Theo số liệu cập nhật đến tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu (XK) hồ tiêu của Việt Nam ước đạt 978,4 triệu USD, tăng 4,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. XK hồ tiêu trong năm nay được cho là chững lại, chưa thể trở lại với giá trị XK 1 tỷ USD từ cách đây 5 năm.
Áp lực nhu cầu giảm
Tuy vậy, như chia sẻ của bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) tại Hội thảo thúc đẩy XK hồ tiêu và gia vị Việt Nam theo Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - EU (EVFTA) tổ chức tại Tp.HCM vào ngày 21/12, XK hồ tiêu của Việt Nam vẫn đứng đầu thế giới.
Một số DN, hợp tác xã đang hướng tới tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao, chế biến sâu với giá trị gia tăng cao, để có thể đứng vững trên thị trường XK còn nhiều thách thức ở phía trước. |
Số liệu của ITC (International Trade Centre - Trung tâm Thương mại quốc tế) cho thấy, kim ngạch XK gia vị tiêu của Việt Nam ước đạt 950 triệu USD, chiếm 44,2% thị phần trong tổng kim ngạch gia vị hồ tiêu XK của thế giới là 2.149 triệu USD trong 11 tháng 2022.
Thế nhưng, không thể không nhìn nhận, do tình trạng lạm phát ở các nước tăng cao, hành vi tiêu dùng có sự điều chỉnh, nên sản lượng XK hồ tiêu của Việt Nam từ đầu năm đến nay sang các thị trường trọng điểm ở Mỹ, EU, thị trường châu Á đều sụt giảm. Tính từ đầu năm đến nay, sản lượng XK hồ tiêu ước đạt hơn 227.000 tấn, giảm 13% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Để thúc đẩy ngành hồ tiêu Việt tận dụng EVFTA cho năm 2023 sắp tới, ông Lương Phước Vinh, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á của Tentamus Group GbmH, đã giới thiệu dự án kết nối các chuỗi siêu thị tại EU với các nhà XK hồ tiêu và gia vị Việt Nam.
Còn theo Chủ tịch VPA, các doanh nghiệp (DN) trong ngành cần lường trước những khó khăn, thách thức từ EVFTA mà họ phải đối mặt, để từ đó có giải pháp tiếp cận và khai thác tốt thị trường EU. Nhất là cần nâng cao năng lực, phải thay đổi, thích ứng để phù hợp với các yêu cầu của thị trường nhập khẩu.
Những dự báo gần đây cho thấy, XK hồ tiêu sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá hồ tiêu thế giới tiếp tục chịu áp lực giảm do nhu cầu giảm ở nhiều quốc gia.
Theo đó, nhu cầu hồ tiêu sẽ giảm mạnh vào quý đầu tiên của năm 2023 với mùa Đông đặc biệt khó khăn ở khu vực EU, do cuộc khủng hoảng năng lượng sắp xảy ra. Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam ra thị trường, do đó báo hiệu bức tranh không mấy sôi động.
Được đặt cho biệt danh là “vua” XK hồ tiêu, nhìn về triển vọng cho ngành hồ tiêu trong năm 2023 sắp tới, trao đổi với VnBusiness, ông Phan Minh Thông, Tổng giám đốc CTCP Phúc Sinh, cho rằng việc phát triển bền vững vẫn là điều quan trọng.
Chỉ có con đường chế biến sâu
“Công ty chúng tôi chủ yếu XK vào thị trường EU, cho nên thời gian qua luôn quan tâm đến vấn đề này, bởi vì đó là nhu cầu của khách hàng. Nếu không có tư duy phát triển bền vững trong sản xuất và XK thì người tiêu dùng sẽ không mua hàng của mình”, ông Thông nói.
Cũng theo vị tổng giám đốc này, không chỉ ở thị trường EU mà ở Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã làm như vậy. Vì thế, đòi hỏi DN phải phát triển bền vững theo chiều sâu.
Mỗi năm, Phúc Sinh XK khoảng 20.000 - 25.000 tấn hạt tiêu, chiếm 15% thị phần XK hạt tiêu của Việt Nam và 8% thị phần trên thế giới.
Công suất tiêu sấy lạnh của DN này có giai đoạn chỉ đạt khoảng 25 tấn/năm, trong khi lượng đặt hàng từ các đối tác có những thời điểm lại gia tăng. Vì vậy, công ty sẽ tiếp tục đầu tư nâng công suất gấp đôi trong vài năm tới.
Thực tế cho thấy, XK hồ tiêu của Việt Nam tuy đứng đầu thế giới nhưng vẫn chưa gắn với các sản phẩm có chế biến sâu, giá trị gia tăng cao như nhiều quốc gia khác.
Cho nên, như trăn trở của ông Thông, chỉ có con đường chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm đột phá mới giúp DN tiếp tục đứng vững trên thị trường. Minh chứng rõ ràng đó là sau khi sản phẩm tiêu sấy lạnh được đưa ra thị trường thì giá bán cao hơn gấp 6 lần giá tiêu đen thông thường.
Thời gian tới, theo giới chuyên gia, rất cần ngành hồ tiêu Việt phải thay đổi và phát triển phù hợp với xu hướng tiêu dùng mới. Đặc biệt, các loại gia vị có hồ tiêu cần hướng đến sản xuất bền vững và chất lượng cao có thể mang lại cơ hội cho các DN Việt.
Nhìn chung, để ngành hồ tiêu Việt Nam đứng vững trước dự báo khó khăn trong năm 2023 đang đòi hỏi cần sự nỗ lực nhiều hơn nữa từ phía DN. Nhất là cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường.
Hơn nữa, các DN cũng cần chú trọng chất lượng ngay từ khâu nguyên liệu để tạo ra sản phẩm hồ tiêu chất lượng cao và tham gia vào những thị trường có giá trị gia tăng cao. Các DN cũng nên lưu tâm là lượng tiêu XK chủ yếu vẫn là tiêu đen với giá trị không cao, nên phải hướng tới tạo ra sản phẩm tiêu chế biến sâu, tiêu hữu cơ nhằm tạo giá trị gia tăng, giúp giá tiêu cao hơn.
Không những thế, các DN hồ tiêu cần định hướng lại chiến lược xây dựng lại hình ảnh tăng cường sự hiện diện ở các thị trường quan trọng, có chiến lược phát triển cụ thể và đo lường tính hiệu quả cụ thể về phát triển sản phẩm mới vào các thị trường cao cấp.
Thế Vinh