Tiêu điểm

‘Thấp thỏm’ xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc các tháng cuối năm


Những nhận định mới nhất cho thấy, tình hình kinh tế Trung Quốc sau khi mở cửa trở lại vẫn đang đối mặt với tình trạng giảm phát, nhu cầu tiêu dùng suy yếu. Điều đó khiến cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường chủ lực này càng thêm “thấp thỏm” trong các tháng cuối năm, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu cần theo dõi sát sao để có đối sách phù hợp, tránh những hệ lụy tiêu cực. 

Trên tờ Economist (một ấn bản uy tín của Anh chuyên về kinh tế quốc tế) vào hạ tuần tháng 8/2023 có cho biết, chỉ mới 8 tháng trước, nền kinh tế Trung Quốc được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại. Tuy nhiên, sự phục hồi đã thất bại, dẫn đến tăng trưởng yếu và giảm phát.

Mối lo suy yếu nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc

Ấn bản này có lưu ý các hộ gia đình và công ty Trung Quốc sẽ mua ít hàng hóa và dịch vụ hơn mức họ có thể mua, gây ra hậu quả cho cả nhà sản xuất hàng hóa và những người tiêu dùng khác. 

-4282-1692958235.png

Các DN xuất khẩu rau quả cần thận trọng, theo dõi sát sao tình hình thị trường Trung Quốc trong các tháng cuối năm để tránh các tác động tiêu cực.

Từ thông tin nêu trên, có không ít ý kiến băn khoăn là khi kinh tế Trung Quốc giảm phát, giảm nhu cầu hàng hóa thì những quốc gia xuất khẩu (XK) nhiều hàng sang nước này sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có Việt Nam, và những doanh nghiệp (DN) XK phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc sẽ gặp khó khăn.

Còn trong cập nhật mới nhất về tình hình kinh tế Trung Quốc vào tháng 8/2023, Bộ phận phân tích thuộc Công ty chứng khoán Mirae Asset có cho biết, Trung Quốc đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi mở cửa trở lại, bao gồm tiêu dùng suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp cao và khủng hoảng bất động sản ngày càng nghiêm trọng.

Như hồi tháng 7/2023, các chỉ số kinh tế cho thấy nước này đang gặp nhiều khó khăn. Chẳng hạn như tăng trưởng doanh số bán lẻ giảm tốc, trong khi dữ liệu lạm phát cho thấy nguy cơ giảm phát. 

Về rủi ro cần lưu ý, theo chuyên gia phân tích của Mirae Asset, sự suy yếu của nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu, từ đó gây áp lực đối với hoạt động thương mại và sản xuất của Việt Nam. Thêm vào đó, một số ngành sản xuất, XK chủ lực của Việt Nam phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ chịu tác động tiêu cực từ nền kinh tế chậm lại của nước này.

Cần lưu ý, Trung Quốc hiện là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, chiếm 16% tổng kim ngạch XK của Việt Nam. Tính chung trong 7 tháng đầu năm nay, XK sang Trung Quốc tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước, là điểm sáng trong khi các thị trường XK khác sụt giảm so với cùng kỳ.

Một số mặt hàng XK chính sang Trung Quốc trong 7 tháng qua có mức tăng trưởng ấn tượng như máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện (tăng 13,6%), rau quả (tăng 127,3%).

Trong khi đó, thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan về tình hình XK hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường vào nửa đầu tháng 8/2023 cho thấy đạt 28,65 tỷ USD, giảm 3,5% (tương ứng giảm 1,03 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 7/2023. Tuy nhiên thống kê này lại không có cập nhật rõ về tình hình XK của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc vào nửa đầu tháng 8 tăng giảm như thế nào.

