Trong những ngày cuối tháng 5, nhiều bản làng của tỉnh Lai Châu nhộn nhịp khi người dân gấp rút chuẩn bị bước vào mùa thu hoạch mắc ca. Chỉ hơn một tháng nữa, những quả mắc ca đầu mùa sẽ chín rộ – đánh dấu một chặng đường mới trong hành trình xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững của người dân nơi vùng núi Tây Bắc.
Từ thử nghiệm đến khởi sắc kinh tế
Mắc ca - “nữ hoàng” của các loại hạt khô, bắt đầu được trồng thử nghiệm ở Lai Châu từ năm 2011. Đến năm 2017, diện tích trồng được mở rộng đáng kể theo Nghị quyết số 10 về phát triển nông nghiệp hàng hoá của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Lai Châu khóa III, nhiệm kỳ 2015 – 2020, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Theo Dự án phát triển mắc ca giai đoạn 2018 - 2021, thành phố Lai Châu đã trồng mới 340,18 ha trên địa bàn các xã Nậm Loỏng, San Thàng, phường Đông Phong, Tân Phong, Quyết Tiến và Quyết Thắng. Cây được trồng thuần loài hoặc xen canh với chè, không chỉ tận dụng đất mà còn tối ưu thu nhập.
![]() |
Lai Châu từng bước hình thành các nông trường mắc ca với quy mô lớn. |
Hiện nay, cây mắc ca đã bén rễ trên nhiều địa bàn của tỉnh, mang lại thu nhập ổn định cho hàng nghìn hộ dân. Sau 3 - 4 năm trồng, cây bắt đầu cho quả. Năng suất dần ổn định sau 5 - 6 năm, trung bình đạt khoảng 1,5 tấn quả tươi/ha/năm, tương đương với thu nhập từ 120 – 130 triệu đồng/ha/năm. Bà con đánh giá mắc ca là loại cây dễ trồng, chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, phù hợp với địa hình đất dốc, khí hậu đặc thù của vùng cao.
Không chỉ dừng lại ở hiệu quả kinh tế từ hạt, mắc ca còn mở ra cơ hội phát triển du lịch sinh thái từ các tour tham quan vườn cây, lễ hội hoa mắc ca hay trải nghiệm chế biến mắc ca. Đây có thể là những sản phẩm du lịch nông nghiệp độc đáo, tiềm năng, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Thêm vào đó, với khả năng trồng trên đất dốc, bạc màu, mắc ca góp phần cải tạo đất, phủ xanh đồi trọc, hạn chế xói mòn, rửa trôi, đặc biệt vào mùa mưa. Đây là một hướng phát triển bền vững khi vừa mang lại hiệu quả sinh thái, vừa đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới Tây Bắc.
HTX – cầu nối cho sự phát triển bền vững
Trong quá trình chuyển mình của cây mắc ca tại Lai Châu, các HTX đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Không chỉ là tổ chức sản xuất, HTX còn là cầu nối hiệu quả giữa nông dân với doanh nghiệp, nhà khoa học và thị trường tiêu thụ.
Một ví dụ điển hình như Hợp tác xã Cựu Thanh niên Xung phong huyện Tân Uyên, do ông Nguyễn Xuân Cát làm giám đốc. