Tiêu điểm

Xuất khẩu tiếp đà suy giảm, doanh nghiệp FDI vẫn áp đảo


Tổng giá trị xuất khẩu tính đến ngày 15/6 đạt 287,94 tỷ USD, giảm 15,2%, tương ứng giảm 51,76 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chiếm ưu thế lớn trong các ngành hàng xuất nhập khẩu chủ lực như: điện thoại, máy vi tính, máy móc thiết bị, giày dép, dệt may…

Số liệu thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan cho thấy tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 6/2023 (1-15/6) đạt 27,27 tỷ USD, giảm 5,5% (tương ứng giảm 1,6 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 5/2023.

Tính từ đầu năm đến ngày 15/6, tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đạt 287,94 tỷ USD, giảm 15,2%, tương ứng giảm 51,76 tỷ USD về số tuyệt đối so với cùng kỳ năm 2022.

-7844-1688032891.png

Trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng lớn lũy kế từ 01/01/2023 đến 15/6/2023 và cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 199,32 tỷ USD, giảm 14,8% (tương ứng giảm 34,65 tỷ USD). Tính riêng trong nửa đầu tháng 6 xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI đạt 9,93 tỷ USD, giảm 14,6% tương ứng giảm 1,69 tỷ USD so với kỳ 2 tháng 5/2023.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của nhóm các doanh nghiệp này đạt 108,83 tỷ USD, giảm 11,9%, tương ứng giảm 14,64 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, chiếm 73,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đáng chú ý, mức độ phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp FDI lớn, chiếm khoảng 74% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngược lại, năng lực xuất khẩu các doanh nghiệp trong nước, nhất là vừa và nhỏ, chưa cao.

Các doanh nghiệp FDI góp mặt ở hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Đáng chú ý, đến nay có 3 nhóm hàng của các doanh nghiệp này đạt hơn 10 tỷ USD gồm: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (20,1 tỷ USD); điện thoại và linh kiện (20 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng (15,2 tỷ USD).

Chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp FDI trong kỳ 1 tháng 6 đạt 8,85 tỷ USD, tăng 8,2% (tương ứng tăng 672 triệu USD) so với kỳ 2 tháng 5/2023.

Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/6, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp FDI đạt 90,49 tỷ USD, giảm 18,1% (tương ứng giảm 20 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2022, chiếm 65,1% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Theo các chuyên gia, giá trị xuất khẩu trong nửa đầu năm giảm là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, trong khi đó các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa.

Bên cạnh đó sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu, giá hàng hóa xuất khẩu đi xuống cũng là một trong những yếu tố làm giảm kim ngạch xuất khẩu.

Thanh Hoa

Bài viết liên quan