Theo Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đến nay, sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), tỉnh đã giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất ở cho 179 hộ, đất sản xuất cho 239 hộ đồng bào dân tộc thiểu sổ; hỗ trợ kết nối việc làm thành công cho 20.722 lao động; hỗ trợ đào tạo nghề cho 3.107 người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh; tạo điều kiện cho 30 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
72,81% số bản ở Sơn La có đường ô tô đến trung tâm nhờ Chương trình MTQG 1719. (Ảnh: CTV) |
Đến hết năm 2023, thu nhập bình quân của đồng bào dân tộc thiểu sổ trên địa bàn tỉnh Sơn La đạt 21,68 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm bình quân trên 3%/năm, hiện còn 14,41%; 97,55% số xã và 72,81% số bản có đường ô tô đến trung tâm; 72,1% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 94,6% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 97,5% số hộ đồng bào dân tộc thiểu sổ được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
Năm 2024, tổng vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình MTQG của tỉnh Sơn La là hơn 3.454 tỷ đồng. Trong đó, vốn năm 2023 chuyển nguồn sang là gần 1.192 tỷ đồng.
Theo ông Lường Văn Toán, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, đơn vị đang tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh Sơn La đề xuất, kiến nghị với Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh phát triển sản xuất, khai thác tiềm năng, lợi thế, đổi mới sáng tạo, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống đồng bào dân tộc thiểu sổ. Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo từ 4-5%/năm; có ít nhất 1 huyện được đưa ra khỏi danh sách huyện nghèo; mỗi năm giảm 4-5% hộ nghèo, hộ cận nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn, có 44% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu sổ đạt chuẩn nông thôn mới.