Một ngày sau khi đặc vụ liên bang khám xét Mar-a-Lago, cựu Tổng thống Donald Trump nói với các nhà lập pháp bảo thủ rằng "làm tổng thống như ở địa ngục", theo ba người có mặt tại cuộc họp.
Nhưng đối với một số người, ông Trump lại có vẻ đã sẵn sàng để giành lại chiếc ghế.
Theo những người thân cận với cựu tổng thống Mỹ, mọi điều xảy ra kể từ khi FBI thu giữ các thùng tài liệu tuyệt mật từ dinh thự Mar-a-Lago đã đặt ông Trump vào đúng vị trí ông và những người ủng hộ mong muốn.
Guardian cũng nhận định vụ FBI đột kích vào dinh thự Mar-a-Lago có thể thúc đẩy kịch bản có lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Trump.
Vụ đột kích của FBI có thể thúc đẩy một kịch bản có lợi cho sự nghiệp chính trị của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Nguy hay cơ của ông Trump?
"Họ đã trộm mất 3 hộ chiếu của tôi (một hộ chiếu đã hết hạn) cùng với mọi thứ khác trong cuộc đột kích Mar-a-Lago", ông Trump chia sẻ trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social sau vụ việc. "Đây là cuộc tấn công vào đối thủ chính trị với mức độ chưa từng thấy ở đất nước chúng ta".
Những tuyên bố đó ám chỉ cựu tổng thống Mỹ không làm gì sai. Theo Arwa Mahdawi, cây bút của tờ Guardian, ông Trump muốn cho công chúng biết rằng ông là nạn nhân vô tội của một cuộc "săn phù thủy" khi liên tục đưa chi tiết các rắc rối pháp lý lên Truth Social.
Đầu tiên, công chúng phát hiện ra rằng việc khám xét dinh thự của ông Trump ở Florida một phần được thực hiện theo Đạo luật Gián điệp và có thể liên quan đến vũ khí hạt nhân. Bây giờ, cựu tổng thống Mỹ lại nói bóng gió rằng FBI coi ông như bị cáo đang cố trốn khỏi đất nước.
Đầu tuần này, luật sư cũ của ông, Rudy Giuliani, đã chính thức trở thành đối tượng của một cuộc điều tra hình sự khác, với cáo buộc can thiệp vào kết quả bầu cử năm 2020 ở Georgia.
Hôm 18/8, cựu giám đốc tài chính của tập đoàn Trump Organization đã nhận tội về các cáo buộc gian lận thuế. Người này dự kiến làm chứng chống lại doanh nghiệp cùng tên cựu tổng thống trong một vụ kiện ở New York.
Allen Howard Weisselberg, cựu giám đốc tài chính của Trump Organization rời tòa án hình sự sau phiên điều trần ngày 12/8. Ảnh: Reuters.
Thông thường, hàng loạt động thái như vậy sẽ phá tan hy vọng trở thành tổng thống và có thể kết thúc sự nghiệp của bất cứ chính trị gia nào.
Nhưng đối với ông Trump, ít nhất là vào thời điểm hiện tại, những điều này lại tăng cường quyết tâm tranh cử tổng thống, đồng thời mang lại cho ông ánh hào quang nghịch lý, theo những người thân cận với cựu tổng thống.
Lật ngược tình thế
Một số người thậm chí cho rằng những điều đáng lo ngại này lại chính là điều mà ông Trump cần.
Họ cho biết ông Trump nghe có vẻ phấn khích khi nhận được số tiền tài trợ tăng vọt sau vụ FBI khám xét tư dinh.
Washington Post dẫn hai nguồn thạo tin cho biết ủy ban hành động chính trị (PAC) của ông Trump đã thu được trên một triệu USD mỗi ngày, trong ít nhất hai ngày sau ngày 8/8. Trong những tháng gần đây, con số này thường chỉ ở mức trung bình 200.000-300.000 USD/ngày.
Theo NBC News, sự nổi tiếng của ông Trump đang tăng lên trong số các cử tri đảng Cộng hòa sau những lùm xùm trong vụ FBI khám xét nhà của ông.
"Vâng, chúng tôi gặp vấn đề. Ông ấy nhận thức được điều đó", một đồng minh của ông Trump nói. "Nhưng thực tế là ông ấy cần một cuộc chiến để nhận được sự chú ý. Và ông ấy đã có điều đó. Ông Trump cảm giác như đang ở trong đấu trường".
Xe đặc vụ trước lối vào dinh thự của cựu Tổng thống Trump ở Mar-a-Lago hôm 8/8. Ảnh: AP.
