Tiêu điểm

Tổng thống Pháp hé lộ kế hoạch đầy tham vọng để làm 'sống lại' nền kinh tế châu Âu


Tổng thống Pháp Macron cho rằng việc mua bán và sát nhập các ngân hàng xuyên biên giới trong châu Âu sẽ làm "sống lại" nền kinh tế của khu vực này.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ sẵn sàng cho phép một ngân hàng lớn của Pháp bị các “đối thủ” trong Liên minh châu Âu (EU) tiếp quản, nhằm thúc đẩy sự hội nhập tài chính sâu sắc hơn, thứ mà ông coi là điều mấu chốt đối với sự thịnh vượng trong tương lai của khối.

“Giao dịch với tư cách là người châu Âu đồng nghĩa là bạn cần sát nhập với tư cách là người châu Âu”, ông Macron nói trong một cuộc phỏng vấn với Tổng biên tập báo Bloomberg ông John Micklethwait bên lề hội nghị thượng đỉnh đầu tư ở Versailles (Pháp). Ông nói: “Bây giờ chúng ta phải mở rộng cơ hội và đưa ra cách tiếp cận thị trường chung hiệu quả hơn nhiều.”

Tổng thống Pháp hé lộ kế hoạch đầy tham vọng để làm 'sống lại' nền kinh tế châu Âu

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong buổi phỏng vấn vừa qua. Nguồn ảnh: Bloomberg

Khi châu Âu phải đối mặt với chiến sự Nga - Ukraine và sự suy thoái của hệ thống thương mại toàn cầu, ông Macron đang cố gắng thuyết phục các đối tác EU chấp nhận một chương trình cải cách mang tính chuyển đổi, nhằm biến EU thành một lực lượng kinh tế thống nhất và hùng mạnh hơn. Ông lập luận rằng chỉ bằng cách bảo vệ lợi ích của mình, cắt giảm các quy định trong thị trường chung và giải phóng “hỏa lực” tài chính của khối, EU mới có cơ hội đối đầu với Trung Quốc và Mỹ.

Được biết, Pháp là quê hương của nhiều ngân hàng lớn nhất trong khu vực đồng Euro, trong đó bao gồm BNP Paribas SA, với bảng cân đối kế toán trị giá 2,7 nghìn tỷ euro, đủ ngang bằng với GDP của một số quốc gia trên thế giới. Tuy vậy, đại diện ngân hàng này gần đây đã nói rằng họ không có khả năng để thực hiện các hoạt động sáp nhập xuyên biên giới.

Ông Macron nói: “Chúng tôi cần một sự hợp nhất để BNP có thể mua lại các đối thủ cạnh tranh nhỏ hơn”. Khi được hỏi liệu điều đó có thể bao gồm cả việc các đối thủ châu Âu mua lại một công ty cho vay của Pháp như Societe Generale SA hay không, ông nói: “Chắc chắn là có”.

Lý do chính cho vấn đề tài chính gần đây của EU bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi đó, chính phủ của các nước trong khối phải vào cuộc và giải cứu các ngân hàng trung ương, làm bộc lộ những rạn nứt trên thị trường châu Âu. Các nhà lãnh đạo trong khu vực đã đạt được một số tiến bộ trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công sau đó, bằng cách trao quyền giám sát cho Ngân hàng Trung ương châu Âu, và thành lập một cơ quan chung để giải quyết các khoản cho vay thất bại.

Nhưng mảnh ghép cuối cùng của giấc mơ “liên minh ngân hàng châu Âu” của ông Macron – bảo hiểm tiền gửi chung – vẫn còn thiếu. Đức và các quốc gia khác đã ngăn chặn các nỗ lực của Tổng thống Pháp, cho rằng những người gửi tiết kiệm ở nước họ không nên gánh chịu tổn thất tại các ngân hàng ở các nước khác. Các chủ ngân hàng trong khối cũng nói rằng điều này sẽ cản trở việc sáp nhập xuyên biên giới trong khối, vì tiền ở một quốc gia có thể không an toàn như tiền ở quốc gia khác. Ngoài ra, các quốc gia thành viên trong EU cũng không muốn chứng kiến các công ty của mình bị các đối thủ lớn hơn mua lại, ngay cả khi điều đó giúp tăng thêm sức mạnh cho toàn bộ nền kinh tế châu Âu.

Đặc biệt, tham vọng của ông Macron đang bị “dập tắt” tại Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, và nơi từng là đồng minh tin cậy của vị tổng thống Pháp. Còn nhớ trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, khi bà Angela Merkel còn là Thủ tướng Đức, ông Macron đã thuyết phục Đức dần chuyển sang các chính sách kinh tế kiểu Pháp, trong đó nhà nước đóng vai trò lớn hơn trong nền kinh tế. Đặc biệt, bà Merkel cũng đã chấp nhận đề xuất của ông Macron về việc triển khai một chương trình nợ chung quy mô lớn, nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế lâu dài sau đại dịch Covid-19.

Nhưng kể từ khi nhậm chức Thủ tướng Đức vào năm 2021, ông Olaf Scholz đã từ chối hưởng ứng lời kêu gọi của ông Macron và đồng minh trong khối để thảo luận về một đợt phát hành trái phiếu chung, nhằm xây dựng năng lực quân sự của châu Âu. Phát biểu với Bloomberg vào tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho rằng đối với ông, việc các quốc gia EU tiếp tục chịu trách nhiệm về ngân sách của mình sẽ hợp lý về mặt kinh tế hơn.

Mặc dù thế, ông Macron đang đánh cược rằng, một khi áp lực kinh tế và địa chính trị tại châu Âu tiếp tục gia tăng, lợi ích rõ ràng từ kế hoạch của ông sẽ khiến nước Đức đổi ý. Phát biểu với tờ Bloomberg, ông nói: “Lợi ích của kinh tế Đức hoàn toàn phù hợp với lợi ích của kinh tế Pháp, nghĩa là không chỉ tạo thêm việc làm và các giá trị tài chính, mà còn là bảo vệ doanh nghiệp và người dân khi họ bị tấn công bởi các biện pháp kinh tế không công bằng. Và đó là điều bình thường, đó là một phần của công việc kinh doanh. Đối với tôi, đó là điều không cần bàn cãi.”

 

 

 
Tác giả: Phú Quý (theo Bloomberg)
Bài viết liên quan