Tiêu điểm

Dỗi vì bị loại, truyền thông Indonesia đề xuất đội nhà rời AFF


Cay cú không thể tiến vào bán kết, NHM cũng như truyền thông Indonesia đã đưa ra đề xuất để đội nhà rời LĐBĐ Đông Nam Á (AFF).

Giải U19 Đông Nam Á 2022 được coi là bước chạy đà quan trọng để U19 Indonesia hướng tới U20 World Cup tổ chức trên nhà vào năm 2023. Lứa cầu thủ U19 hiện tại của Indonesia nhận sự đầu tư lớn về mọi mặt, từ việc đưa HLV Shin Tae Yong từ cấp ĐTQG xuống dẫn dắt cho đến hàng loạt chuyến tập huấn đắt giá. Chính vì thế, việc đội bóng xứ Vạn đảo bị loại ngay ở vòng bảng trên sân nhà là rất khó chấp nhận.

Từ truyền thông, người hâm mộ cho đến BHL và lãnh đạo LĐBĐ Indonesia đã liên tục bày tỏ sự không hài lòng với công tác tổ chức giải đấu. Bên cạnh đó, chủ tịch PSSI còn gửi đơn kiện lên LĐBĐ Đông Nam Á (AFF) vì nghi ngờ trận đấu giữa Việt Nam và Thái Lan có dấu hiệu dàn xếp tỉ số.

Chưa hết, trên trang Suara.com, rất nhiều người hâm mộ trên mạng xã hội đã bình luận vào các bài đăng của PSSI đòi liên đoàn này rời khỏi AFF. Từ đó, trang tin này đã đưa ra câu hỏi rằng: "Indonesia có thể rời AFF như mong muốn của người hâm mộ hay không?"

"AFF được thành lập vào năm 1984 tại Indonesia. Thực tế, AFF không phải là một liên đoàn thành viên chính thức của FIFA mà chỉ là một thành viên của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Vì vậy, tất cả các sự kiện do AFF tổ chức như AFF Cup, AFF Cup 23 đến AFF Cup U19 đều không được đưa vào hệ thống thi đấu chính thức của FIFA và chỉ được tính là các trận đấu giao hữu.

Trong khi đó, những giải đấu ở cấp châu lục là VCK U20 châu Á và Asian Cup là các giải đấu chính thức được AFC tổ chức. Nói cách khác, sẽ không sao nếu Indonesia rời AFF và tập trung vào các sự kiện chính thức của FIFA dưới sự bảo trợ của AFC", trang Suara phân tích.

Trang tin này còn đưa ra dẫn chứng như Australia đã chọn tham gia AFF và AFC mở rộng cơ hội được dự World Cup. Trong khi đó, Nga đang muốn rời LĐBĐ châu Âu (UEFA) để gia nhập AFF vì lý do chính trị.

Bài viết liên quan
Đang chờ cập nhật