Tiêu điểm

Đại hội đồng cổ đông ACB 2025: Đặt mục tiêu lợi nhuận 23.000 tỷ đồng, chia cổ tức "khủng" 25%


Sáng 8/4 tại khách sạn Sheraton Sài Gòn, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đã khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ khi thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với loạt con số táo bạo. Trong đó, nổi bật là mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 23.000 tỷ đồng – tăng 9,5% so với thực hiện năm 2024. 

Đồng thời, ACB tiếp tục duy trì chính sách cổ tức hấp dẫn với tổng tỷ lệ chi trả lên đến 25%, gồm 10% bằng tiền mặt và 15% bằng cổ phiếu. Đây là năm thứ 5 liên tiếp ngân hàng chia cổ tức cao, phản ánh hiệu quả hoạt động ổn định, tăng trưởng bền vững và luôn đặt lợi ích cổ đông ở vị trí trung tâm.

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 của ACB diễn ra trong bối cảnh nhiều biến động trong và ngoài nước, nhưng ngân hàng vẫn thể hiện sự tự tin vững chắc bằng những mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ. Với định hướng trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu về quy mô và khả năng sinh lời, ACB đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 14% và tổng huy động vốn (bao gồm giấy tờ có giá) cũng tăng 14% trong năm nay. Tín dụng dự kiến tăng 16%, mức tương đương với định hướng của toàn hệ thống, cho thấy ACB không chỉ đi cùng xu thế chung mà còn chủ động củng cố vị thế trong cuộc đua giữa các ngân hàng thương mại.

-5554-1744089958.jpg

Toàn cảnh Đại hội cổ đông thường niên.

Chủ tịch HĐQT ACB Trần Hùng Huy chia sẻ tại đại hội rằng ngân hàng vừa khép lại chiến lược 5 năm với nhiều dấu ấn, trong đó lợi nhuận đã tăng gấp 3 lần, cổ tức luôn được đảm bảo cao và ổn định. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng giai đoạn tới sẽ là cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn, khi thị trường tài chính ngày càng đòi hỏi cao về tiêu chuẩn quản trị, bảo mật, công nghệ và chất lượng dịch vụ. Để duy trì đà tăng trưởng, ACB sẽ tiếp tục đầu tư mạnh vào hạ tầng, ứng dụng công nghệ mới, tăng cường năng lực kiểm soát rủi ro và đảm bảo an toàn hệ thống. Trọng tâm chiến lược phát triển thời gian tới của ACB sẽ xoay quanh ba trụ cột: phát huy thế mạnh bán lẻ, mở rộng phân khúc khách hàng doanh nghiệp và nâng cấp mô hình hoạt động để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

-9075-1744089958.jpg

Chủ tịch HĐQT, ông Trần Hùng Huy chia sẻ tại HĐại hội cổ đông thường niên.

Trả lời chất vấn cổ đông liên quan đến tác động diễn biến kinh tế tác động đến kế hoạch kinh doanh trong năm 2025, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB cho biết: “Năm 2025 thị trường được dự báo có nhiều yếu tố tác động cơ hội và thách thức đan xen, mới nhất từ chính sách thuế quan của Mỹ tác động tỷ giá, đầu tư nước ngoài. Mặc dù thách thức nhưng ACB vẫn sẽ kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra cho năm 2025. Theo ước quý I/2025, tín dụng dự kiến tăng hơn 3%, huy động tăng trên 2%. Trong bối cảnh nợ xấu gia tăng trên hệ thống, tỷ lệ nợ xấu trong quý I/2025 của ACB vẫn giảm nhẹ ở mức 1,34%, qua đó giúp ngân hàng gia tăng hiệu quả hoạt động, kiểm soát rủi ro hiệu quả”.

-7498-1744089958.jpg

Ông Từ Tiến Phát trả lời chất vấn.

Song hành với tăng trưởng tín dụng và huy động, ACB sẽ tập trung vào các chiến lược nâng cao thu nhập phí, nhất là ở các lĩnh vực có tiềm năng cao như dịch vụ thẻ, thanh toán quốc tế. Ngân hàng cũng tiếp tục đầu tư vào các công ty con để mở rộng hệ sinh thái tài chính, tăng tính đa dạng sản phẩm và đóng góp vào lợi nhuận hợp nhất. Trên mặt trận công nghệ, ACB đẩy mạnh phát triển ngân hàng số, hiện đại hóa hạ tầng, đảm bảo an toàn bảo mật tuyệt đối cho khách hàng trong giao dịch và vận hành.

Tăng trưởng nhờ chiến lược linh hoạt, nhanh nhạy trước biến động thị trường

Năm 2024, ACB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 21.006 tỷ đồng, chính thức gia nhập nhóm 7 ngân hàng có lợi nhuận trên 20.000 tỷ đồng và đứng trong top 3 ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có lợi nhuận cao nhất hệ thống. Kết quả này là minh chứng rõ nét cho chiến lược điều hành linh hoạt, khả năng phản ứng nhanh với những biến động của thị trường, sự am hiểu sâu sắc nhu cầu khách hàng cũng như năng lực triển khai bán hàng hiệu quả trên toàn hệ thống.

