Tiêu điểm

Nông nghiệp đô thị hóa giải quyết thách thức về an ninh lương thực


Là thủ đô của cả nước, Hà Nội ngày càng phát triển hiện đại, hoàn thiện về cơ sở hạ tầng nhưng điều này cũng khiến thành phố đứng trước thực trạng là đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp, gây áp lực nên vấn đề bảo đảm an ninh lương thực cho người dân. Để giải quyết vấn đề này, đưa nông nghiệp phát triển theo hướng đô thị là điều tất yếu mà thành phố đã và đang làm.

Tại Hội nghị góp ý dự thảo đề cương và phiếu khảo sát xây dựng Đề án Nông nghiệp Đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 – 2026 diễn ra sáng ngày 21/9/2023, các chuyên gia cho rằng nhu cầu sử dụng nông sản thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội là rất lớn, do đó làm sao để bảo đảm được vấn đề lương thực cho người dân là điều đang được thành phố quan tâm.

Nhu cầu nông sản thực phẩm lớn

Thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, năm 2021, thành phố có diện tích đất nông nghiệp là 197.793 ha, chiếm tỷ lệ 58,9% tổng diện tích đất tự nhiên, trong đó chủ yếu là diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 43,6%). Dân số khu vực nông thôn là trên 4,3 triệu người, chiếm 50,9% tổng dân số. Lao động khu vực nông thôn 2,271 triệu người, chiếm trên 56% lực lượng lao động của thành phố.

Đến cuối năm 2022, sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm 2,3% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố. Nông sản, sản phẩm nông nghiệp làm ra mới đáp ứng 30 - 65% nhu cầu hơn 10 triệu người dân sinh sống, làm việc trên địa bàn.

Cụ thể với các tiểu ngành là nông nghiệp, thành phố mới chỉ đáp ứng được 65,6% sản phẩm gạo; thịt lợn hơi 94,1%, trái cây 28,8%; trứng gia cầm 94,2%. Để giải quyết lượng nông sản thực phẩm còn thiếu, thành phố Hà Nội đã phải liên kết với các tỉnh, thành trên cả nước và nhập khẩu từ nước ngoài.

Điều này được lý giải là do tốc độ đô thị hóa của thành phố diễn ra nhanh. Sự gia tăng dân số kéo theo diện tích đất để sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp dẫn đến phát triển sản xuất của nhiều xã, huyện bị rơi vào tình trạng manh mún, thiếu bền vững, ô nhiễm.

-8112-1695269680.jpg

Xây dựng và thực hiện “Đề án Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026” là điều cần thiết để cụ thể hóa các mục tiêu phát triển nền nông nghiệp của Thủ đô.

Mặt khác cũng do bị tác động mạnh của đô thị hóa nên lực lượng lao động nông nghiệp ngày càng bị giảm mạnh cả về số lượng và chất lượng, gây khó khăn trong phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, giàu khoa học công nghệ.

PGS.TS Đào Thế Anh, Phó Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) - Chủ tịch Câu lạc bộ đổi mới sáng tạo ngành rau hoa quả, cho rằng với quỹ đất ngày càng thu nhỏ, nếu phát triển nông nghiệp theo kiểu truyền thống, Hà Nội sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm năng suất chất lượng nông sản cũng như đáp ứng vấn đề lương thực thực phẩm cho người dân. Chính vì vậy, đầu tư cho nông nghiệp đô thị là hướng đi tất yếu.

Để làm được điều này, nông dân, HTX, doanh nghiệp cần ưu tiên sử dụng công nghệ cao, tạo ra hiệu quả lớn nhất trên một đơn vị canh tác nhỏ nhất. Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp đô thị ở Hà Nội còn thu hút khách du lịch tới tham quan, trải nghiệm. Bởi người dân sống ở thành phố lớn hiện nay có nhu cầu rất cao về du lịch trải nghiệm, du lịch nông thôn.

Nền tảng từ những mô hình công nghệ cao

Có thể thấy, không chỉ hiện nay mà những năm trước, thành phố Hà Nội đã xác định được hướng đi cho ngành nông nghiệp là phát triển theo hướng đô thị. Chính vì vậy mà thành phố đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh nông nghiệp, nhiều mô hình nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, cho hiệu quả không nhỏ về kinh tế, môi trường, xã hội.

Tiêu biểu như HTX rau an toàn thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đã và đang là địa chỉ tin cậy trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp rau an toàn cho thị trường Hà Nội. Trên diện tích 50.000m2, HTX đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới, ứng dụng công nghệ tưới phun sương, lắp đặt hệ thống camera giám sát ngoài đồng ruộng và truy xuất nguồn gốc điện tử. Việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất không chỉ đảm bảo chất lượng sản phẩm mà còn giúp nâng cao hiệu quả kinh tế và thu nhập cho thành viên HTX, đặc biệt là giải quyết tình trạng thiếu đất, thiếu nước sạch để phát triển nông nghiệp.

Còn tại HTX làng Gióng (xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm), trước thực trạng ô nhiễm môi trường, các thành viên đã áp dụng công nghệ xử lý phân chăn nuôi bò bằng giun quế và chế phẩm sinh học. Đến nay, lượng phân bò phát sinh tại xã Đặng Xá đã được HTX thu gom, xử lý triệt để. Không chỉ giúp giải bài toán ô nhiễm, sản phẩm sau xử lý trở thành phân vi sinh có giá trị kinh tế cao.

