Lực lượng chức năng kiểm tra cây xăng vi phạm
Theo Tổng cục QLTT, các vụ việc vi phạm liên quan đến kinh doanh xăng dầu vẫn có diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, đặc biệt ở các tỉnh phía Nam.
Mới đây, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang tổ chức kiểm tra đột xuất đối với 1 doanh nghiệp xăng dầu tại thị xã Gò Công, tỉnh Tiền Giang. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện cửa hàng đang hoạt động kinh doanh xăng dầu không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu do đã bị Sở Công Thương thu hồi trước đó.
Sau khi lập Biên bản vi phạm hành chính, hoàn chỉnh hồ sơ, Cục trưởng Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với doanh nghiệp nêu trên về hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thu hồi Giấy phép kinh doanh xăng dầu. Tổng mức tiền phạt, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp trên 80 triệu.
Tương tự, từ tin báo của người dân, Đội QLTT số 2 (Cục QLTT tỉnh Bình Thuận)đã kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính đối với DNTN Thương mại Ngọc H. 70 triệu đồng về các hành vi: Kinh doanh xăng dầu khi Giấy phép kinh doanh xăng dầu được cấp đã hết hiệu lực và không đăng ký hệ thống phân phối với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định.
Đáng chú ý, doanh nghiệp này khi bị kiểm tra đã không hợp tác làm việc với đoàn kiểm tra, nhưng bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã xác định được hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Tại Hà Tĩnh, từ đầu năm đến nay, lực lượng QLTT đã kiểm tra 10 trường hợp kinh doanh xăng dầu, trong đó có 4 trường hợp vi phạm về các hành vi như: Sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy theo quy định; Không ghi tên thương nhân phân phối xăng dầu cung cấp xăng dầu trên biển hiệu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu; Không ghi rõ thời gian bán hàng tại khu vực bán hàng theo quy định…
Điển hình nhất trong các vụ việc vi phạm về kinh doanh xăng dầu là trường hợp của Công ty Cổ phần Sao Mai Sài Gòn khi bán gần 15.000 lít xăng RON95 không đảm bảo chất lượng, có thể gây hại cho phương tiện và thiệt hại cho người tiêu dùng.
Kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Hoạt động bất thường nào trên thị trường xăng dầu cũng có thể ảnh hưởng đến thị trường hàng hóa khác và người tiêu dùng.
Thời gian qua, nhiều cửa hàng xăng dầu vi phạm đã bị xử phạt hành chính, thậm chí rút giấy phép.
Đối với người tiêu dùng, gian dối trong kinh doanh xăng dầu liên quan đến chất lượng, đo lường, giá bán sẽ gây bức xúc trong dư luận.