Thành quả ấn tượng trong năm 2024 đã giúp ACB hoàn tất mục tiêu chiến lược giai đoạn 2019–2024, trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu Việt Nam cả về quy mô và hiệu quả hoạt động. Lợi nhuận trước thuế sau 5 năm tăng gần gấp 3 lần, trong khi tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) liên tục duy trì ở mức cao trên 20%. Tín dụng trong năm 2024 tăng trưởng mạnh mẽ trên tất cả các mảng, trong đó đáng chú ý là phân khúc khách hàng doanh nghiệp ghi nhận sự bứt phá, đặc biệt nhờ đón đầu làn sóng doanh nghiệp FDI và phục vụ hiệu quả nhóm khách hàng lớn. Ngay từ đầu năm, ACB đã chủ động tái định hướng chiến lược, phát triển cân bằng giữa khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp. Kết quả là tăng trưởng tín dụng khách hàng doanh nghiệp đạt mức cao nhất trong gần một thập kỷ, với quy mô tín dụng dành cho khối doanh nghiệp FDI tăng gấp 2,5 lần so với năm 2023, cung cấp sản phẩm dịch vụ cho hàng nghìn doanh nghiệp đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tính đến cuối năm 2024, tổng tài sản của ACB đạt 864 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cuối năm 2023 và vượt 7% so với kế hoạch đề ra. Dư nợ cho vay khách hàng đạt 581 nghìn tỷ đồng, giúp tín dụng tăng trưởng ấn tượng 19,1% – mức tăng cao nhất trong lịch sử hoạt động của ACB trong vòng một thập kỷ và vượt xa mức tăng trưởng bình quân toàn ngành. Với quy mô tín dụng lớn nhất trong nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, ACB tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu ở mảng ngân hàng bán lẻ. Dù tăng trưởng tín dụng mạnh, ngân hàng vẫn kiểm soát chất lượng tài sản tốt với tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5%, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đề ra. Đồng thời, ROE duy trì trên 20%, thuộc nhóm cao nhất trong ngành, khẳng định hiệu quả hoạt động bền vững và chiến lược quản trị rủi ro hiệu quả.

-2147-1744089958.jpg

Toàn cảnh Đại hội thường niên.

Song hành với kết quả kinh doanh vượt trội, ACB tiếp tục thể hiện vai trò tiên phong trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng chủ động đồng hành cùng khách hàng, đặc biệt là các đối tượng vay vốn cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, thông qua các chương trình cho vay ưu đãi, lãi suất cạnh tranh, hỗ trợ mua nhà cho người trẻ và phát triển các giải pháp tín dụng số, đơn giản hóa thủ tục, giải ngân trực tuyến, giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Trong bối cảnh thị trường chung còn nhiều khó khăn, đặc biệt là sức mua của người tiêu dùng bị ảnh hưởng, ACB vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định về nguồn vốn chi phí thấp. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng từ 22,9% năm 2023 lên 23,3% cuối năm 2024, cho thấy chất lượng huy động vốn được cải thiện rõ rệt. Đây là minh chứng cho niềm tin của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp đối với ACB, đồng thời phản ánh hiệu quả chiến lược phát triển bền vững, lấy khách hàng làm trung tâm của ngân hàng.

Nền tảng quản trị rủi ro chặt chẽ giúp ngân hàng đứng vững trước mọi biến động

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, ACB đặc biệt chú trọng củng cố nền tảng quản trị rủi ro, liên tục duy trì hệ số an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II ở mức xấp xỉ 12%, cao hơn quy định tối thiểu của Ngân hàng Nhà nước. ACB cũng là một trong 10 ngân hàng đầu tiên được lựa chọn triển khai phương pháp xếp hạng tín dụng nội bộ (IRB) – tiêu chuẩn cao hơn so với yêu cầu chung của thị trường. Việc triển khai thành công IRB không chỉ giúp ngân hàng tối ưu hóa quy trình tính vốn mà còn nâng cao năng lực đánh giá và quản trị rủi ro tín dụng, góp phần hiện thực hóa các chuẩn mực Basel trong quản trị ngân hàng hiện đại.

Với hiệu quả kinh doanh ấn tượng cùng năng lực quản trị vượt trội, ACB tiếp tục nhận được sự đánh giá cao từ các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế và trong nước. Trong kỳ đánh giá tháng 10/2024, Moody’s giữ xếp hạng triển vọng “Ổn định” cho ACB, trong khi Fitch Ratings nâng triển vọng từ “Ổn định” lên “Tích cực”. Trong nước, FiinRatings xếp hạng ACB ở mức “AA+” – mức cao nhất trong số các ngân hàng được đánh giá – với triển vọng “Ổn định”. Gần đây nhất, tháng 3/2025, ACB được vinh danh trong Top 10 ngân hàng tốt nhất Việt Nam theo bảng xếp hạng của Decision Lab và YouGov, là một trong số ít ngân hàng có sự thăng hạng mạnh mẽ về điểm sức khỏe thương hiệu, cho thấy nỗ lực đổi mới hình ảnh, nâng cao trải nghiệm khách hàng và phát triển bền vững đã mang lại những kết quả cụ thể.

ACB cũng là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam công bố Khung tài chính bền vững, thể hiện cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy nguồn tín dụng gắn với các mục tiêu phát triển bền vững. Trong năm 2024, ngân hàng đã triển khai gói vay 4.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi dành cho doanh nghiệp hướng đến phát triển xanh. Đồng thời, ACB cũng là ngân hàng đầu tiên phát hành song song hai báo cáo thường niên và báo cáo phát triển bền vững, được đảm bảo độc lập, tham chiếu theo các nguyên tắc ngân hàng có trách nhiệm của Liên Hợp Quốc – một bước tiến quan trọng trên hành trình tích hợp các tiêu chuẩn quốc tế vào quản trị doanh nghiệp.

N.B

Tác giả: Tăng trưởng nhờ chiến lược linh hoạt, nhanh nhạy trước biến động thị trường