Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Vẫn chưa tìm được “lối ra”
Gói hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước được Chính phủ công bố hồi tháng 5/2022. Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh được hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tính trên số dư nợ vay và thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất thực tế nằm trong khoảng thời gian quy định. Ngân hàng sẽ thực hiện giảm số lãi tiền vay.
Điều kiện để hỗ trợ là khách hàng có đề nghị được hỗ trợ lãi suất, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định của pháp luật hiện hành về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.
![]() |
Tính đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất 2% mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng. |
Theo kế hoạch đăng ký, ước tính các ngân hàng sẽ dành khoảng 800.000 tỷ đồng dư nợ cho vay chỉ riêng trong năm 2022, số tiền lãi hỗ trợ khoảng 16.035 tỷ đồng.
Để đẩy nhanh tốc độ triển khai gói hỗ trợ, ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, các quy định liên quan như việc thanh toán trước 85% tiền hỗ trợ lãi suất cho những ngân hàng đang triển khai gói 2%, Bộ đang thực hiện rất nhanh chóng để khi ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước có hồ sơ đề nghị sẽ giải ngân ngay.
Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình này vẫn rất chậm, hiện chỉ mới giải ngân được một phần nhỏ của gói hỗ trợ nên Chính phủ đã nhiều lần thúc giục phải đẩy nhanh.
Trong nhiều cuộc họp vừa qua, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân đầu tiên khiến việc giải ngân chậm là các ngân hàng thương mại còn lúng túng để xác định đối tượng được hỗ trợ lãi suất. Ngoài ra, nhiều hộ gia đình sản xuất kinh doanh vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhưng không đăng ký hộ kinh doanh nên lại không thuộc diện được hỗ trợ.
Một nguyên nhân nữa là ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng đã đăng ký quy mô dư nợ hỗ trợ lãi suất lớn trong năm 2022 đã không còn hạn mức tín dụng. Tuy nhiên, về hạn mức tín dụng, ngày 5/12, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm khoảng 1,5-2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, dưới góc độ của doanh nghiệp còn một số nguyên nhân khác. Ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội chia sẻ, khi tiếp cận gói này, đa số doanh nghiệp phải lắc đầu vì không đủ điều kiện đáp ứng. Cụ thể, không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn đỏ theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ, địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định…
Tại cuộc họp báo mới đây, ông Nguyễn Hoàng Dương cho biết, qua quá trình tổng hợp, Bộ Tài chính nhận thấy một số vướng mắc như bản thân doanh nghiệp chưa mặn mà và rất quan ngại nếu nhận tiền hỗ trợ từ ngân sách nhà nước thì sau này bị thanh tra, kiểm toán nên không muốn. Nguyên nhân tiếp theo là do điều kiện để các doanh nghiệp được hỗ trợ là phải có khả năng phục hồi.
Có nên điều chuyển?
Trước tình trạng gói hỗ trợ lãi suất 2% đang bị “ế”, nhiều chuyên gia cho rằng, nên điều chỉnh vốn của gói này sang chương trình khác để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp, chẳng hạn như giảm thuế.
Cụ thể, theo TS Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế, Chính phủ nên trình Quốc hội chuyển nguồn hỗ trợ lãi suất 2% chưa giải ngân được sang nguồn hỗ trợ miễn giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời gian nộp thuế tiền thuê đất cho các doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, không chỉ gói hỗ trợ lãi suất 2%, mà nhiều gói giải ngân của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (350.000 tỷ đồng) cũng giải ngân chậm. Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay, giải ngân các chính sách hỗ trợ thuộc Chương trình mới đạt hơn 71.500 tỷ đồng.
Để nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhanh chóng tiếp sức doanh nghiệp, TS. Võ Trí Thành đề xuất, nên điều chuyển các gói hỗ trợ không còn phù hợp - bao gồm cả gói hỗ trợ lãi suất 2% - sang các gói hỗ trợ khác khả thi hơn.
Tuy nhiên, theo ông Dương: “Tại thời điểm này, chúng tôi chưa bàn sâu vào việc khi gói hỗ trợ lãi suất “tắc” thì sẽ chuyển hướng như thế nào, dùng để làm gì, để giảm thuế tiếp hay không... Mà đang khẩn trương tìm cách tháo gỡ để triển khai tiếp”.
Đồng thời, ông cho biết: “Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tổng hợp để báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn vướng mắc”.
Liên quan đến việc miễn, giảm thuế phí, gói chính sách tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp năm 2023, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi thông tin: Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền chính sách miễn giảm, giãn tiền thuế và tiền thuê đất.
Thanh Hoa