Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội: Đánh giá kỹ hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu


ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giớ

Ngày 1-6, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội.

Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (đoàn Bắc Ninh), Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, dành phần lớn thời gian thảo luận đi sâu vào vấn đề đảm bảo cân đối cung cầu hàng hoá, bình ổn giá, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Đây cũng là một trong những giải pháp Chính phủ đưa ra để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Quốc hội: Đánh giá kỹ hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Anh phát biểu tại hội trường ngày 1-6. Ảnh: Phạm Thắng

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết tại phiên giải trình về tình hình thị trường xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu do Ủy ban Kinh tế thực hiện trước kỳ họp, có ý kiến đề xuất bỏ Quỹ bình ổn xăng dầu để đảm bảo vận hành theo cơ chế thị trường, không bỏ lỡ tín hiệu của thị trường, công khai, minh bạch, dự đoán được sự biến động giá thế giới.

Theo nữ đại biểu, cử tri đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả và sự cần thiết của quỹ này. Cử tri cũng cho rằng Nhà nước chỉ nên can thiệp khi có những biến động lớn về giá có khả năng ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh bằng các công cụ chính sách để bình ổn thị trường như thuế và dự trữ quốc gia.

Vị đại biểu đoàn Bắc Ninh cũng băn khoăn khi tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi) đang được xem xét tại kỳ họp này đã đề xuất đưa thịt lợn vào danh mục hàng hoá bình ổn giá. Theo bà Anh, nhiều cử tri phản ánh, việc đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá là khó khả thi.

Về lý do, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết so với các thực phẩm khác, thịt lợn không phải là mặt hàng thiết yếu nhất. Xu hướng tiêu dùng của người Việt đã có sự thay đổi, đa dạng hơn, có sự chuyển dịch sang tiêu thụ nhiều hơn sản phẩm thủy sản, trứng, thịt gia cầm và thịt bò.

Trong khi đó, rất khó để tính giá thành chăn nuôi lợn do thực trạng chăn nuôi ở nước ta chủ yếu quy mô nhỏ lẻ với hàng triệu hộ chăn nuôi; năng suất chăn nuôi còn thấp, dịch tả lợn Châu Phi vẫn là thách thức. "Việc áp dụng chính sách, tính toán giá thành, hỗ trợ nguồn vốn dự phòng, hỗ trợ giá khi giá bán dưới giá thành, can thiệp vào giá là rất khó" - đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh băn khoăn.

Bên cạnh đó, để thực hiện chính sách bình ổn giá đối với hàng hóa như thịt lợn thì cần nguồn kinh phí khá lớn, trong khi hiện nay ngân sách đang rất khó khăn. Qua nghiên cứu cho thấy, trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào đưa thịt lợn vào mặt hàng bình ổn giá.

Cùng với việc cân nhắc đánh giá tác động kỹ lưỡng, thận trọng và tính khả thi khi đưa thịt lợn vào danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá trong dự án Luật Giá, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh kiến nghị Cính phủ cần có giải pháp căn cơ, hiệu quả để điều tiết thị trường thực phẩm thiết yếu nói chung, thịt lợn nói riêng.

Đại biểu Quốc hội: Đánh giá kỹ hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu - Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Bé. Ảnh: Phạm Thắng

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) đồng tình với báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, những tháng đầu năm 2023.

Trong đó, Chính phủ đã đề ra 10 nhóm giải pháp trọng tâm để lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra trong năm 2023. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ hơn giải pháp tháo gỡ những khó khăn, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là nhiệm vụ hết sức cấp bách để bảo vệ tính mạng con người trước nhiều dịch bệnh còn diễn biến phức tạp trong xã hội.

Đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành sớm đẩy nhanh tiến độ trình phê duyệt quy hoạch ngành quốc gia, hoàn thiện hệ thống các văn bản hướng dẫn lập quy hoạch để địa phương làm căn cứ điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch có tính chất chuyên ngành kỹ thuật tích hợp vào các tỉnh, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai dự án.

Tác giả: Minh Chiến - Huy Thanh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật