Tiêu điểm

Tên lửa phòng không tiên tiến NASAMS đang được lắp đặt tại Ukraine


Tập đoàn vũ khí Raytheon Technologies đã chuyển giao hai hệ thống phòng không tiên tiến NASAMS cho chính phủ Mỹ và chúng đang được lắp đặt tại Ukraine.

Một tên lửa AMRAAM-Extended Range được bắn từ bệ phóng NASAMS, tấn công và tiêu diệt thành công một mục tiêu giả trong cuộc thử nghiệm tại Trung tâm Vũ trụ Andoya ở Na Uy. Ảnh: Raytheon

Theo trang Defensenews, Giám đốc điều hành của Raytheon Technologies, ông Greg Hayes cho biết trên kênh CNBC ngày 25/10: "Chúng tôi vừa cung cấp hai hệ thống NASAMS... Chúng tôi đã giao hai hệ thống cho chính phủ vài tuần trước. Chúng đang được lắp đặt ở Ukraine".

"Đó là một hệ thống phòng không tầm ngắn và nó có thể bắn tên lửa không đối không tầm trung tiên tiến AIM-120, có thể hạ gục mọi thứ trên bầu trời, từ máy bay không người lái, tên lửa đạn đạo đến máy bay chiến đấu", ông Hayes nhấn mạnh.

Hệ thống NASAMS do Na Uy phát triển sẽ cung cấp khả năng phòng thủ tầm trung đến tầm xa chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga. Những đợt tấn công như vậy đã bắn phá nhiều cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine trong hai tuần qua, bao gồm cả lưới điện và các cơ sở nhiên liệu.

Sau đợt không kích ồ ạt của Nga trên khắp lãnh thổ Ukraine vào ngày 10/10, Mỹ đã cam kết cung cấp hai hệ thống NASAMS trong vòng vài tuần và sáu hệ thống nữa trong khung thời gian dài hơn. Các quan chức Lầu Năm Góc cho biết hệ thống NASAMS đầu tiên được họ mua nhanh chóng vì phần lớn hệ thống đã được sản xuất.

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một cuộc điện đàm vào tháng 10 này đã cam kết với Tổng thống Ukraine Volodomyr Zelensky sẽ xúc tiến chuyển giao nhanh NASAMS trong bối cảnh Nga liên tục tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái.

 

Một bệnh nhân đi ngang qua khoa phẫu thuật đã bị phá hủy trong bệnh viện ở Izium, Ukraine, vào ngày 17/9/2022. Ảnh AP

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết hôm 24/10, NASAMS dự kiến ​​sẽ được chuyển giao "trong vòng vài tuần tới" và Ukraine sẽ thông báo khi các hệ thống này tới và đi vào hoạt động.

Quân đội Mỹ sẽ "tiếp tục nỗ lực để đưa các hệ thống này đến Ukraine càng nhanh càng tốt", vị quan chức trên nói thêm.

Trong thông báo về tình hình tài chính quý 3 của Raytheon, ngày 25/10, ông Hayes cho biết công ty hy vọng sẽ nhận được nhiều đơn đặt hàng hệ thống phòng không NASAMS tiếp theo "trong thời gian ngắn" do nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm của công ty kể từ khi Nga tấn công Ukraine.

Ông Hayes nói: "Chúng tôi cũng nhận thấy nhu cầu đáng kể trên toàn cầu đối với các hệ thống phòng không tiên tiến, đặc biệt là ở Đông Âu, khi xung đột giữa Nga và Ukraine vẫn tiếp diễn".

Tới nay Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá hơn 17 tỷ USD cho Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu đưa quân vào nước láng giềng ngày 24/2.

NASAMS là một hệ thống phòng không đất đối tầm trung được thiết kế và phát triển bởi tập đoàn Raytheon của Mỹ và Kongsberg Defense & Aerospace của Na Uy.

NASAMS có thể được triển khai để xác định, tham gia và tiêu diệt máy bay, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV), cũng như bảo vệ các tài sản có giá trị cao và các trung tâm dân cư lớn trước các mối đe dọa không đối đất.

Hệ thống phòng không NASAMS có kiến ​​trúc mở, giúp tăng khả năng sống sót trước các biện pháp đối phó điện tử. Hệ thống tên lửa đất đối không này có thể tấn công đồng thời 72 mục tiêu ở chế độ chủ động và bị động.

Vũ khí chính của hệ thống là tên lửa AIM-120 AMRAAM. NASAMS có thể bắn các phiên bản của AMRAAM dẫn đường bằng radar, bao gồm dẫn xuất phạm vi mở rộng mới được tối ưu hóa để sử dụng trong các vai trò phóng từ mặt đất, cũng như tên lửa tầm nhiệt AIM-9X Sidewinder...

NASAMS được trang bị 3 bệ phóng đa nhiệm vụ, mỗi bệ mang tới sáu tên lửa. Nó có thể được chở trên xe tải hoặc xe bánh xích. Hệ thống có khả năng phòng thủ 360 độ, thích hợp cho các hoạt động trong cả ngày lẫn đêm, dưới mọi điều kiện thời tiết.

Tác giả: Thu Hằng (Theo Defensenews)
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật