Tiêu điểm

‘Liều thuốc’ nào giúp tăng sức mạnh cho ngành hàng nông sản?


Tranh mua tranh bán, “bẻ kèo”, cạnh tranh theo lối văn hóa thương mại kém của nội bộ doanh nghiệp với nhau, nghịch lý xuất khẩu tăng nhưng thua lỗ nhiều, rồi tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế. Những vấn đề này đã và đang ảnh hưởng đến sức mạnh của ngành hàng nông lâm thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu, đòi hỏi cần “liều thuốc” đúng chỗ ở 2 điểm yếu là khâu liên kết và chế biến để cải thiện tình hình.

Liên quan giá gạo xuất khẩu (XK) tăng vọt trong những ngày gần đây, theo phản ánh của doanh nghiệp (DN) là có tình trạng tranh mua tranh bán, “bẻ kèo”, không tôn trọng các hợp đồng đã thoả thuận…, đang gây khó khăn cho việc thua mua và XK gạo.

Vẫn còn tranh mua, tranh bán và... “bẻ kèo”

Điều này khiến các DN, nhà máy chế biến gạo không nhận được lượng hàng hoá đã chốt, dù giao dịch trước đó chỉ 1-2 ngày. Không chỉ vậy, kể cả DN liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa với nông dân cũng không nhận được hàng do tình trạng nông dân, thương lái bỏ cọc để bán ra bên ngoài với giá cao hơn.

-7041-1690969652.png

Để tăng sức mạnh cho ngành hàng nông sản đang đòi hỏi cần có “liều thuốc” đúng chỗ ở 2 điểm yếu là khâu liên kết và chế biến.

Không chỉ thế, là chủ một DN hàng đầu về XK gạo chất lượng cao, ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc CTCP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An, đã từng cảnh báo tình trạng cạnh tranh theo lối văn hoá thương mại kém của nội bộ DN Việt với nhau (chẳng hạn như khi XK thì hạ giá xuống để giành khách hàng).

Và trước tình trạng tranh mua, tranh bán của các DN XK như vậy có thể sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi ích của cả ngành hàng lúa gạo dù cho XK gạo đang có những cơ hội tốt.

Hoặc như với ngành điều, dù hoạt động XK từ đầu năm đến nay tăng trưởng về sản lượng lẫn kim ngạch, nhưng các DN trong ngành vẫn cảm thấy bất an trước tình hình giá XK có chiều hướng đi xuống (giá XK nhân điều bình quân trong 6 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 5.717 USD/ tấn, giảm 1,73% so với cùng kỳ năm ngoái).

Điều đáng nói, có nhiều DN chế biến XK hạt điều đang gặp phải tình trạng tranh nhau mua điều thô với giá quá cao. Trong khi đó, trước những biến động kéo dài trên thị trường thế giới, để thoát hàng, nhiều DN thiếu đoàn kết, cạnh tranh nhau, đạp giá nhau nên bị người mua ép bán với giá rẻ, dẫn đến giá bán đầu ra thấp hơn đầu vào, gây ra thua lỗ nặng, càng XK nhiều càng thua lỗ. 

Nghịch lý XK tăng, thua lỗ nhiều của các DN ngành điều còn nằm ở nguyên do là vì không xoay xở được dòng vốn, áp lực lãi suất ngân hàng để đầu tư nhà máy, kho bãi, chi phí cao… nên họ phải chấp nhận xuất bán sản phẩm chế biến với giá rẻ hơn so với giá nguyên liệu đầu vào. 

Hay như với ngành hàng trái cây. Tại phiên chất vấn mới đây về lĩnh vực nông nghiệp ở HĐND của một tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ, có đại biểu đặt vấn đề mặc dù XK trái cây tươi tăng trưởng tốt nhưng kết quả thực hiện xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ, quy trình sản xuất tập trung nông sản sạch của tỉnh thời gian qua như thế nào? Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong tiêu thụ nông sản ra sao?

