Tiêu điểm

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri huyện Hưng Nguyên trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV


Sáng 13/5, tại trụ sở xã Hưng Phúc, các đại biểu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An tiếp xúc cử tri các xã: Hưng Phúc, Hưng Thịnh và Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên trước Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri gồm các ông: Đỗ Văn Chiến - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An.

Cùng dự có các đại biểu Quốc hội: bà Võ Thị Minh Sinh - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Nghệ An; ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh. 

Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến trao đổi với cử tri và các đại biểu. Ảnh: Thành Duy

Tại hội nghị, cử tri đã đề cập đến nhiều nội dung kiến nghị với Trung ương, tỉnh và một số vấn đề trên địa bàn. Trong đó có nhiều nội dung tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông Dương Xuân Địch, cử tri xã Hưng Phúc nêu thắc mắc liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho đất nông nghiệp sau khi dồn điền đổi thửa.

Còn ông Phạm Hồng Châu, xã Hưng Phúc cũng nêu lên vấn đề một số hộ nông dân không tha thiết với làm nông nghiệp vì làm không có lãi; đồng thời ông cũng cho rằng, việc đền bù cho đất nông nghiệp để thực hiện các dự án hiện nay còn thấp; trong khi đó sau khi thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng thành đất ở lại bán được giá cao; do đó cần có điều chỉnh khung giá đền bù cho phù hợp.

Các đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri các xã: Hưng Phúc, Hưng Thịnh và Hưng Lợi, huyện Hưng Nguyên.

Còn cử tri Đinh Văn Thân, xã Hưng Thịnh nêu kiến nghị về việc lưới điện sau khi bàn giao về ngành điện lực quản lý do chưa được nâng cấp nên điện yếu, không đảm bảo sinh hoạt cho người dân.

Cử tri cũng kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến việc thực hiện chính sách cho người có công, gia đình có công; chế độ, chính sách cho cán bộ ở cơ sở, nhất là cán bộ thôn, xóm còn thấp. Đặc biệt, qua tổng hợp ý kiến của Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hưng Nguyên, nhiều nội dung về thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính được kiến nghị. 

Ông Trần Nhật Minh - đại biểu chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thông báo đến các cử tri dự kiến thời gian, nội dung chương trình Kỳ họp thứ 3. Ảnh: Thành Duy

Theo đó, cử tri đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính theo Nghị quyết số 1211 của Ủy ban thường vụ Quốc hội; có chính sách đầu tư riêng đối với các đơn vị hành chính cấp xã mới thành lập sau sắp xếp, nhằm đảm bảo phục vụ hoạt động hiệu lực hiệu  quả của bộ máy chính quyền cấp xã.

Cử tri cũng đề nghị Trung ương sớm ban hành một cơ chế, chính sách riêng cho đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư sau sắp xếp; chia lộ trình sắp xếp đối với những đơn vị hành chính chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định (nên chia mỗi giai đoạn thực hiện 5-10% số đơn vị chưa đủ tiêu chuẩn của lộ trình giai đoạn tới để có thời gian bố trí cán bộ, công chức dôi dư; đồng thời không thực hiện sắp xếp đối với những đơn vị hành chính đã thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định. 

Cử tri phát biểu ý kiến. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, các ý kiến cũng đề nghị ngành Y tế cần tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc và cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn, đặc biệt là không được lạm dụng chỉ định điều trị hậu Covid-19. Nhiều cử tri cũng lo ngại việc đặt ra môn Lịch sử thành môn tự chọn ở bậc THPT sẽ dẫn đến tình trạng học sinh học lệch và hệ lụy kiến thức Lịch sử sẽ bị lãng quên.

Đặc biệt, cử tri bày tỏ trăn trở trước tình trạng “cò” đất lộng hành, đẩy giá đất tăng đột biến, dẫn đến người dân có nhu cầu thực lại không thể tiếp cận; do đó đề nghị tăng cường giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trên. 

Thay mặt các vị đại biểu Quốc hội, ông Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tiếp thu, trả lời các kiến nghị của cử tri. 

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý trả lời các kiến nghị của cử tri. Ảnh: Thành Duy

Trong đó, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chủ trương dồn điền đổi thửa để có diện tích canh tác rộng hơn để sản xuất hiệu quả hơn là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên sau dồn điền đổi thửa do nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể bố trí đầy đủ cho việc đo đạc đất nông nghiệp để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận, riêng huyện Hưng Nguyên là khoảng 23 tỷ đồng. Qua đây, ông Thái Thanh Quý mong cử tri chia sẻ với các cấp chính quyền, đồng thời cho biết, các cấp đã, đang và sẽ từng bước sắp xếp, bố trí đầy đủ nguồn lực để phục vụ công tác đo đạc nhằm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đảm bảo quyền lợi cho người dân.

Đối với ý kiến cử tri về mức đền bù giải phóng mặt bằng, nhất là đối với đất nông nghiệp đang còn bất cập, đại biểu Thái Thanh Quý đánh giá đây là kiến nghị rất xác đáng. Qua đó, ông cho biết, tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua đã tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại trụ sở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy

Qua đó, Trung ương đã thống nhất cao ban hành nghị quyết mới về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao". Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ sẽ cụ thể hóa thành các chính sách về đất đai, trong đó có vấn đề thu hồi đất nông nghiệp đảm bảo công bằng cho người dân. 

Cử tri dự hội nghị tiếp xúc cử tri tại trụ sở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên. Ảnh: Thành Duy

Về việc có tình trạng bà con nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý cũng cho biết: Tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII vừa qua cũng đã tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể; qua đó trong thời gian tới sẽ có những chính sách nhằm đảm bảo các điều kiện tốt nhất để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, phát triển khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật