Tiêu điểm

Thế và lực của Hà Nội trước kỷ nguyên mới


Đất nước đang đứng trước cánh cửa lịch sử để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. TP Hà Nội với vai trò đầu tàu đang thể hiện khát vọng lớn lao và sự tự tin mạnh mẽ vượt qua khó khăn, thách thức để cùng đất nước hướng tới mục tiêu phát triển giàu mạnh, thịnh vượng, mọi người dân ấm no, hạnh phúc trong kỷ nguyên mới.

Nhiều bước đi đột phá, đổi mới, sáng tạo

Trong Chiêu Dời đô năm 1010 của vua Lý Thái Tô đúc kết: Thành Đại La là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời. Từ tầm nhìn mang tính chiến lược, "khai sinh" ra kinh đô Thăng Long, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, thời đại, Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội luôn tạo ra những dấu ấn, kỳ tích trên mặt trận chống giặc ngoại xâm, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc.

Hà Nội là nơi đi đầu trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc với khởi nghĩa 19/8/1945 mở đầu phong trào giành chính quyền về tay Nhân dân và lan khắp cả nước dẫn đến sự kiện ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Giai đoạn 1955 - 1975, Hà Nội vừa tiến hành công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa là hậu phương vững chắc trong hành trình đấu tranh thống nhất đất nước. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu thực hiện mô hình kinh tế mới (hợp tác xã, công nghiệp nặng, công nghiệp tiêu dùng) và cũng là Thủ đô duy nhất đánh tan pháo đài bay B52 của không lực Hoa Kỳ, tạo nên trận "Điện Điên Phủ trên không" năm 1972, buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris năm 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, mở đường tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975.

Thế và lực của Hà Nội trước kỷ nguyên mới

Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo TP Hà Nội

Bước vào thời kỳ đổi mới, đặc biệt, năm 2008, Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô đã có những bước đi đột phá, đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển toàn diện, bền vững.

Nổi bật, TP đã tập trung phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; phát triển hệ sinh thái học tập sáng tạo, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. TP cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Hà Nội đang tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng số cho người dân xây dựng xã hội số, xã hội thông minh.

Hà Nội cũng là điển hình trong cải cách tổ chức bộ máy, thúc đẩy tư duy sáng tạo, đột phá của đội ngũ cán bộ các cấp. Đảng bộ TP tiếp tục là đơn vị gương mẫu đi đầu trong việc đổi mới, sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương.

Trong thời gian qua, thực hiện tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Hà Nội đã giảm 2 đảng ủy khối, 1 cơ quan tương đương sở; 3 đơn vị sự nghiệp thuộc TP, 8 chi cục và 62 đầu mối thuộc chi cục thuộc sở, 41 đầu mối cấp phòng; giảm 174 đơn vị sự nghiệp cấp 2; tinh giản biên chế giảm 1.820 công chức; 12.890 biên chế sự nghiệp. Tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị từ TP đến cơ sở sau sắp xếp đã theo hướng đồng bộ, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng lên rõ rệt.

Đáng chú ý, để chống lãng phí, tạo nguồn lực cho phát triển, thực hiện các chỉ đạo của Trung ương, TP Hà Nội đã tập trung rà soát, lập danh mục 829 dự án chậm triển khai; ra quyết định thu hồi 8 dự án lớn không đưa đất vào sử dụng, để hoang hóa, lãng phí với diện tích 258,9 ha.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên của cả nước thành lập Ban Chi đạo về thực hiện các biện pháp phòng, chống lãng phí do đồng chí Chủ tịch UBND TP làm Trưởng ban. Ngay sau khi thành lập, Ban Chỉ đạo đã kiểm tra, xử lý và chỉ đạo các tổ chức liên quan khẩn trương hoàn thành một số công trình đang bị chậm, lãng phí để đưa ngay vào phục vụ Nhân dân. Điều này cũng thể hiện tinh thần gương mẫu, đi đầu của TP Hà Nội.

Thế và lực của Hà Nội trước kỷ nguyên mới

Hệ thống hạ tầng giao thông Thủ đô đem lại diện mạo mới cho đô thị Hà Nội

Những bước đi đột phá, có nhiều đổi mới sáng tạo đã góp phần quan trọng giữ vững, phát huy vị thế, vai trò của Thủ đô Hà Nội là trái tim cả nước, là một trong 17 đô thị lớn nhất thế giới với diện mạo ngày càng năng động, sáng tạo, thấm đẫm giá trị văn hóa lịch sử trường tồn của đất Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội ngàn năm văn hiến.

