Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã nhấn mạnh như vậy tại báo cáo bổ sung về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022 sáng 23/5.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành báo cáo trước Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội |
Dịch bệnh được kiểm soát, tạo đà phục hồi kinh tế
Phó Thủ tướng cho hay, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm 2021 nhiều chỉ tiêu đã đạt và vượt kế hoạch như thu ngân sách tăng 16,8%, xuất khẩu tăng 22,6% và xuất siêu đạt 4 tỉ USD.
Sang năm 2022, trong bối cảnh kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi, kinh tế trong nước mở ra trong trạng thái bình thường mới, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tạo tiền đề cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Đến nay, Việt Nam là một trong sau quốc gia có tỉ lệ bao phủ vắc xin cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát. Tính chung 4 tháng có 80.500 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 26,9% so với cùng kỳ.
"Tuy nhiên, giá cả một số hàng hóa đầu vào tăng, nhất là giá xăng dầu, nguồn nhân lực lao động thiếu hụt cục bộ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân", ông Thành đánh giá.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho hay kim ngạch xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp FDI; thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản tiềm ẩn nhiều rủi ro. Thu ngân sách nhà nước tăng 15,4% so với cùng kỳ, nhưng thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh chỉ tăng 5,4%.
Trong báo cáo thẩm tra, ông Vũ Hồng Thanh- Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong bối cảnh đất nước đối diện nhiều khó khăn, thách thức chưa từng có.
Đặc biệt, khi Chính phủ có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, chuyển hướng chiến lược phù hợp giúp dịch bệnh kiểm soát, nền kinh tế phục hồi và phát triển tích cực, GDP quý 1 ước tăng 5,03%…
"Cần đặc biệt chú ý tới nguy cơ nhập khẩu lạm phát, nghiên cứu kịch bản giảm thuế tiêu thụ đặc biệt để ứng phó nếu giá dầu biến động lớn, giải ngân vốn đầu tư công vẫn trì trệ, cần làm rõ trách nhiệm", ông Vũ Hồng Thanh lưu ý.
Về thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng có nhiều rủi ro, không bền vững, thiếu ổn định. Đặc biệt là hiện tượng tăng vốn khống, thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi trên thị trường cổ phiếu…
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra, báo cáo các Chương trình mục tiêu quốc gia và một số nội dung của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội triển khai còn chậm. Các lĩnh vực y tế giáo dục còn một số hạn chế. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn, lĩnh vực còn diễn biến phức tạp. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, người chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh và đại dịch COVID-19.
Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu
Báo cáo Quốc hội nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thời gian tới, Phó Thủ tướng cho biết sẽ khẩn trương hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Đất đai 2013.
Chính phủ cũng xác định chủ động điều hành đồng bộ, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ chính sách tiền tệ, tài khóa và các chính sách khác nhằm tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn và kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh tăng thu ngân sách nhà nước bền vững, triệt để tiết kiệm chi, đặc biệt là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư.
"Đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu, nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém. Tăng cường quản lý, giám sát thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản, bảo đảm phát triển lành mạnh, an toàn và bền vững. Theo dõi chặt chẽ thị trường, giá cả; điều hành, bình ổn giá; thúc đẩy thương mại, xuất nhập khẩu; có giải pháp hiệu quả duy trì ổn định chuỗi cung ứng", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Nhiệm vụ tiếp theo được Phó Thủ tướng đề cập là triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm hiệu quả. Kiên quyết điều chuyển vốn đầu tư công năm 2022 của các bộ, ngành, cơ quan trung ương, địa phương chậm triển khai cho các đơn vị, dự án khác có khả năng hoàn thành sớm, phát huy hiệu quả. Đẩy nhanh việc hoàn thành thủ tục và giải ngân 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Chính phủ cũng sẽ sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về danh mục dự án sử dụng nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội.
Giải pháp tiếp theo được Chính phủ báo cáo là đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, hạ tầng thương mại và hạ tầng y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội… Các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung cao độ cho triển khai các dự án trọng điểm quốc gia, tạo động lực mới cho sự phát triển.
Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2022 hoàn thành 361 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 1; trong quý IV năm 2022, khởi công đồng loạt 12 dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2 và khởi công đường băng, nhà ga cảng hàng không quốc tế Long Thành...
Dự kiến đến cuối năm 2022, sẽ đưa vào hoạt động 4 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 là Mai Sơn - Quốc lộ 45, Cam Lộ - La Sơn, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây và khởi công nhà ga, cảng hàng không quốc tế Long Thành; hoàn thành, đưa vào vận hành thương mại Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2...