Tiêu điểm

Quảng Ninh: Duy trì tăng trưởng 2 con số trong 8 năm liên tiếp


Với quy mô nền kinh tế ước đạt trên 312.000 tỷ đồng, năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tiếp tục duy trì tăng trưởng 2 con số trong 8 năm liên tiếp.

Ngày 21/11, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tổ chức kỳ họp thứ 41 để thảo luận về tình hình, kết quả công tác năm 2023; kết quả thực hiện dự toán ngân sách năm 2023; phương án phân bổ dự toán, cơ chế, biện pháp điều hành ngân sách địa phương và tình hình, kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển năm 2023.

Hoàn thành chỉ tiêu phát triển năm 2023 trước thời hạn

Báo cáo cho thấy, năm 2023 tỉnh đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, xây dựng Đảng. GRDP năm 2023 ước đạt 11,02%, cao hơn 0,74 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,28%), là năm thứ 8 liên tiếp (2016-2023) tăng trưởng 2 con số; quy mô nền kinh tế ước đạt trên 312.000 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt trên 55.300 tỷ đồng, tăng 3% so với dự toán tỉnh giao, tăng 4% so với cùng kỳ, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước.

Trong đó, thu nội địa ước đạt 39.632 tỷ đồng, bằng 94% dự toán tỉnh giao, tăng 7% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 16.000 tỷ đồng, tăng 33% so với dự toán tỉnh giao. Tổng chi ngân sách địa phương năm 2023 ước thực hiện đạt 29.543 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ; trong đó, chi thường xuyên ước đạt 13.824 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.

Tổng vốn thu hút đầu tư ước đạt 5 tỷ USD, trong đó thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt con số kỷ lục nhất từ trước đến nay với trên 3,1 tỷ USD, bằng 311% chỉ tiêu Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và HĐND tỉnh (ít nhất 1,0 tỷ USD), bằng 259,2% kế hoạch của UBND tỉnh (đạt 1,2 tỷ USD); thu hút vốn đầu tư trong nước ngoài ngân sách ước đạt 1,9 tỷ USD, vượt 17,3% kế hoạch của UBND tỉnh.

Quảng Ninh: Duy trì tăng trưởng 2 con số trong 8 năm liên tiếp

Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam chính thức đi vào sản xuất kinh doanh từ tháng 10/2023, hoàn thiện chuỗi dây chuyền sản xuất tấm quang năng quy mô lớn trên địa bàn Quảng Ninh

Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trong tỉnh đã hoàn thành việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2023. Dự kiến đến hết năm 2023, giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 đạt 91% so với số kế hoạch vốn năm 2023 sau điều chỉnh, đạt 96% so với kế hoạch vốn HĐND tỉnh giao đầu năm và đạt 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

10 năm liền nằm trong nhóm điều hành kinh tế xuất sắc

Báo cáo cho thấy, tổng chi an sinh xã hội ước thực hiện hết năm 2023 là 1.437 tỷ đồng, tăng 257 tỷ đồng (21,8%) so với năm 2022. Tỉnh đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 theo tiêu chí của Trung ương và triển khai áp dụng quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025 cao hơn mức chuẩn nghèo theo quy định của Trung ương. Ước đến cuối năm 2023 toàn tỉnh còn 361/411 hộ nghèo theo tiêu chí mới, chiếm tỷ lệ 0,1% tổng số hộ dân toàn tỉnh.

Năm 2023, tạo việc làm tăng thêm ước đạt 21.000 người, tăng 5% kế hoạch cả năm. Tỉnh cũng đã chỉ đạo tập trung hoàn thành Đề án cấp nước sạch nông thôn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025 đảm bảo mục tiêu tỷ lệ hộ gia đình được sử dụng nước sạch đạt trên 70%. Công tác giáo dục, đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm. Dự kiến đến hết năm 2023, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia của Quảng Ninh đạt 90,22%.

Cũng trong năm 2023, Quảng Ninh hoàn thành nhiều mục tiêu phát triển văn hóa, xã hội, con người của cả giai đoạn 2020-2025; đời sống nhân dân, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Tỉnh định hình rõ nét những giá trị cốt lõi, riêng có, giàu bản sắc văn hóa của tỉnh với đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”.

Quảng Ninh: Duy trì tăng trưởng 2 con số trong 8 năm liên tiếp

KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên) từng bước hoàn thiện đồng bộ về hạ tầng, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp

Công tác quy hoạch, đất đai, tài nguyên và môi trường, chuyển đổi số được thúc đẩy tăng cường. Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong vùng Đồng bằng sông Hồng hoàn thành phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành phê duyệt Kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh.

Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư đạt kết quả nổi bật. Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước lần thứ hai giữ vị trí đứng đầu cả 4 chỉ số quan trọng: PCI, PAR-Index, PAPI, SIPAS, 10 năm liền (từ năm 2013-2022) nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước, trong đó, 6 năm liên tiếp (từ 2017-2022) giữ vị trí quán quân chỉ số PCI.

Đây là sự đánh giá khách quan, niềm tin, sự ghi nhận của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp đối với những nỗ lực cải cách, đổi mới, sáng tạo không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương.

Với những kết quả quan trọng, nổi bật trong năm 2023 và nhìn lại nửa chặng đường triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cho rằng, với những chỉ số, chỉ tiêu, tiêu chí thống kê khoa học và minh chứng thực tiễn, có thể khẳng định, Quảng Ninh đã tận dụng tốt cơ hội, chủ động vượt qua các khó khăn, thách thức, đoàn kết, giữ vững sự ổn định, đổi mới và phát triển ngày càng bền vững, hiệu quả hơn.

Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khẳng định, trong sự kế thừa, đổi mới và phát triển, đến nay Quảng Ninh đã “vươn lên trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” với đà tăng trưởng 2 con số liên tục từ đầu nhiệm kỳ - ngay cả trong giai đoạn rất khó khăn dịch bệnh COVID-19 bùng phát, cùng với nhiều thành tựu to lớn, nhiều mặt nổi bật, mang tính tiên phong và đột phá.

Qua đó, góp phần đẩy mạnh đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng vào chất lượng phát triển, tạo đột phá trong chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại chủ yếu bằng nguồn lực xã hội hóa dựa trên nguyên tắc “đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối liên vùng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xanh hóa, lấy du lịch, dịch vụ làm mũi nhọn gắn với phát triển kinh tế biển, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Đổi mới toàn diện và hướng vào chất lượng phát triển thúc đẩy hình thành một cơ cấu xã hội tiến bộ theo hướng giảm nhanh người nghèo, gia tăng tầng lớp trung lưu, phát triển cân đối, hài hòa giữa nông thôn và đô thị gắn với xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy đô thị hóa và phát triển đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, không ngừng mở rộng phạm vi bao phủ và nâng cao chất lượng bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; phát huy văn hóa, xã hội, môi trường là nguồn lực, động lực cho phát triển bền vững.

 
Tác giả: Thái Bình