Tiêu điểm

Vì sao giá sầu riêng trái vụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng cao?


Hiện nay mùa sầu riêng tại Đắk Lắk đã kết thúc. Nhà vườn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang bước vào thu hoạch nên giá sầu riêng dự kiến cũng sẽ tăng.

Sầu riêng trái vụ tăng giá mạnh

Trên thị trường nội địa, giá sầu riêng hôm nay 8/11 neo ở mức cao đối với hàng loại đẹp xuất khẩu khi nguồn cung khan hiếm. Giá sầu riêng trái vụ neo ở mức cao đối với hàng loại đẹp xuất khẩu và lên tới trên 190.000 đồng/kg khi bước vào vụ thu hoạch vụ nghịch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Ghi nhận vào ngày 8/11, giá sầu riêng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang tiếp tục tăng so với những ngày trước. Tại khu vực Cai Lậy, nhiều vựa nông sản thu mua sầu riêng Monthong (Thái) loại A với giá dao động từ 190.000 - 195.000 đồng/kg (2,7 hộc, từ 1,9 - 5,2 kg), loại B có giá 170.000 - 175.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,7 - 5,6 kg). Sầu riêng Ri 6 loại A có giá 130.000 - 140.000 đồng/kg (2,7 hộc, từ 1,9 - 5 kg), loại B có giá khoảng 115.000 đồng/kg (2,5 hộc, từ 1,7 - 5,5 kg). Theo ghi nhận, những ngày qua, giá sầu riêng Thái tăng mạnh nhất.

Thông thường, vào khoảng tháng 4 hoặc tháng 5 hàng năm, nông dân bắt đầu xử lý rải vụ và vườn sầu riêng sẽ cho thu hoạch vào tháng 11 trở đi. Thời điểm này, sầu riêng có giá, bà con thu lợi nhuận cao.

Vì sao giá sầu riêng trái vụ tiếp tục tăng cao lên tới 160.000 đồng/kg?

Nguồn cung khan hiếm, giá sầu riêng trái vụ tiếp tục tăng cao lên tới 160.000 đồng/kg

Theo các Hợp tác xã (HTX) trên địa bàn TX. Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn trên địa bàn đang bước vào đầu mùa thu hoạch sầu riêng. Hiện thương lái thu mua sầu riêng Ri 6 hàng đẹp tại vườn với giá từ 135.000 - 140.000 đồng/kg, sầu riêng Thái trên 160.000 đồng/kg.

Còn tại huyện Cái Bè, tỉnh tiền Giang trong xu hướng chung, những ngày qua, giá sầu riêng cũng tiếp tục tăng cao. Theo UBND huyện Cái Bè, toàn huyện có trên 9.000 ha sầu riêng, trong đó diện tích đang cho trái chiếm khoảng 55% - 60%.

Hiện giá sầu riêng Ri 6 trên địa bàn khoảng 137.000 đồng/kg, sầu riêng Thái khoảng 165.000 đồng/kg. Sầu riêng đang rất hút hàng do năm nay nhà vườn bị thất mùa. Nhiều vườn sầu riêng bị rụng bông, trái do ảnh hưởng của thời tiết. Do nguồn cung ít nên giá sầu riêng đang có xu hướng tiếp tục tăng.

Hiện nay mùa sầu riêng tại Đắk Lắk đã kết thúc, chỉ còn một số ít của các vườn trồng lớn khu vực Lâm Đồng.

Cùng với đó, lượng sầu riêng trái vụ tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa có nhiều, khiến nguồn cung hạn chế so với sức cầu. Đây cũng là nguyên nhân khiến giá sầu riêng tăng cao so với thời điểm đúng vụ thu hoạch.

Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng dự đoán giá sầu riêng sẽ tiếp tục neo ở mức cao, kể cả khi vào vụ thu hoạch của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Lý do là Thái Lan đã hết vụ, sầu riêng Việt sẽ một mình một chợ tại Trung Quốc trong dịp cuối năm nay, khi người tiêu dùng Trung Quốc đẩy mạnh việc mua biếu tặng dịp lễ, Tết.

Nhiều thị trường tăng cường nhập khẩu sầu riêng Việt

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 9 tháng năm 2024, xuất khẩu sầu riêng đạt hơn 2,8 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ 2023, mức cao nhất từ trước đến nay.

Trong 10 thị trường nhập khẩu sầu riêng Việt Nam, có nhiều thị trường ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 2,6 tỷ USD, chiếm 92% tổng xuất khẩu sầu riêng, tăng 65% so với cùng kỳ 2023. Thái Lan đứng thứ hai với 133 triệu USD, tăng 85% và Hồng Kông (Trung Quốc) chiếm vị trí thứ ba với 23 triệu USD, tăng 17%.

Các thị trường khác như Papua New Guinea, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc và Campuchia cũng tăng từ 22% đến 16 lần so với năm ngoái, trong đó Papua New Guinea và Campuchia tăng mạnh nhất, lần lượt gấp 2,6 và 16 lần.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng tăng mạnh, theo các doanh nghiệp, là nhờ chất lượng sản phẩm cải thiện, giá cả cạnh tranh và thời gian vận chuyển ngắn sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, sản lượng sầu riêng của Thái Lan giảm 18% (ảnh hưởng của hiện tượng El Niño và đợt nắng nóng kéo dài), khiến các nhà nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác chuyển sang nguồn cung từ Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam - cho biết Thái Lan gặp khó khăn trong mùa vụ do thiếu nước, khiến sản lượng thấp và đẩy giá tăng khoảng 22%, trong khi thu nhập nông dân chỉ tăng nhẹ 0,3% do chi phí cao.

Ông Đặng Phúc Nguyên cũng cho hay, sầu riêng là loại trái cây mang lại kết quả xuất khẩu đầy bất ngờ. Dù chính vụ sầu riêng Tây Nguyên kết thúc vào tháng 10, nhưng Việt Nam vẫn có hàng trái vụ nhờ kỹ thuật rải vụ tốt của nông dân. Nhiều khả năng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng năm nay có thể chạm mốc 3,5 tỷ USD - một con số hiếm loại trái cây nào đạt được.

Các chuyên gia dự báo, đến năm 2025, lượng mà thị trường sầu riêng Trung Quốc có thể đạt 20 tỷ USD và cả thế giới là 28,6 tỷ USD. Nhu cầu tiêu thụ sầu riêng ở thị trường Trung Quốc rất lớn, cộng tất cả các nước xuất khẩu sầu riêng ở khu vực Đông Nam Á vẫn chưa đủ đáp ứng nhu cầu thị trường này. Trong khi đó, so với các quốc gia trong khu vực thì sầu riêng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc có nhiều lợi thế cạnh tranh về logistics và chất lượng. Vì vậy, dư địa cho tăng xuất khẩu sầu riêng vẫn còn nhiều.