Tiêu điểm

Trở lại Hà Nội: Người chấp nhận bị nhồi nhét, người chọn đi xe máy


Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, hầu hết nhà xe đều báo hết vé vì đã có khách đặt từ trước. Nhiều người dân chấp nhận bị nhồi nhét trên xe khách, còn một số người khác chọn di chuyển bằng xe máy để kịp quay trở lại Hà Nội.

Vợ chồng chị Đ.T.T.H từ thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai đến huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thăm họ hàng vào mùng 4 và mùng 5 Tết Âm lịch. Mùng 6 Tết Âm lịch, chị H gọi đặt xe để kịp trở về Hà Nội đi làm. Thế nhưng, hầu hết nhà xe chị thường chọn di chuyển đều báo "hết vé".

"Mặc dù biết sẽ có đông người về Hà Nội trong mấy ngày gần đây nhưng tôi không nghĩ là sẽ "cháy" vé đến vậy. Dù lúc gọi đặt vé, tôi đã cố gắng hỏi nhà xe xem có giờ khác còn vé hay không nhưng vẫn không còn bất kỳ một chiếc vé nào ở tất cả múi giờ cùng ngày. Tôi gọi đến 3 nhà xe vẫn cùng một câu trả lời như vậy" - chị H kể. 

Bất đắc dĩ, chị đành phải di chuyển bằng taxi từ huyện Văn Yên ra Trạm dừng nghỉ Km 171 nằm trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai để bắt xe khách. Sau khoảng gần 30 phút chờ đợi, vợ chồng chị H cũng lên được chiếc xe khách "toàn người là người".  

Chuyến xe từ Yên Bái về Hà Nội vợ chồng chị H di chuyển đông nghịt người. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Vợ chồng chị H đi trên chuyến xe từ Yên Bái về Hà Nội đông nghịt người. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị H bày tỏ: "Đông khách đến nỗi không còn chỗ ngồi, vợ chồng tôi phải ngồi tạm ở một góc ngay sau tài xế để chờ khách khác xuống trước. Chúng tôi phải ngồi chờ 20 phút sau mới có chỗ để vào ngồi".

Không chỉ vậy, tổng số tiền chị H phải chi trả cho việc di chuyển từ huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đến Hà Nội cho 2 vợ chồng là 560.000 đồng, trong đó: Tiền taxi hết 200.000 đồng, tiền vé cho 2 người lớn là 360.000 đồng. Chi phí trên chưa tính tiền di chuyển từ bến xe Mỹ Đình về đến phòng trọ.

Vợ chồng chị H phải ngồi tạm sau lái, chờ khách xuống trước ngồi chỗ sau. Ảnh: Nhân vật cung cấp. Vợ chồng chị H phải ngồi tạm sau lái, chờ khách xuống trước mới có chỗ ngồi. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Nếu là ngày thường, đi 2 người chỉ mất khoảng 300.000 đồng. Đi lại những ngày này vừa tốn kém tiền bạc, vừa rất mệt. Nhưng ngày Tết thì đành phải chấp nhận, không biết phải làm sao" - chị H cho hay. 

Đã dự đoán trước dịp này sẽ có rất nhiều người đi du lịch, thăm họ hàng, đi học, đi làm... nên chị Nguyễn Thu Hằng (Tam Nông, Phú Thọ) đã chủ động di chuyển bằng xe máy về quê. Đồng thời, khi quay lại Hà Nội, chị Hằng không phải rơi vào cảnh chen chúc trên các tuyến xe khách.

Tết năm nay, chị Hằng được nghỉ đến hết mùng 6 Âm lịch. Tuy nhiên, chị Hằng lại có lịch đi thăm họ hàng vào mùng 7 và mùng 8 Tết Âm lịch.

Nhớ lại năm ngoái, phải ngồi gần 4 tiếng đồng hồ bằng ghế nhựa trên xe khách từ bến xe Mỹ Đình (Hà Nội) đến xã Bắc Sơn (huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ), chị Hằng vẫn còn ám ảnh. Do vậy, năm nay, chị Hằng quyết định di chuyển về quê bằng xe máy. Vượt hơn 90km, nếu đi với tốc độ bình thường thì chỉ mất khoảng gần 3 giờ đồng hồ là chị Hằng đã về đến nhà.

Nhiều người quyết định di chuyển bằng xe máy để tránh cảnh chen chúc trên đường quay lại Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh. Nhiều người quyết định di chuyển bằng xe máy để tránh cảnh chen chúc trên đường quay lại Hà Nội. Ảnh: Lương Hạnh

"Khi lái xe đường dài nên phân bổ thời gian hợp lý để nghỉ ngơi. Không nên lái xe liên tục trong thời gian dài. Nhiều khi buồn ngủ quá, tôi phải dừng lại, tấp xe vào nơi an toàn hay các quán nước để nghỉ ngơi tầm 15 - 20 phút rồi tiếp tục di chuyển" - chị Hằng tâm sự .

Tác giả: Lương Hạnh
Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật