Tiêu điểm

Quảng Nam: Khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh


Nguồn vốn khuyến công đã thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống tại tỉnh Quảng Nam.

Ông Đinh Văn Phúc – Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Nam cho biết hoạt động khuyến công của tỉnh thời gian qua đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, từng bước khẳng định vai trò, vị thế trong việc thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo, duy trì việc làm, nâng cao đời sống cho một bộ phận lao động nông thôn, ổn định tình hình kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại địa phương, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông để hiểu rõ hơn về vấn đề này!

PV: Được biết, trong 8 tháng đầu năm, công nghiệp tỉnh Quảng Nam tăng trưởng chậm, giảm ở một số ngành công nghiệp chủ chốt so với cùng kỳ, tuy nhiên một số đơn vị nhỏ vẫn đóng góp phát triển kinh tế... Ông đáng giá như thế nào về vai trò của các các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp trong kết quả tăng trưởng này?

Quảng Nam: Khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Ông Đinh Văn Phúc
Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam

Ông Đinh Văn Phúc: Theo quy hoạch phát triển cụm công nghiệp thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn 2050, Quảng Nam có 92 cụm công nghiệp với diện tích 2.280,47 ha. Đến nay, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập 58 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.638,15 ha, trong đó 53 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết, tỷ lệ lấp đầy đạt 71,22%, thu hút hơn 370 dự án với tổng vốn đăng ký 9.335,78 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư thực hiện 6.787,85 tỷ đồng.

Việc hình thành các cụm công nghiệp đã giúp cho sản xuất công nghiệp theo hướng tập trung, hạn chế tình trạng sản xuất phân tán, gây ô nhiễm môi trường. Các cụm công nghiệp hoạt động đã đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất công nghiệp, ngành nghề nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động công nghiệp và dịch vụ, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Cùng với đó, việc phát triển tiểu thủ công nghiệp và làng nghề có nhiều khởi sắc, đã thu hút và giải quyết việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông nghiệp và nông thôn. Nhiều cơ sở đã mạnh dạn đầu tư công nghệ, thiết bị, mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; điển hình là các ngành nghề: mộc mỹ nghệ, cơ khí sửa chữa, may mặc, chế biến thủy hải sản, nước mắm, sản xuất dược liệu, sơ chế nông sản…

Thực tế cho thấy việc phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề, tiểu thủ công nghiệp không chỉ tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn đang dư thừa mà còn nâng cao mức sống, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hệ thống cụm công nghiệp, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chính là một trong những nguồn tài nguyên du lịch cực kỳ quan trọng. Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội, hình thức du lịch làng nghề còn góp phần bảo tồn và phát huy những bản sắc văn hoá độc đáo của địa phương, của dân tộc.

Trong những năm gần đây, loại hình du lịch làng nghề truyền thống, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở Quảng Nam ngày càng hấp dẫn du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, bởi những giá trị văn hóa lâu đời, phương pháp và cách sáng tạo ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng ở mỗi địa phương trên địa bàn tỉnh (Làng Cổ Lộc Yên; Làng nước mắm Cửa Khe, Làng nước mắm Tam Thanh, Làng Trà Đỏa Thăng Bình…)

Với vai trò hết sức quan trọng của cụm công nghiệp, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đối với quá trình phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tỉnh Quảng Nam trong những năm qua, chính quyền các địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp, làng nghề nói chung, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng và bước đầu đã đem lại những kết quả tích cực, đóng góp một phần không nhỏ vào quá trình phát triển du lịch của địa phương.

Quảng Nam: Khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Nam tổ chức nghiệm thu đề án khuyến công quốc gia năm 2023

PV: Có ý kiến cho rằng trong bối cảnh sản xuất công nghiệp chững lại, nguồn vốn khuyến công càng phát huy hơn nữa vai trò là “vốn mồi”, tiếp sức để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất. Quan điểm của ông về ý kiến này?

Ông Đinh Văn Phúc: Những năm gần đây, đại dịch Covid-19 đã gây nhiều tác động tiêu cực chưa từng có đến nền kinh tế cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nói riêng. Trong bối cảnh đó, nguồn vốn khuyến công đã phát huy tốt để góp phần hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ, khôi phục sản xuất sau đại dịch, có động lực phát triển, tăng trưởng ngày càng tích cực.