Ngoài HTX làng Gióng và HTX Chúc Sơn, Hà Nội còn có rất nhiều HTX khác không ngại đầu tư công nghệ cao vào phát triển sản xuất nông nghiệp như: HTX Đặng Xá, HTX Cuối Quý, HTX Đan Hoài, HTX Hoàng Long…

-4703-1695269681.jpg

Nông nghiệp công nghệ cao phù hợp với quá trình đô thị hóa của Hà Nội.

Những mô hình sản xuất bền vững này đã giúp Hà Nội nâng cao được số lượng các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp đô thị đi theo đúng hướng.

Số liệu thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội cho thấy, tính đến nay, thành phố đã xây dựng được 120 mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, dẫn đầu là huyện Mê Linh với 18 mô hình, tiếp đến là huyện Gia Lâm 17 mô hình, huyện Thường Tín 14 mô hình. Tỷ trọng ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp của toàn thành phố đã đạt trên 30%. Các mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội tuy quy mô còn nhỏ, nhưng cho năng suất cao hơn phương thức sản xuất truyền thống từ 10 - 12%. Nhờ đó, giá trị kinh tế gia tăng từ 25 - 30%.

Tiên phong trong nông nghiệp đô thị

Các chuyên gia cho rằng, để nâng cao hiệu quả của sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh cũng như giải quyết tốt hơn nữa tình hình lương thực, Hà Nội cần đẩy mạnh tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp nhằm tạo ra các chuỗi giá trị ở các huyện.

Đi liền với đó, nông nghiệp đô thị của Hà Nội cũng rất cần có những cơ chế chính sách, kế hoạch hành động cụ thể về quy hoạch, đất đai, vốn, công nghệ… để nông dân, HTX, doanh nghiệp có thể sản xuất ra nhiều hơn nữa các sản phẩm có năng suất, chất lượng, an toàn cho người tiêu dùng.

Một điều dễ nhận thấy là tốc độ đô thị hóa nhanh ở Hà Nội đã kéo theo sự phát triển đa dạng các kênh cung ứng, phân phối hàng hóa nông sản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ hàng hóa. Tuy nhiên, cũng do đô thị hóa nên việc quy hoạch, xây dựng các khu dân cư, khu công nghiệp tập trung và công trình hạ tầng kinh tế - xã hội dẫn đến một số diện tích đất nông nghiệp bị chia cắt, nhiều tuyến kênh mương, thủy lợi nội đồng bị ách tắc không phục vụ được tưới, tiêu... gây khó khăn cho nông dân, HTX, doanh nghiệp trong quá trình phát triển nông nghiệp, ứng dụng công nghệ. Đây cũng là lý do khiến không ít người dân, nhất là người dân ở vùng nông thôn bỏ ruộng, không sản xuất.

Thống kê cho thấy, Hà Nội hiện có 11 quy hoạch liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp nhưng phần lớn các quy hoạch này đều phải điều chỉnh bởi tốc độ đô thị hoá quá nhanh thời gian qua. Điều này đã phá vỡ cảnh quan, không gian nông nghiệp, nhường chỗ cho các khu đô thị và hạ tầng đô thị. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới suy giảm nhiều giá trị lịch sử văn hoá của nông nghiệp để lại từ ngàn xưa.

Sự chuyển dịch mạnh mẽ của lực lượng lao động trẻ từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ làm ảnh hưởng trực tiếp đến lực lượng lao động sản xuất nông nghiệp. Trong đó, phải kể đến tình trạng già hóa lực lượng sản xuất nông nghiệp, thiếu lao động vào thời vụ. Điều này khiến một số địa phương rơi vào sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chi phí sản xuất tăng cao. Do đó, sản xuất ở nhiều địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa có sức cạnh tranh cao.

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, cho biết trước thực trạng trong nông nghiệp, nông thôn mà thành phố đã và đang gặp phải, Chương trình số 04-CTr/TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn đã định hướng ngoài ứng dụng dụng công nghệ hiện đại, việc khai thác và làm nổi bật những đặc trưng riêng về nông nghiệp để gắn phát triển nông nghiệp với du lịch. Bởi Hà Nội không chỉ có thế mạnh để phát triển nông nghiệp, mà còn có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa. Nếu phát triển nông nghiệp đô thị, trong đó có gắn với du lịch, đảm bảo được an ninh lương thực, đảm bảo được nguồn thực phẩm bổ dưỡng và có thể gia tăng nguồn thu từ du lịch, trải nghiệm từ nông nghiệp.

Đi liền với đó, phát triển nông nghiệp đô thị của Thủ đô Hà Nội không chỉ dừng lại ở phát triển sản xuất mà còn kết nối chặt chẽ với an ninh dinh dưỡng và giải quyết được các thách thức về môi trường.

Thực tế trên cho thấy, việc phát triển nông nghiệp đô thị cần tiếp cận toàn diện của chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm theo hướng bền vững nhằm cung cấp thực phẩm lành mạnh, bổ dưỡng bởi đây là nhu cầu lớn của người dân. Khi sản xuất được theo hướng bền vững cũng giải quyết được những thách thức mà ngành nông nghiệp thành phố đang gặp phải.

Do vậy, theo ông Nguyễn Văn Chí, việc xây dựng và thực hiện “Đề án Nông nghiệp đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2026” thực sự phù hợp và cần thiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nền nông nghiệp của Thủ đô. Đây cũng là cách đưa thành phố Hà Nội thành đơn vị tiên phong thực hiện và thử nghiệm nông nghiệp đô thị và trở thành mô hình điểm cho các tỉnh lân cận có mối quan hệ mật thiết với liên kết, giao thương với Hà Nội.

Minh Nhương

Tác giả: Nhu cầu nông sản thực phẩm lớn
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật