Tiêu điểm

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Suất đầu tư lớn, lo ngại nợ công ngày càng phình to


Với tổng nhu cầu vốn đầu tư lên tới 58,71 tỉ USD, phương án đầu tư đường sắt tốc độ cao mà Bộ GTVT dự kiến trình lên Bộ Chính trị trong tháng 9 này gây nhiều lo ngại về áp lực lên nợ công quốc gia cũng như đặt ra nhiều dấu hỏi về hiệu quả kinh tế của dự án này.

Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Suất đầu tư lớn, lo ngại nợ công ngày càng phình to

Việc cần tới 58,71 tỉ USD xây dựng 1.545km đường sắt tốc độ cao khiến suất đầu tư cho một km lên tới 38 triệu USD. Ảnh: LĐ

1 dự án cần tới 1,366 triệu tỉ đồng

Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đây, Bộ GTVT cho biết, dự kiến trong tháng 9 này sẽ trình Bộ Chính trị xem xét, có ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo chương trình làm việc.

Phương án về kỹ thuật và tổng vốn đầu tư cho dự án này gây chú ý khi theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được Bộ GTVT trình Chính phủ, Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đi qua 20 tỉnh thành có chiều dài 1.545km, tốc độ khai thác tối đa khoảng 320km/h. Đoàn tàu sử dụng công nghệ động lực phân tán và tổng mức đầu tư dự kiến toàn bộ dự án sẽ lên tới 58,71 tỉ USD. Chỉ tính theo tỉ giá trung tâm được được Ngân hàng Nhà nước công bố áp dụng cuối tuần qua, tổng vốn đầu tư của dự án đường sắt tốc độ cao sẽ lên tới gần 1,366 triệu tỉ đồng.

Cần nhắc lại rằng, 1,366 triệu tỉ đồng là con số đặc biệt lớn bởi GDP của Việt Nam (tính theo giá so sánh) của cả năm 2021 là 5,116 triệu tỉ đồng và GDP 6 tháng đầu năm 2022 là 2,602 triêu tỉ đồng. Con số tổng mức đầu tư 1,366 triệu tỉ đồng nói trên cũng tương đương với 38,8% tổng nợ công của cả nước tính đến thời điểm cuối năm 2020.

Cụ thể theo báo cáo kiểm toán được Kiểm toán Nhà nước công bố mới đây, dư nợ công đến 31/12/2020 là 3,52 triệu tỉ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019 và bằng 55,94% so với GDP.

Suất đầu tư lớn đè nặng nợ công

Tổng mức đầu tư quá lớn nên dễ hiểu vì sao việc Bộ GTVT xây dựng phương án 58,71 tỉ USD gây nhiều chú ý và thậm chí là nhiều lo ngại về hiệu quả đầu tư cũng như lo ngại gây nhiều áp lực lên nợ công. Với chiều dài 1.545km, tính trung bình suất đầu tư cho 1 km đường sắt tốc độ cao của Việt Nam sẽ lên tới 38 triệu USD, cao hơn nhiều suất đầu tư trung bình của đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc hiện nay là vào khoảng 21-25 triệu USD/km.

Trao đổi với báo chí, GS-TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) cũng cho rằng, trong khi Trung Quốc làm mới hoàn toàn tuyến đường sắt lên Tây Tạng hơn 2.000km chỉ mất hơn 40 tỉ USD, có thể thấy tỉ suất đầu tư quá lớn là vấn đề muôn thuở của đầu tư Việt Nam nói chung. Chưa kể việc Bộ GTVT đề nghị đường sắt chỉ chở khách, không chở hàng là một ý tưởng rất khấp khểnh.

Điều này lý giải vì sao Bộ KHĐT nhận được nhiều ý kiến đồng thuận khi đề xuất phương án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam sẽ vận chuyển chung cả hành khách, hàng hóa với tốc độ từ 160 km/h đến dưới 200km/h, thay vì chỉ vận chuyển mỗi hành khách như phương án của Bộ GTVT. Điểm thuyết phục và đáng chú ý nhất của phương án này là tổng vốn đầu tư dự án theo phương án này chỉ khoảng 26 tỉ USD, giảm hơn 32 tỉ USD so với phương án của Bộ GTVT. Tính ra, phương án của Bộ KHĐT có suất đầu tư chỉ xấp xỉ 17 triệu USD cho mỗi km đường sắt tốc độ cao.

Liên quan đến dự án này là Văn phòng Chính phủ mới đây vừa ban hành thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại cuộc họp về Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam. Trong đó về đường sắt tốc độ cao, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ GTVT khẩn trương làm việc với Bộ KHĐT - cơ quan thường trực của Hội đồng thẩm định nhà nước để phân tích, so sánh, thống nhất lựa chọn, đề xuất phương án đầu tư xây dựng tối ưu, nhất là tốc độ và hình thức vận chuyển, lộ trình, thời gian chuẩn bị, thực hiện, hoàn thành tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

Có nghĩa là, phương án cần tới 58,71 tỉ USD cho 1.545km đường sắt tốc độ cao chưa chắc là phương án cuối cùng được lựa chọn.

Thấy gì qua việc đầu tư đường sắt cao tốc ở Trung Quốc?

Tháng 7/2022, Nikkei đưa tin, Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc kiên định tiếp tục mở rộng mạng lưới đường sắt cao tốc lớn nhất thế giới trong bối cảnh chính phủ tăng cường nỗ lực đưa nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng trở lại Tuy nhiên, chiến dịch tích cực này cũng làm tăng thêm tổng nợ phải trả của tập đoàn quốc doanh. Khoản nợ của Tập đoàn Đường sắt Nhà nước Trung Quốc tính đến cuối năm 2021 đạt 5,91 nghìn tỉ nhân dân tệ (882 tỉ USD), tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc. Mạng lưới đường sắt cao tốc của Trung Quốc, dài hơn 40.000km và gấp hơn 10 lần quy mô đường sắt cao tốc của Nhật Bản, đã tăng thêm 2.168 km trong năm 2021. Đường sắt Trung Quốc có kế hoạch mở rộng mạng lưới đạt 50.000km vào năm 2025 và 70.000km vào năm 2035.

Sự tăng trưởng nhanh chóng này diễn ra khi chính quyền địa phương cạnh tranh để thu hút các dự án mới. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về vấn đề nợ cũng như lợi nhuận mang lại từ các dự án đường sắt này. Hà Liên

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật