Thông tin tại cuộc họp ứng phó với bão Noru sáng 26/9, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết các mô hình dự báo của quốc tế và Việt Nam hiện không đưa ra kịch bản nào về việc bão có thể giảm cấp khi áp sát đất liền miền Trung.
"Dù không muốn, phải nói rằng rất khó có cơ hội để bão giảm cấp. Nhiều yếu tố tác động khiến bão có thể mạnh lên và giữ cường độ mạnh cấp 13-14 khi vào đến vùng biển Quảng Bình - Ninh Thuận", ông Khiêm nhận định.
Các kịch bản khác nhau về cường độ bão
Theo chuyên gia, kịch bản về quỹ đạo của bão đã có sự thống nhất nhưng các mô hình của cơ quan khí tượng quốc tế vẫn có sự chênh lệch khi dự báo cường độ. Dù vậy, không có dự báo nào cho rằng bão vào bờ với cường độ nhẹ.
Đến sáng nay (26/9), mô hình của Mỹ và Trung Quốc vẫn dự báo bão mạnh ở cấp 15-16 khi vào khu vực từ Thừa Thiên - Huế đến Bình Định với thời gian ảnh hưởng trực tiếp là ngày 28/9. Trong khi đó, đài Nhật dự báo bão mạnh nhất cấp 13-14, đài Hong Kong cho rằng ở cấp 14-15.
Cơ quan khí tượng quốc tế thống nhất về trọng tâm khu vực bão đi qua, nhưng đưa ra dự báo khác nhau về sức gió mạnh nhất của bão Noru trên Biển Đông. Ảnh: NCHMF.
Hiện, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đưa ra kịch bản sau khi đi qua khu vực quần đảo Hoàng Sa tối 27/9, bão có thể đạt sức gió mạnh nhất cấp 13-14 và duy trì cấp này khi vào đến khu vực vùng biển ngoài khơi từ Quảng Bình đến Ninh Thuận.
Ngoài ra, bão dự kiến tác động trực tiếp từ Thừa Thiên - Huế đến Ninh Thuận. Với những nơi có nhà dân giáp với biển, không có vùng chắn, gió bão khả năng ảnh hưởng trực tiếp với cường độ mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Về thời gian, chuyên gia cảnh báo từ nay đến ngày 26/9 là thời điểm bắt đầu gió mạnh trên vùng biển phía nam khu vực bắc Biển Đông. Bắt đầu từ chiều đến tối 27/9, ven biển đất liền từ Đà Nẵng đến Bình Định có gió mạnh.
Trên đất liền, thời điểm chịu tác động gió mạnh nhất là sáng 28/9. Đồng thời, khu vực từ Quảng Trị đến Bình Định và bắc Tây Nguyên có thể hứng đợt mưa lớn 150-300 mm/đợt, có nơi trên 350 mm chỉ trong hai ngày 27-28/9. Sau đó, mưa mở rộng ra Bắc Trung Bộ.
"Với tốc độ bão đi nhanh, cường suất mưa có thể rất lớn trút xuống trong khoảng thời gian ngắn, khả năng gây ra nguy cơ sạt lở và lũ quét", chuyên gia cảnh báo.
Từ Quảng Trị đến Bình Định cấm biển
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, trước diễn biến nguy hiểm của bão số 4, các tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Bình Định đã ban hành lệnh cấm biển.
Ngoài ra, các địa phương trên rà soát phương án sơ tán dân với tổng số gần 214.000 hộ tương ứng trên 868.000 người. Trong đó, trọng tâm dự kiến bão đổ bộ từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Các tỉnh này đã sẵn sàng phương án sơ tán hơn 93.000 hộ với khoảng 369.000 người, tùy theo diễn biến của bão.
Người dân Đà Nẵng dọn dẹp lưới, ngư cụ khi nghe tin bão Noru khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực này. Ảnh: Đoàn Nguyên.
Ông Phạm Đức Luận, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai, đề nghị các đơn vị chức năng thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Trong đó, khẩn trương tổ chức cắt tỉa cành cây; chằng chống, gia cố biển hiệu, nhà ở, các công trình công cộng, khu công nghiệp, nhà máy, kho tàng, các dự án đang thi công ven biển, các công trình cột tháp cao.
Lực lượng chức năng cần rà soát, sẵn sàng bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các ngầm tràn, khu vực ngập lụt, chia cắt; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Đồng thời, đơn vị liên quan chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường thuỷ, hàng không sân bay Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai… khi bão đổ bộ.