Tiêu điểm

Tránh để ngành sản xuất trong nước suy giảm kéo dài


Chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng cao, chỉ số tiêu thụ giảm mạnh ở một số địa phương trọng điểm về sản xuất đang là điều đáng lưu tâm. Mối lo ngành sản xuất trong nước suy giảm kéo dài khi nhìn vào chỉ số PMI tháng 5/2023 để thấy rất cần kíp có thêm những giải pháp căn cơ hơn nhằm cứu vãn tình hình và thích ứng với thị trường bất định. 

Ở Tp.HCM, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong tháng 5/2023 ước tính tăng 4% so với tháng trước. Không những vậy, nếu tính chung trong 5 tháng đầu năm nay thì chỉ số này đã tăng đến 11,6% so với cùng kỳ năm 2022. 

Mối lo từ chỉ số tồn kho tăng cao

Trong đó, một số ngành tại Tp.HCM có chỉ số tồn kho tăng cao như: Sản xuất phương tiện vận tải khác tăng đến 93,3%; sản xuất kim loại tăng 87,0%; in, sao chép bản ghi các loại tăng 55,9%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 53,2%.

-7854-1685613609.png

Một số địa phương trọng điểm về sản xuất đang đối mặt với chỉ số hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao.

Còn ở “thủ phủ sản xuất công nghiệp” Đồng Nai, trong tháng 5/2023, chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng khoảng 5% so với tháng trước. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng khá cao như: sản xuất chế biến thực phẩm tăng hơn 56%; sản xuất đồ uống tăng gần 149%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng gần 20%; ngành dệt tăng gần 8%...

Tại tỉnh Bình Phước - một địa phương “mới nổi” ở vùng Đông Nam Bộ về đầu tư và sản xuất công nghiệp, theo số liệu thống kê trong tháng 5/2023, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 5/2023 tăng 1,99% so với tháng trước, nhưng giảm đến 59,82% so với cùng kỳ năm trước. 

Trong đó, một số ngành sản xuất ở tỉnh này có chỉ số tiêu thụ giảm mạnh như: Sản xuất trang phục giảm 81,69%; Sản xuất xe có động cơ giảm 64,02%; Sản xuất giường, tủ, bàn, ghế giảm 57,44%...

Từ chỉ số tồn kho còn tăng cao và chỉ số tiêu thụ giảm như vậy ở một số địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để thấy đầu ra sản phẩm của các doanh nghiệp (DN) sản xuất vẫn còn đầy rẫy khó khăn. 

Báo cáo mới công bố của S&P Global về chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 5/2023 cũng thể hiện rõ sự sa sút này. Cụ thể, chỉ số PMI đã giảm xuống còn 45,3 so với mức 46,7 hồi tháng 4/2023.

Đây là tháng thứ ba liên tiếp, các điều kiện kinh doanh ghi nhận suy giảm. Hơn nữa, mức giảm lần này tương đối mạnh kể từ tháng 9/2021. Đến nỗi, ông Andrew Harker, Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, đã lưu ý số lượng đơn đặt hàng mới giảm mạnh trong tháng 5/2023 là nguyên nhân dẫn đến lo ngại rằng ngành sản xuất của Việt Nam có thể trải qua thời kỳ suy giảm kéo dài chứ không phải chỉ là một giai đoạn giảm tạm thời.

Trước nhận định như vậy, nhiều vấn đề đặt ra là cần có giải pháp để tránh cho ngành sản xuất Việt suy giảm kéo dài và nên làm như thế nào để tăng sức tiêu thụ trong nước, thúc đẩy xuất khẩu, gỡ khó về hàng tồn kho, về đầu ra sản phẩm cho các DN sản xuất? Và bản thân các nhà sản xuất và xuất khẩu nên có những hành động cụ thể gì để cứu vãn tình hình?

Thích ứng với thị trường bất định

Ở góc độ DN lớn trong ngành dệt may, tại đại hội cổ đông hôm 31/5, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) có đưa ra giải pháp là cần bám sát diễn biến thị trường để có biện pháp phù hợp thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh trong năm nay, củng cố hệ thống quản trị rủi ro và giám sát đặc biệt.

Cho rằng thị trường xấu có thể kéo dài tới năm 2024, Chủ tịch HĐQT Vinatex Lê Tiến Trường nhấn mạnh một trong những mục tiêu xuyên suốt trong điều hành là liên tục dự báo và đưa ra giải pháp thích ứng với thị trường bất định, trong đó chú trọng các giải pháp bảo tồn nguồn lực DN vượt qua năm kinh doanh có nhiều khó khăn.

Và điều không thể thiếu, theo ông Trường, đó là tham gia vào chuỗi cung ứng với vị thế vững chắc, là đối tác ưu tiên của các nhà sản xuất – phân phối lớn trên thế giới. Đây là giải pháp dài hạn xây dựng niềm tin trên cơ sở thực lực của DN, năng lực đem lại hiệu quả tối ưu cho toàn chuỗi.

Riêng về vai trò của cơ quan quản lý và khâu chính sách trong việc tránh kéo dài tình trạng suy giảm sản xuất cũng như gỡ khó về đầu ra cho DN, trao đổi với VnBusiness, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng, cơ quan xúc tiến thương mại cần theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu để hỗ trợ DN trong nước khai thác. Nhất là cần chủ động tạo mọi điều kiện cho DN tiếp cận các kênh thông tin về xuất khẩu nhằm tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ mới.

Bên cạnh đó, theo ông Dũng, những nỗ lực tạo thuận lợi thương mại, đơn giản hóa các chính sách và thủ tục, cải cách các hoạt động kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp giảm chi phí, giảm thời gian thông quan sẽ được cộng đồng DN đánh giá rất cao trong lúc khó khăn như thế này. 

Với thị trường tiêu thụ nội địa, chuyên gia này khuyến nghị cần phải tạo nguồn thu cho người dân, từ đó mới có thể tăng sức mua. Và không có cách nào bền vững hơn là tạo công ăn việc làm tốt cho người dân. Để tạo công ăn việc làm tốt đòi hỏi phải đào tạo và chuyển đổi ngành nghề cho họ. 

Như với những công nhân đang chịu cảnh thất nghiệp khi hàng loạt công ty “đói” đơn hàng, chuyên gia Nguyễn Hoàng Dũng cho rằng phải sớm có những chương trình đào tạo miễn phí hoặc là mức phí rất rẻ để họ có nghề mới nặng về kỹ năng tay nghề hơn nhằm thích ứng với những lĩnh vực sản xuất kinh doanh mới.

“Một khi giải quyết càng sớm một cách căn cơ đối với vấn đề việc làm và tạo ra nguồn thu ổn định cho người dân, công nhân thì sẽ tăng được sức mua, hàng hóa của DN sản xuất ra sẽ không còn phải lo cảnh tồn kho triền miên”, ông Dũng phân tích.

                                                                                 Thế Vinh