Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, vừa ký, ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025" trên địa bàn TP Hà Nội.
Ùn tắc tại đường Nguyễn Trãi Hà Nội nhiều năm nay chưa được cải thiện - Ảnh chụp sáng 5/9/2022
Kế hoạch nhằm huy động mọi nguồn lực, triển khai đồng bộ các giải pháp, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, chống ùn tắc giao thông tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.
Theo Kế hoạch, Hà Nội đặt ra 3 chỉ tiêu chủ yếu liên quan tới việc đảm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Cụ thể, hằng năm, TP phấn đấu giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương), không để xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, hướng tới năm 2030 giảm ít nhất 50% số người bị chết và bị thương do tai nạn giao thông đường bộ so với năm 2020.
Cùng với đó, vận tải hành khách công cộng bảo đảm chất lượng, phục vụ hiệu quả, phấn đấu đạt chỉ tiêu tỷ lệ đảm nhận vận tải hành khách công cộng đến năm 2025 đạt 30%-35% theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII. Hằng năm, TP xử lý từ 7 điểm đến 10 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông, hạn chế phát sinh mới các điểm ùn tắc giao thông, không để xảy ra các vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút; xóa bỏ kịp thời các điểm đen về tai nạn giao thông.
Để đạt được các chỉ tiêu nói trên, Hà Nội đặt ra 8 nhiệm vụ trọng tâm và 10 giải pháp cụ thể. Trước hết, Hà Nội sẽ nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW ngày 1/2/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia; chỉ đạo của Thành ủy, HĐND và UBND TP về công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông...
Song song đó, TP xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nhằm áp dụng kịp thời, hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào thực tiễn.
UBND TP Hà Nội đề ra hàng loạt giải pháp, trong đó có rà soát, bố trí các điểm đỗ xe tĩnh trong nội đô và trên địa bàn các quận; đầu tư hệ thống giao thông tiếp cận cho người khuyết tật, người cao tuổi tại các đô thị, các công trình đảm bảo giao thông cho những người dễ bị tổn thương; nghiên cứu thí điểm làn đường dành riêng cho xe đạp.
Kế hoạch của UBND TP Hà Nội giao rõ nhiệm vụ cho các sở, ngành. Đáng chú ý, UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc, chỉ chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ quy hoạch các dự án khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại... khi các nội dung đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, quy định về chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các đường trục chính đô thị, không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông.