Phát ngôn viên của WHO, Margaret Harris, đã đưa ra ý kiến trên. Lý do là hiện tại không chắc chắn liệu việc tiêm chủng có ngăn ngừa sự lây lan của virus SARS-CoV-2 hay không, cũng như những lo ngại về sự công bằng.
Bà Margaret Harris cho biết: “WHO không muốn xem hộ chiếu vắc-xin như một yêu cầu nhập cảnh hoặc xuất cảnh ở thời điểm hiện tại vì chúng tôi không chắc chắn rằng vắc-xin ngăn ngừa lây lan bệnh ở giai đoạn này”.
“Ngoài ra, còn có câu hỏi về sự phân biệt đối xử với những người không có khả năng chủng ngừa vì lý do này hay lý do khác”, bà Harris nói trong một cuộc họp báo của Liên hợp quốc.
Một số nước tính tới việc cấp hộ chiếu vắc-xin (xác nhận đã tiêm chủng) cho công dân.
Hiện WHO dự kiến xem xét các vắc-xin ngừa Covid-19 của Trung Quốc gồm Sinopharm và Sinovac để đưa vào danh sách có thể sử dụng khẩn cấp vào khoảng cuối tháng 4.
“Việc này không đến nhanh như mong đợi vì chúng tôi cần thêm dữ liệu” bà Harris nói. Người phát ngôn của WHO từ chối cung cấp thêm thông tin với lý do bảo mật.
Tháng trước, Tổng Giám đốc WHO, Tedros Adhanom Ghebreyesus, đã kêu gọi các quốc gia có nguồn cung vắc-xin dư thừa tài trợ khẩn cấp 10 triệu liều cho cơ chế Covax.
Việc hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ khiến chương trình chia sẻ vắc-xin thiếu nguồn cung cấp dược phẩm của AstraZeneca do Viện Huyết thanh của Ấn Độ sản xuất.
Covax Facility là cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vắc-xin ngừa Covid-19”. Covax được thiết lập nhằm đảm bảo cho các quốc gia được tiếp cận công bằng với vắc-xin Covid-19. Hiện Covax có 92 thành viên.