Tiêu điểm

Năm 2024, Nam Định phấn đấu đạt 3,3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu


Theo số liệu từ Sở Công Thương Nam Định, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa của Nam Định năm 2023 đạt 3,972 tỷ USD, giảm 9,20% so với năm trước.

Trong đó, xuất khẩu ước đạt 2,54 tỷ USD, giảm 11,42% so với năm trước. Trong đó, khu vực nhà nước đạt 36 triệu USD, giảm 26,02%, chiếm 1,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực ngoài nhà nước đạt 682,9 triệu USD, giảm 18,14%, chiếm 26,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 1,821 tỷ USD, giảm 8,24%, chiếm 71,7%. Ba mặt hàng xuất khẩu chính trong năm là may mặc, da giày và lâm sản chiếm 92,01% tổng kim ngạch xuất khẩu.

DN da giày trong nước cần vốn đầu tư cho thiết bị, nhà xưởng để đón đơn hàng mới

Sản phẩm da giày chiếm 92,01% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nam Định năm 2023. Ảnh minh họa

Nhập khẩu ước đạt 1,431 tỷ USD, giảm 4,9% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực nhà nước đạt 32,6 triệu USD, tăng 11,31%, chiếm 2,3% tổng kim ngạch nhập khẩu; khu vực ngoài nhà nước đạt 372,4 triệu USD, giảm 12,42%, chiếm 26,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 1.026,5 triệu USD, giảm 2,40%, chiếm 71,7%. Ba mặt hàng nhập khẩu chính trong năm là nguyên liệu phụ may, bông xơ sợi dệt; da và các mặt hàng liên quan chiếm 89,22% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh diễn ra trong bối cảnh chính sách tiền tệ chủ đạo trên thế giới nghiêng về thắt chặt, cầu hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu giảm, các nước nhập khẩu đặt ra các yêu cầu cao về phát triển bền vững, sản xuất thân thiện với môi trường nên sản phẩm hàng hoá phải cạnh tranh gay gắt hơn với các nước xuất khẩu có cơ cấu hàng hoá tương đồng dẫn đến xuất khẩu giảm.

Năm 2024 với dự báo tình hình thị trường có khởi sắc, Nam Định đặt mục tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu 3,3 tỷ USD.

Để đạt mục tiêu này, địa phương chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, góp phần đẩy mạnh phát triển sản phẩm hàng hóa xuất khẩu chủ lực, có tiềm năng lợi thế cạnh tranh của tỉnh. Phát triển và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa trên cơ sở xây dựng lại cơ cấu thị trường, chuyển dịch sản xuất các mặt hàng theo hướng tăng sản phẩm chế biến và chế biến sâu, giảm tỷ trọng hàng sơ chế, gia công trong cơ cấu hàng xuất khẩu.

Thúc đẩy xuất khẩu, giữ ổn định và củng cố các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu mới, tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực, nhất là các FTA thế hệ mới. Đa dạng hóa thị trường và cơ cấu sản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu, mở rộng các mặt hàng chủ lực (dệt may, da giày, sản phẩm gỗ...) đã có đồng thời tích cực phát triển các mặt hàng có tiềm năng thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực mới như nông thủy sản, sản phẩm cơ khí....; nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm xuất khẩu, phát triển thương hiệu.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động phân phối hàng hóa thông qua các sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến để kích thích nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển mạnh thị trường trong nước, thực hiện có hiệu quả Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Tác giả: Hải Linh
Bài viết liên quan