Cơ hội lịch sử vươn mình cùng dân tộc

Hà Nội hôm nay rạng rỡ và ngày càng vươn mình phát triển lớn mạnh. Năm 2024, tổng sản phẩm nội địa (GRDP) của TP tăng 6,52%, cao hơn so với năm 2023. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 511.928 tỷ đồng, đạt 125,3% dự toán, chiếm tỷ trọng 23,3% cả nước; trong đó thu nội địa 481.502 tỷ, đạt 126,2% dự toán, chiếm tỷ trọng 28,2% cả nước. Thu hút vốn FDI đạt 2,2 tỷ USD, tiếp tục khẳng định Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Và rất đáng tự hào khi Hà Nội là Thủ đô đầu tiên của khu vực Đông Nam Á được UNESCO ghi danh vào "Mạng lưới Thành phố sáng tạo" toàn cầu năm 2019.

Rõ ràng, với thế và lực sau gần 40 năm đổi mới, với thời cơ, vận hội mới, Thủ đô Hà Nội đang đứng trước cơ hội lịch sử để cùng cả nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tình hình mới cũng tiếp tục đặt ra cho Thủ đô Hà Nội không ít cơ hội rộng mở và thách thức mới đòi hỏi TP phải vượt qua, tận dụng cơ hội để tiếp tục phát triển, thực sự đóng vai trò là động lực, khởi tạo và dẫn dắt sự phát triển của Vùng và của cả nước.

Trên cơ sở đó, TP Hà Nội xác định tiếp tục đổi mới tư duy và hành động phát huy sức sáng tạo của các cấp, ngành; phát huy mọi tiềm năng, nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, đô thị, văn hóa, xã hội...

Trong đó, triển khai hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được ban hành; triển khai thi hành Luật Thủ đô 2024 và phát huy hiệu quả cơ chế, chính sách vượt trội, đặc thù trong thực tiễn.

Cùng với đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án lớn của Thành ủy trong đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; tăng cường kết nối vùng; phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; triển khai các dự án giao thông lớn, hạ tầng đô thị...

Đặc biệt chú trọng phát triển văn hóa gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh; phát huy giá trị các làng nghề mang nét đặc trưng của Thủ đô... Đồng thời, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, chuyển đổi số, thúc đẩy hội nhập quốc tế...

Một góc Hà Nội

Một góc Hà Nội

Trong các nhiệm vụ đặt ra trong thời gian tới, Hà Nội cũng dự kiến tiếp tục tập trung quyết liệt xử lý các vấn đề về môi trường, đầu tư phát triển hạ tầng giao thông. Hà Nội định hướng phát triển theo 5 trục không gian chính, gồm trục sông Hồng, trục Hồ Tây - Ba Vì, trục Hồ Tây - Cổ Loa, trục Nhật Tân - Nội Bài và trục Nam Hà Nội, trong đó trục sông Hồng là trục trung tâm quan trọng nhất, thể hiện bước đột phá có tính chiến lược chưa từng có...

Trong một cuộc làm với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội năm 2024, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, Hà Nội cần phải nhận thức đầy đủ, đúng đắn và sâu sắc hơn nữa tiềm năng, lợi thế vượt trội, vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng của Thủ đô Hà Nội trong sự nghiệp đổi mới, phát huy truyền thống văn hiến và anh hùng, vị thế đặc biệt quan trọng của Thủ đô đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Đồng thời nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm đề đưa Hà Nội phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành TP tiêu biểu của cả nước về các mặt.

"Phát triển nhanh, bền vững, kết hợp hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, bảo vệ mỗi trường; an ninh an toàn và hạnh phúc của Nhân dân với triết lý phát triển của Thủ đô dựa trên 5 trụ cột: Văn hóa và con người; 3 chuyển đổi (chuyển đổi xanh. chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao: kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo" - Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ.

Những định hướng lớn này chính là cơ sở để TP Hà Nội tiếp tục vận dụng, cụ thể hóa vào các chương trình, kế hoạch công tác, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống chính trị thời gian tới, thực hiện tốt nhất những mục tiêu chiến lược trong phát triển nhanh và bền vững.

 

 

Link bài gốc Copy link
 
Tác giả: Hạnh Nguyên