Hai điểm yếu liên kết và chế biến

Trả lời cho vấn đề trên, vị giám đốc Sở NN&PTNT thừa nhận tồn tại mang tính cố hữu của nền nông nghiệp Việt Nam nói chung, của địa phương nói riêng là sản xuất còn mang tính manh mún, nhỏ lẻ.

Theo đó, ở tỉnh này chỉ có khoảng 20% diện tích cây trồng trên địa bàn sản xuất tập trung và nằm trong các chuỗi liên kết, 80% vẫn sản xuất nhỏ lẻ. Hệ lụy là khó kiểm soát được quy trình chất lượng và không chuyên nghiệp trong tiếp cận thị trường. Đầu ra của trái cây tươi chủ yếu dựa vào thương lái và tình trạng được mùa, mất giá chủ yếu tập trung ở khu vực này.

Ngoài những vấn đề như vậy, khâu chế biến vẫn còn là mặt hạn chế của ngành hàng nông sản Việt. Theo báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT, cả nước hiện có khoảng 13.000 cơ sở chế biến nông sản, gồm 614 cơ sở giết mổ tập trung, 5.229 cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (đa ngành); 3.369 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc thực vật, gần 4.000 cơ sở sơ chế, chế biến sản phẩm có nguồn gốc động vật trên cạn.

Tuy nhiên, tỷ lệ chế biến, chế biến sâu còn hạn chế. Đơn cử như cà phê chế biến sâu chỉ chiếm khoảng 15%, rau quả chế biến 10% (còn lại tiêu thụ tươi), điều và tiêu chế biến sâu 10-15%.

Còn với ngành hàng thủy sản, tổng số cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp gắn với XK là hơn 850 cơ sở; tổng số cơ sở quy mô nhỏ phục vụ tiêu thụ nội địa khoảng 3.500 cơ sở; tổng sản phẩm thủy sản chế biến đạt khoảng 3 triệu tấn (tương đương khoảng 6 triệu tấn nguyên liệu/năm).

Sản phẩm thủy sản chủ yếu là đông lạnh (chiếm 80%), sản phẩm khô (7%), sản phẩm dạng mắm (5%), sản phẩm khác (8%)... Giá trị sản phẩm chế biến tăng bình quân 5,1%/năm.

Theo Bộ NN&PTNT, sản phẩm chế biến trong ngành hàng nông lâm thủy sản chủ yếu vẫn là sản phẩm sơ chế có giá trị gia tăng thấp chiếm 70 - 85%, sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao chiếm khoảng 15 - 30% tùy lĩnh vực, nên việc nâng cao giá trị hàng nông sản Việt Nam thông qua chế biến chưa cao. 

Bộ NN&PTNT cho rằng, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng nhìn chung thiếu chặt chẽ, ngoại trừ một số DN, tập đoàn, công ty lớn có năng lực đã liên kết tốt với nông dân, tổ chức tốt khâu chế biến gắn với sản xuất nguyên liệu trong chuỗi mía đường, cá tra, tôm nuôi... 

Từ những hạn chế về tính liên kết và khâu chế biến như vậy để thấy “liều thuốc” giúp tăng sức mạnh, tăng sức cạnh tranh cho ngành hàng nông sản Việt trong thời gian tới cần “đúng liều” vào 2 điểm yếu này. 

Riêng với “liều thuốc” liên kết, đứng ở góc độ của một DN trong ngành hàng thủy sản, Ts. Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP thực phẩm Sao Ta (FMC) cho rằng, sự liên kết trong chuỗi ngành hàng để nhằm giảm giá thành là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, sự liên kết này cần thực chất mới có hiệu quả, còn nếu liên kết hình thức thì chỉ tốn công. "Liên kết thực chất là biết chia sẻ giá trị chung tạo ra, cùng tồn tại cùng phát triển", ông Lực nói.

                                                                                 Thế Vinh

Tác giả: Vẫn còn tranh mua, tranh bán và... “bẻ kèo”
Bài viết liên quan