Thay vì chôn vùi tham vọng chính trị, họ nói rằng cuộc điều tra liên bang là cách hoàn hảo để ông Trump củng cố vị thế giúp đưa ông trở lại Nhà Trắng vào năm 2024.
Đơn cử, vài giờ sau khi lên án vụ đột kích của FBI, ông Trump tiếp tục tung ra đoạn video giống phong cách vận động tranh cử, đưa ra tín hiệu rằng ông đang lên kế hoạch chạy đua vào Nhà Trắng trong cuộc bầu cử năm 2024.
Vụ việc cũng thu hút được nhiều tiếng nói đến từ cánh hữu. Một số hãng truyền thông bảo thủ tức giận, nói rằng ông Trump dường như không hề có thái độ không tuân thủ luật pháp.
"Hành động đáp trả cho vụ khám xét Mar-a-Lago sẽ rất tàn bạo", một chủ bút trên tờ Wall Street Journal cảnh báo. Cuộc điều tra của FBI sẽ đối diện sức ép chính trị rất lớn vì nếu không phát hiện được vấn đề nghiêm trọng, những cử tri đang bức xúc của đảng Cộng hòa sẽ tiếp tục giúp ông Trump củng cố vị trí và tầm ảnh hưởng trong đảng.
Một chiến lược gia của đảng Cộng hòa thậm chí còn nói với Politico rằng vụ việc đã "trao cho (ông Trump) một chiếc phao cứu sinh".
"Có phải FBI vừa 'bầu lại' Donald Trump?", David Brooks, cây bút của tờ New York Times, viết sau cuộc đột kích ở Mar-a-Lago.
"Vài tuần trước, khoảng một nửa số cử tri đảng Cộng hòa đã sẵn sàng rời bỏ ông Trump, theo một cuộc thăm dò của New York Times và trường Siena College", Brooks lưu ý. "Tuần này, toàn bộ đảng dường như tập hợp lại sau lưng ông ấy".
Con dao hai lưỡi
Tuy nhiên, ngay cả một số đồng minh nhiệt thành nhất của cựu Tổng thống Trump cũng đặt câu hỏi liệu ông có thể "chống chọi" với những mối đe dọa này bao lâu nữa.
Trong khi ông Trump khẳng định các cuộc điều tra là "trò lừa bịp", cuộc thăm dò cho thấy cử tri không nghĩ như vậy và một số người ủng hộ ông không mấy lạc quan.
Người biểu tình ủng hộ ông Trump sau vụ khám xét của FBI hôm 9/8. Ảnh: Reuters.
Một đồng minh thân cận của ông Trump, người hy vọng ông sẽ tranh cử vào năm 2024, cho biết cựu tổng thống dường như không nhận thức được vị trí nguy hiểm mà mình đang đứng.
"Ông Trump có thể tiến gần hơn đến phần thưởng nhưng trên thực tế, ông ấy đang trượt dốc", người này nói. "Đó là một con dao hai lưỡi".
"Có vẻ như 'chiếc lưới' vây quanh ông ấy ngày càng nhiều và khả năng tránh né của ông sẽ ngày càng trở nên khó khăn hơn", đồng minh của ông Trump nói thêm.
Một người thân cận khác bày tỏ lo ngại rằng cựu tổng thống không nhìn nhận nghiêm túc các cuộc điều tra.
"Ông ấy không thực sự quan tâm đến những điều đang diễn ra hoặc không xem xét nó một cách nghiêm túc", người này nói. "Ông ấy nghĩ nó không đáng bận tâm... Nhưng thật sự thì nó vẫn có thể gây ra vấn đề".
Những vấn đề đó khó có khả năng sớm biến mất. Mới đây, tại phiên tòa về việc công khai bản tuyên thệ trong vụ khám nhà ông Trump, một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ cho biết cuộc điều tra vẫn đang trong "giai đoạn đầu".
Cuộc điều tra này có thể phủ bóng lên chiến dịch tranh cử của ông Trump trong năm 2024. Nó có thể buộc ông phải đối mặt với cuộc điều tra khác có quy mô lớn hơn và được hỗ trợ bởi các nguồn lực không giới hạn từ chính phủ Mỹ.
Lần đầu tiên trong lịch sử Mỹ, tư gia cựu tổng thống bị khám xét.
FBI vẫn chưa lên tiếng dù đã 3 ngày trôi qua kể từ khi bất ngờ khám xét khu nghi dưỡng Mar-a-Lago tại bang Florida của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.