Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa và Thông tin Kazakhstan tổ chức ngày 6/5, tại Nhà hát quốc gia Opera và Ballet Astana ở thủ đô Astana của Kazakhstan. Đặc biệt, trong khuôn khổ chuyến thăm cấp Nhà nước đến Kazakhstan, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Phu nhân Ngô Phương Ly và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev đã tham dự chương trình. Đây là vinh dự cho các nghệ sĩ hai quốc gia.
NSND Quốc Hưng cho biết, cả hai quốc gia đã chọn những nghệ sĩ xuất sắc nhất tham gia chương trình. Đoàn nước ta với nòng cốt là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, toàn bộ nghệ sĩ tham gia dàn nhạc đều là những tinh túy nhất của Học viện, họ là những thầy cô, là các tên tuổi của nghệ thuật nước nhà và các em tài năng trẻ. Trong đó, phải kể tới các nghệ sĩ thuộc bộ dây trong dàn nhạc giao hưởng như: NSƯT Trọng Bình, NSƯT Trường Sơn, Bùi Hà Miên, Ngô Đăng Khoa, Phan Đức, hay bộ đồng có NSƯT Quốc Trung, Quốc Bảo… Tham gia đoàn còn có hai nghệ sĩ thuộc Nhà hát Nhạc vũ kịch TP.HCM là nhạc trưởng Trần Nhật Minh và giọng nữ cao Phạm Khánh Ngọc. Bên cạnh đó, chương trình còn có sự góp mặt của NSƯT Bùi Lệ Chi (đàn bầu), giọng nam cao Ninh Đức Hoàng Long (hiện là solist của Nhà hát Opera quốc gia Hungary) và nữ nghệ sĩ đàn Harp Bảo Trâm (hiện đang học tập tại Saint-Peterburg, CHLB Nga). Trong số các nghệ sĩ đoàn Việt Nam còn có hai lãnh đạo Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam gồm: phó giám đốc phụ trách - NSND Quốc Hưng (giọng nam trầm) và phó giám đốc - NSND Bùi Công Duy (violon). Trong đó, NSND Bùi Công Duy còn là Giáo sư danh dự của Trường Đại học Nghệ thuật Quốc gia Kazakhstan.
Về phía nước bạn Kazakhstan có 110 nghệ sĩ tham gia, trong đó nòng cốt là các nghệ sĩ trong Dàn nhạc (30 người) và Dàn hợp xướng (80 người) thuộc Nhà hát Opera và Ballet quốc gia Astana. Hai nghệ sĩ solo là NSƯT Oksana Davydenko (nữ trung) và NSƯT Talgat Musabaev (nam trung). Đáng chú ý nhất, chương trình còn có sự tham gia của nghệ sĩ nổi tiếng thế giới, được mệnh danh là “siêu sao quốc tế”, niềm tự hào của đất nước Kazakhstan - Dimash Qudaibergen. Dimash sinh năm 1994, là ca sĩ, nhạc sĩ và nghệ sĩ đa nhạc cụ người Kazakhstan, gây tiếng vang khi sở hữu giọng ca hiếm có thế giới với biên độ quãng rất rộng trải dài 6 đến 7 quãng tám và có thể hát bằng 13 thứ tiếng khác nhau.