Giai đoạn năm 2020 - 2023, thông qua nguồn vốn khuyên công quốc gia và địa phương, tỉnh Quảng Nam đã triển khai đồng bộ các hoạt động khuyến công trên với tổng kinh phí trên 36 tỷ đồng, trong đó, kinh phí khuyến công quốc gia hỗ trợ gần 8 tỷ đồng và kinh phí khuyến công địa phương hỗ trợ khoảng 28 tỷ đồng. Với khuyến công quốc gia, các hoạt hỗ trợ tập trung vào hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến cho 27 các cơ sở với tổng kinh phí gần 8 tỷ đồng. Về chương trình khuyến công địa phương đã hỗ trợ hơn 28 tỷ đồng cho ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn, hội chợ, bình chọn sản phẩm, xây dựng thương hiệu…

Đã tổ chức 4 kỳ bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh với khoảng 95 sản phẩm được bình chọn. Phối hợp thực hiện các chương trình nâng cao năng lực quản lý, sản xuất, quảng bá tiêu thụ, xuất khẩu sản phẩm, hỗ trợ cơ sở tham gia hội chợ, triển lãm trong nước. Hằng năm, phối hợp với phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, sản xuất sạch gắn với phát triển nông thôn mới. Hướng dẫn các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp thực hiện các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, kế hoạch, đề án và chương trình về sản xuất sạch hơn nhằm bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững; góp phần đảm bảo an ninh năng lượng theo Quyết định 280/QĐ-Ttg ngày 13/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.

Quảng Nam: Khuyến công tạo động lực thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh

Nguồn vốn khuyến công góp phần hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư đổi mới công nghệ

PV: Ông cho biết kế hoạch thực hiện chương trình khuyến công của tỉnh năm 2023 và định hướng hỗ trợ khuyến công của tỉnh trong thời gian tới?

Ông Đinh Văn Phúc: Năm 2023, hoạt động khuyến công của tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, phát triển những ngành, nghề có tiềm năng nổi trội và lợi thế cạnh tranh, ngành nghề có sản phẩm phục vụ du lịch, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP, khởi nghiệp; các hoạt động xúc tiến thương mại trong và ngoài nước… Trong đó, hỗ trợ khoảng 38 cơ sở công nghiệp nông thôn đầu tư chuyển giao, ứng dụng máy móc, thiết bị công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; hỗ trợ 31 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng chuyển đổi số; hỗ trợ 3 lớp đào tạo nghề cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (chủ yếu các làng nghề gắn du lịch); hỗ trợ khoảng 140 gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP; hỗ trợ khoảng 100 lượt cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước…

Để thực hiện có hiệu quả các hoạt động khuyến công, trong thời gian tới, công tác khuyến công trên địa bàn sẽ tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình khuyến công tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 – 2025; nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền. Đẩy mạnh công tác thông tin, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến đến các chủ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nông thôn, người lao động và đội ngũ cộng tác viên về hoạt động khuyến công, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan trong hoạt động khuyến công, kiến thức về hoạt động khuyến công...;

Tập trung cho đào tạo nghề, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ về thực hiện công tác khuyến công. Chú trọng công tác đào tạo nghề, ưu tiên cho các ngành, nghề truyền thống nhằm phát triển các sản phẩm có chất lượng mang tính đặc trưng của địa phương; tiếp tục duy trì, khôi phục, phát triển, nhân cấy nghề cho các làng nghề; hỗ trợ đào tạo nghề, nâng cao tay nghề đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho các cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn.

Đẩy mạnh triển khai các nội dung hoạt động khuyến công và hỗ trợ có hiệu quả cho doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khuyến công. Trên cơ sở các văn bản quy định về cơ chế, chính sách các hoạt động khuyến công của Chính phủ, các bộ, ngành... tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản liên quan đến hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh.

Xin cảm ơn ông!

 
Tác giả: Hạ Vĩ thực hiện
Bài viết liên quan