cơ hội cho báo chí bứt phá vươn lên, chiếm lĩnh không gian mới; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.

Trong quá trình phát triển, nhất là từ năm 2019 đến nay, công tác quản lý nhà nước về nội dung thông tin đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận xã hội, niềm tin xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Việc tăng cường chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong hoạt động báo chí giúp cho báo chí hoạt động đi vào nền nếp, mang tính chuyên nghiệp. Những sai phạm liên quan việc thực hiện không đúng tôn chỉ, mục đích, thông tin sai sự thật; tình trạng “báo hóa” các tạp chí điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, “núp bóng” hoạt động như cơ quan báo chí được chấn chỉnh mạnh tay, có hiệu quả.

Tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng đã biểu dương và ghi nhận những thành tích, kết quả công tác mà Cục Báo chí đã đạt được. Đồng thời nhấn mạnh, quản lý nhà nước về báo chí vừa qua nặng về quản lý mà nhẹ phần phát triển, phát triển cũng là cách để quản lý tốt hơn. Tuy nhiên, quản lý phải có công cụ giám sát toàn diện.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, khi nhìn thấy online các đối tượng quản lý của mình, phát hiện được sớm các vấn đề, vỗ vai, nhắc nhở anh em, cứu được cán bộ. Khi thực thi phát luật phải thường xuyên, nghiêm minh, rộng khắp. “Công nghệ số, truyền thông xã hội và Covid-19 đã làm bộc lộ rõ hơn các vấn đề sinh tồn của báo chí, nhưng lộ ra thì mới nhìn thấy, nhìn thấy thì mới sửa được, sửa được mới có phát triển mới. Vậy lộ ra là tốt. Không nên sợ lộ ra và càng không nên giấu” - ông Nguyễn Mạnh Hùng chỉ rõ.

Cục Báo chí tổ chức Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Mạnh Hùng

Đồng thời ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, hiện quy hoạch báo chí đã cơ bản xong phần sắp xếp, tiếp theo là báo ra báo, tạp chí ra tạp chí, phải tập trung vào phần phát triển, phần trọng tâm của quy hoạch. Công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên và mạnh mẽ nhất đến lĩnh vực báo chí truyền thông, nhưng lĩnh vực báo chí của chúng ta đang tụt hậu về công nghệ, thậm chí lùi xa. Bộ chúng ta là bộ công nghệ số, thì tụt hậu là rất đáng trách.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh thêm: Chúng ta đã nói đến, đã có những cố gắng ban đầu về chuyển đổi số báo chí, đã ban hành chiến lược về chuyển đổi số báo chí và từ nay đến năm 2025 phải tập trung hiện đại hóa nền tảng công nghệ, công nghệ số trong báo chí. Nhưng để chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí thì đầu tiên chúng ta phải chuyển đổi số cơ quan quản lý báo chí, tức là Cục Báo chí.

Phải đưa cơ bản toàn bộ hoạt động của cục lên môi trường số, kết nối online với các cơ quan báo chí về quản lý không tiếp xúc. Tự mình không chuyển đổi số thì không hiểu thế nào là chuyển đổi số và càng không thể nói người khác về chuyển đổi số. Cục trưởng phải trực tiếp lãnh đạo chuyển đổi số của cục mình lên môi trường số” – ông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu.

Với thành tích xuất sắc trong công tác, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc trong suốt 20 năm qua, Cục Báo chí vinh dự nhận Huân chương lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước.
 
Tác giả: Bảo Thoa
Bài viết liên quan