Tiêu điểm

Nghệ An: Bộ đội hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số


Việc hỗ trợ sinh kế cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Nghệ An đã tạo động lực để họ có việc làm, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.

Việc hỗ trợ sinh kế - trao vật nuôi và cây giống...cho các hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) nhiều năm qua đã tạo động lực để họ có việc làm, tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Vùng dân tộc thiểu số và miền núi, của tỉnh Nghệ An gồm 11 huyện. Trong đó có 1.188 thôn, bản đặc biệt khó khăn, 27 xã biên giới, với đường biên giới dài 468,281 km tiếp giáp với 3 tỉnh của Lào. Đây là nơi sinh sống lâu đời của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ Mú, Thổ, Ơ Đu... là vùng có tiềm năng lớn về tài nguyên thiên nhiên, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của tỉnh.

Nghệ An: Bộ đội hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Xã Mường Lống, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) nhìn từ trên cao

Những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm bố trí nguồn lực lớn để tập trung thúc đẩy phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh - quốc phòng vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo. Đặc biệt là có nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.

Kỳ Sơn là huyện miền núi cao biên giới đặc biệt khó khăn, nằm phía Tây tỉnh Nghệ An, những năm qua thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, bên cạnh sự vào cuộc của các cấp chính quyền, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Quân Khu 4 cũng đã triển khai hiệu quả nhiều mô hình hỗ trợ nhân dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An phát triển kinh tế - xã hội gắn với giữ vững an ninh - quốc phòng.

Theo đó, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Quân Khu 4, thường xuyên làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án. Trong đó nổi bật là việc trên cơ sở phát triển và quy hoạch sản xuất, chuyển đổi căn bản tập quán canh tác của nhân dân để giúp người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, xây dựng cơ cấu kinh tế hợp lý.

Đoàn KT-QP 4, Quân Khu 4 tổ chức giới thiệu mô hình trồng dưa chuột cho nhân dân địa phương.

Đoàn KT-QP 4, Quân Khu 4 tổ chức giới thiệu mô hình trồng dưa chuột cho nhân dân địa phương

Đồng thời khai thác tối đa tiềm năng đất đai được giao để tổ chức sản xuất theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa với các loài cây giống, con giống có năng suất, chất lượng như: Mô hình nuôi cá tầm, trồng chè san tuyết, sả Java, dưa lưới, cây đu đủ, chanh leo; nuôi dê Boer, bò lai, trâu, lợn bản địa...

Được biết, trong năm 2022, Đoàn Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Quân Khu 4 đã tổ chức cấp phát đầy đủ số lượng, chất lượng cây, con giống, vật tư cho 385 hộ nghèo người dân tộc thiểu số được thụ hưởng dự án, gồm: 185 con bò cái địa phương; 100 con trâu cái địa phương, 30 con lợn nái siêu nạc, 2 con lợn đực siêu nạc, 200 con dê Boer cái, 5 con dê Boer đực. Hỗ trợ vật tư, thuốc thú y: 1.425 kg đá liếm; 36.945 kg thức ăn chăn nuôi; thuốc thú y trị giá hơn 36,5 triệu đồng... Các mô hình từng bước tạo nguồn thu nhập ổn định góp phần xây dựng địa bàn có nền kinh tế phát triển, chính trị xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được duy trì vững chắc.

Cũng theo đoàn Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 4, Quân Khu 4, trong năm 2023, thực hiện nội dung 1 tiểu dự án 3, đơn vị hỗ trợ các dự án, mô hình chăn nuôi và trồng trọt với 11 mô hình (7 mô hình chăn nuôi, 4 mô hình trồng trọt); số hộ nghèo người dân tộc thiểu số thụ hưởng dự án 1.417 hộ; mở 11 lớp tập huấn với 1.417 người tham gia.

Các hộ gia đình trên địa bàn ký nhận con giống do Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ. Ảnh:

Các hộ gia đình trên địa bàn ký nhận con giống do Đoàn KT-QP 4 hỗ trợ

Thực hiện nội dung 2 tiểu dự án 3: Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường, đơn vị tiếp tục hỗ trợ 20 em với định mức 7,4 triệu đồng/em/năm. Mở 1 lớp bồi dưỡng kiến thức dân tộc, trong đó lớp học tiếng Mông 40 lượt người tham gia; tổ chức và tham gia tổ chức 12 buổi nói chuyện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các xã, bản với hơn 250 lượt người tham gia…

Với những giải pháp hiệu quả hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều gia đình đã có cơ hội vươn lên, thoát nghèo. Trong giai đoạn 2012 - 2022, các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đã giúp đỡ, ủng hộ các xã nghèo miền Tây, với số tiền 310 tỷ đồng, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo các huyện miền Tây giảm từ 24,04% đầu năm 2016 xuống còn gần 8,18% cuối năm 2021 (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020); các huyện nghèo 30a giảm bình quân 5,97%/năm.

Từ đó diện mạo nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới có nhiều đổi mới; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện, nâng cao; nếp sống văn hóa mới được duy trì, nhiều phong tục tập quán tốt đẹp được giữ vững; niềm tin của đồng bào với Đảng, chính quyền được củng cố; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; thế trận an ninh nhân dân, thế trận quốc phòng gắn với thế trận lòng dân vững chắc được tăng cường, chủ quyền an ninh biên giới được giữ vững.

 
Bài viết liên quan