Doanh nghiệp cần thận trọng

Xét về tỷ trọng hàng XK của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay sẽ thấy, chiếm tỷ lệ cao nhất là máy tính và linh kiện (25%), tiếp đến là điện thoại các loại và linh kiện (23%). Ngoài ra, phải kể thêm đến các nhóm hàng khác cũng chiếm tỷ trọng đáng kể như rau quả, máy móc thiết bị dụng cụ, cao su, xơ sợi dệt các loại, thủy hải sản, dệt may, giày dép, các sản phẩm từ sắn, gỗ và sản phẩm gỗ…

Tuy nhiên, ngoại trừ các nhóm hàng XK như máy tính và linh kiện, rau quả, giày dép có mức tăng trước tốt trong 7 tháng qua khi xuất vào Trung Quốc thì các nhóm hàng chủ lực còn lại đều tăng trưởng âm. Điển hình như thủy sản đã sụt giảm kim ngạch đến 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Hay như nhóm hàng xơ sợi dệt các loại giảm đến 30,5%, nhóm hàng cao su giảm 39,1%, nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ giảm 25,3%...

Nhìn vào những số liệu như vậy để thấy trước nhận định không mấy khả quan về tình hình kinh tế Trung Quốc hiện nay thì hoạt động XK của Việt Nam vào thị trường này trong các tháng cuối năm sẽ còn đầy thấp thỏm. Và lo nhất là các DN sẽ khó tăng tốc XK như kỳ vọng, đặc biệt là với những DN tập trung chủ yếu cho XK vào Trung Quốc.

Đơn cử như các DN trong mảng XK cá tra thuộc nhóm ngành thủy sản. Ông Ong Hàng Văn, Phó tổng giám đốc Công ty thủy sản Trường Giang (tỉnh Đồng Tháp), cho biết Trung Quốc là một trong những thị trường giảm sâu với tiêu thụ cá tra. Điều này khiến cho lượng tồn kho của DN cá tra còn rất lớn, cá dưới ao cũng còn nhiều.

Số liệu cho thấy 7 tháng đầu năm nay, XK cá tra sang Trung Quốc và Hồng Kông đạt 337 triệu USD, giảm đến 58% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện thị trường này đang chiếm tỷ trọng 32% trong tổng kim ngạch XK cá tra của Việt Nam. Các DN ngành hàng cá tra vẫn hy vọng “lội ngược dòng” về kim ngạch XK vào Trung Quốc trong các tháng cuối năm, thế nhưng trước dự báo nhu cầu tiêu thụ sụt giảm do kinh tế khó khăn thì xem ra để cải thiện tình hình là cả thách thức lớn.

Hoặc như XK rau quả, tuy từ đầu năm đến nay có tăng trưởng khá cao khi vào Trung Quốc (đạt gần 2 tỷ USD, tăng tới 127,3% so với cùng kỳ năm 2022), nhưng để giữ được đà tăng trưởng như vậy trong các tháng cuối năm cũng sẽ là một dấu hỏi lớn.

Nên biết, Trung Quốc đang là thị trường lớn nhất, hiện chiếm tỷ trọng tới 65,8% tổng kim ngạch XK rau quả của Việt Nam. Trong khi đó, theo dự báo năm nay giá trị XK rau quả của Việt Nam sẽ vượt 5 tỷ USD. Để đạt được như dự báo này thì sẽ phải chờ xem tình hình tiêu thụ rau quả ở Trung Quốc trong thời gian tới như thế nào trước bối cảnh kinh tế giảm phát.

Trên thực tế, như lưu ý của giới chuyên gia, khi kinh tế Trung Quốc thực sự rơi vào giảm phát sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cho các quốc gia tập trung XK vào thị trường lớn nhất thế giới này. Cho nên đây là điều mà các DN Việt đang XK vào Trung Quốc cần hết sức lưu tâm, thận trọng theo dõi sát sao những biến động về tình hình kinh tế và sức tiêu thụ ở đây để có những đối sách phù hợp, tránh những tác động tiêu cực trong quá trình XK.

                                                                                 Thế Vinh

Bài viết liên quan