Trong chương trình hòa nhạc, NSƯT Bùi Lệ Chi thể hiện tác phẩm độc tấu đàn bầu cùng dàn nhạc dân tộc mang tên “Đối thoại” của nhà soạn nhạc Đỗ Hồng Quân. Ngay đó, NSND Quốc Hưng thể hiện tác phẩm ca khúc “Việt Nam quê hương tôi” của nhạc sĩ Đỗ Nhuận với bản phối khí cho dàn nhạc giao hưởng của nhà soạn nhạc Trần Mạnh Hùng. Ở phần trình diễn của NSND Quốc Hưng, nữ nghệ sĩ đàn bầu tiếp tục ở lại sân khấu góp tiếng đàn bầu tham gia cùng dàn nhạc giao hưởng tạo nên một phần trình diễn gây được nhiều ấn tượng với khán giả. NSND Bùi Công Duy với tiếng vĩ cầm đẳng cấp chinh phục khán giả qua bản Concerto dành cho Violin của nhà soạn nhạc Felix Mendelssohn. “Siêu sao quốc tế” Dimash Qudaibergen biểu diễn 2 tiết mục kết là “Người lạ” và “Adai”. Trong khi trung tâm của chương trình hòa nhạc là phần thể hiện Tác phẩm Giao hưởng số 9 của Beethoven với sự tham gia của 200 nghệ sĩ. Trong đó, 4 giọng hát solist là NSƯT Phạm Khánh Ngọc, NSƯT Oksana Davydenko, Ninh Đức Hoàng Long và NSƯT Talgat Musabaev…
Như vậy, về tổng thể đây là một chương trình giớ thiệu những tinh hoa của âm nhạc hai quốc gia cũng như thế giới. Không phải ngẫu nhiên cây đàn bầu được ví như tiếng hồn dân tộc Việt Nam lại được vang lên trong buổi hòa nhạc, cũng không phải ngẫu nhiên giọng hát trầm ấm tình cảm và nội dung lại cất lên những lời ca “Bạn ơi hãy đến quê hương chúng tôi…”, cũng không phải ngẫu nhiên tiếng violon đẳng cấp quốc tế của nghệ sĩ Việt Nam hay những nghệ sĩ trẻ tài năng đang hoạt động hoặc học tập ở châu Âu lại xuất hiện trong chương trình. Cũng không phải ngẫu nhiên chương trình có sự tham gia của Nhà hát quốc gia Opera và Ballet Astana danh tiếng bậc nhất quốc gia và nghệ sĩ nổi tiếng thế giới của đất nước Kazakhstan. Điều đó thể hiện vị thế, tầm quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc tế giữa hai đất nước. Việc các nghệ sĩ hai quốc gia cùng chung thể hiện tác phẩm Giao hưởng số 9, một tác phẩm được mệnh danh như vị trí “quốc ca” của trái đất, nói về nhân sinh quan, thế giới quan của trái đất với vũ trụ mà trong đó con người là mầm sống hạt nhân được hình thành và phát triển. Điều đó như tiếng nói chung của nghệ sĩ hai nước về một thế giới hòa bình, hợp tác và phát triển.
Trong vai trò trưởng đoàn, NSND Quốc Hưng khẳng định: “Buổi biểu diễn có thể nói là vô cùng thành công”. Nghệ sĩ cho biết thêm: “Đây là một chương trình biểu diễn nghệ thuật bác học đỉnh cao với sự phối hợp rất nhịp nhàng, hiệu quả giữa các nghệ sĩ của hai quốc gia Việt Nam và Kazakhstan. Phải nói rằng chúng tôi (các nghệ sĩ cả hai nước) đã luyện tập rất kỹ lưỡng, công tác chuẩn bị cũng rất là kỹ. Thật sự là chúng tôi trước giờ diễn, trước lúc tập gần như các nghệ sĩ cũng khá hồi hộp, khá là căng thẳng bởi vì cả một dàn nhạc từ Việt Nam sang đây lại kết hợp cùng dàn nhạc nước bạn cho nên các nghệ sĩ không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, căng thẳng, nhưng khi tiếng nhạc nổi lên tất cả hòa cùng với âm nhạc thì lúc đó sự hồi hộp tan biến để nhường chỗ cho những giây phút thăng hoa”. Với tư cách cá nhân, NSND Quốc Hưng cho biết, anh thực sự xúc động khi đứng giữa sân khấu sang trọng của chương trình hòa nhạc tại nhà hát lớn nhất Kazakhstan cất lên những câu hát mời bạn bè khắp bốn biển năm châu đến với quê hương Việt Nam tươi đẹp để tận hưởng những di sản thiên nhiên, văn hóa truyền thống, sự thân thiện của con người và một đất nước năng động đang trên đà phát triển và luôn ngập tràn hạnh phúc.