Những thành tích tự hào của giáo dục Thủ đô
Sau 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất cả nước với 2.913 trường mầm non, phổ thông các cấp, gần 2,3 triệu học sinh, gần 130.000 giáo viên, trong đó có 342 nhà giáo được phong tặng danh hiệu “Nhà giáo Nhân dân”, “Nhà giáo ưu tú”.
Tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia chiếm gần 80% trường công lập của thành phố... Mạng lưới trường, lớp ngày càng được mở rộng, cơ sở vật chất được tăng cường đầu tư, từng bước được chuẩn hóa, hiện đại, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân Thủ đô và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực trong thời kỳ mới.
Những chính sách vượt trội trong Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tạo đà để nâng tầm giáo dục Thủ đô |
Học sinh Thủ đô luôn đạt thành tích cao, đứng đầu cả nước trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, quốc tế. Nếu như năm 2008, năm đầu tiên sau hợp nhất, học sinh Hà Nội tham gia các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia mới đạt 88 giải thì đến năm 2024, học sinh thành phố đạt 184 giải (tăng gần 2,1 lần).
Từ năm 2008 đến 2024, học sinh Hà Nội đạt gần 2.200 giải thưởng tại các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và 200 huy chương tại các kỳ thi quốc tế.
Đặc biệt, Hà Nội là một trong 4 tỉnh, thành phố đầu tiên được Bộ GD&ĐT công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 3. Tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT chung toàn thành phố đạt 99,81%, nằm trong tốp 10 tỉnh, thành phố đạt kết quả cao nhất…
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương khẳng định: “Trong 70 năm qua, với sự nỗ lực xây dựng, đổi mới, sáng tạo không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, nhà giáo và cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo.
Bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả, xứng tầm là trung tâm giáo dục lớn; nơi đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực quan trọng cho sự nghiệp xây dựng Thủ đô, đất nước”.
Những năm qua, TP Hà Nội luôn xác định đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa quyết định sự phát triển bền vững của Thủ đô trong tương lai.
Trước xu thế hội nhập toàn cầu, yêu cầu phát triển Thủ đô cao hơn để trở thành một thành phố kết nối toàn cầu, thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", giáo dục Thủ đô cũng đòi hỏi cần có bước phát triển vượt trội để xứng tầm với vai trò dẫn dắt, đầu tàu.
Phát triển giáo dục và đào tạo trong Luật Thủ đô 2024
Nghị quyết số 15-NQ/TW xác định phương hướng phát triển giáo dục của Thủ đô “Thu hút nguồn lực xã hội đầu tư phát triển giáo dục, đào tạo; hệ thống trường có nhiều cấp học, trường chất lượng cao; các loại hình liên kết đào tạo trong nước và quốc tế”.
Điều 22 của Luật Thủ đô (sửa đổi) đã đưa ra những kế sách phát triển giáo dục và đào tạo Thủ đô. Đó là “Phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế".
Luật có nhiều chính sách đặc thù, vượt trội về phát triển giáo dục và đào tạo, văn hóa, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nhân lực chất lượng cao.
Đồng thời, Luật Thủ đô 2024 nhấn mạnh yêu cầu đầu tư, xây dựng hệ thống trường học công lập, cơ sở giáo dục chất lượng cao, cơ sở giáo dục có nhiều cấp học bảo đảm không gian, cảnh quan sư phạm trong và ngoài nhà trường, đội ngũ giáo viên phục vụ tối đa nhu cầu học tập của học sinh.
Những điểm mới về GD&ĐT trong Điều 22 Luật Thủ đô năm 2024 đã thể hiện rõ ý nghĩa sâu sắc, khẳng định tính kế thừa, sự nhất quán trong quan điểm của Đảng, Nhà nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Đó là, luôn đề cao vai trò, vị trí của GD&ĐT, coi đây là quốc sách hàng đầu nhằm thúc đẩy, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô nhanh, bền vững.
Bày tỏ quan điểm của mình, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, cho rằng Luật Thủ đô năm 2024 với nhiều quy định đặc thù cho phép Hà Nội làm được rất nhiều việc. Ngành Giáo dục cần phải đi trước cả nước, giữ vững vị trí “đầu tàu
Ngành giáo dục Hà Nội cần tập trung xây dựng trường học với 4 yếu tố: Tự chủ, dân chủ, nhân văn, sáng tạo, trong đó yếu tố tự chủ rất quan trọng. Mỗi nhà trường cần tự chủ để lựa chọn phương pháp giáo dục, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp với học sinh và điều kiện giáo dục, giúp học sinh phát huy tối đa năng lực, phẩm chất.
Có thể nói, sự ra đời của Luật Thủ đô mới, sẽ có nhiều cơ chế đặc thù để Hà Nội nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; từng bước xây dựng Thủ đô thực sự là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao.
Đồng thời, Luật Thủ đô cũng trao quyền cho thành phố Hà Nội chủ động hơn trong cơ chế tài chính, hỗ trợ học phí cho người học trên địa bàn thành phố không phân biệt trường công lập, dân lập và tư thục cũng như nhiều lĩnh vực khác để bảo đảm phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo để Thủ đô là trung tâm lớn, tiêu biểu của cả nước về giáo dục, đào tạo chất lượng cao, thích ứng với quá trình chuyển đổi số quốc gia, đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế;.
Theo các chuyên gia, các chính sách của Luật Thủ đô (sửa đổi) sẽ tác động mạnh mẽ đến sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố, là cơ sở để các trường đa dạng hóa các loại hình giáo dục; đồng thời, mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều quốc gia; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.