Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các đơn vị liên quan nghiên cứu báo cáo của UBND huyện Đạ Huoai về việc chấm dứt hoạt động, thu hồi đất và xử lý các sai phạm tại dự án khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi Trúc Phương - Madagui (dự án Trúc Phương - Madagui) của Công ty cổ phần Trúc Phương.
Trung tâm thị trấn Madaguôi của huyện Đạ Huoai. Ảnh: Cổng thông tin Lâm Đồng.
Theo đó, UBND huyện Đạ Huoai kiến nghị UBND tỉnh thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và toàn bộ diện tích dự án Trúc Phương - Madagui theo Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai 2013.
Dự án có tổng vốn đầu tư chỉ hơn 7 tỉ đồng, đã đóng tiền thuê đất một lần gần 5 tỉ đồng nhưng đã dùng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để bảo lãnh cho một doanh nghiệp khác vay ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và phát triển Việt Nam 22 tỉ đồng. Đến nay, cả gốc lẫn lãi vay là 28,6 tỉ đồng.
Qua làm việc với UBND huyện Đạ Huoai, do thời điểm này thị trường bất động sản khó khăn, việc xử lý tranh chấp bằng hình thức kê biên, phát mãi sẽ mất nhiều thời gian. Phía ngân hàng kiến nghị UBND huyện xem xét hỗ trợ trong việc thu hồi khoản nợ gốc (22 tỉ đồng) đã cho vay nêu trên.
Do vậy, UBND huyện Đạ Huoai kiến nghị UBND tỉnh xem xét, nghiên cứu cho phép huyện có cơ chế đấu thầu dự án theo quy hoạch. Nhà đầu tư mới có trách nhiệm hoàn trả số tiền nợ ngân hàng sau khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư theo mục tiêu dự án.
Như Báo Người Lao Động đã thông tin, dự án Trúc Phương - Madagui được cấp Giấy chứng nhận đầu tháng 7-2007, được tỉnh Lâm Đồng cho thuê 23.154 m2 đất vào tháng 9-2007, cấp giấy phép xây dựng sau đó một tháng, tiến độ thực hiện 2007-2011.
Dự án chậm tiến độ, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cho gia hạn thời gian sử dụng đất 3 lần, thời hạn cuối đến tháng 11-2022 nhưng Công ty cổ phần Trúc Phương chỉ mới đầu tư một số hạng mục dang dở với số tiền khoảng 3 tỉ đồng rồi "bất động" đến nay.
Thế nhưng đầu năm 2018, Công ty cổ phần Trúc Phương thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dự án để bảo lãnh cho doanh nghiệp khác vay 22 tỉ đồng. Đến nay chủ đầu tư mất khả năng chi trả, khu đất dự án bị kê biên, phát mãi.
Ngoài việc chậm tiến độ và mang đất đi thế chấp, Công ty cổ phần Trúc Phương còn không thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định khi được gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng, chưa thực hiện thủ tục điều chỉnh tiến độ dự án.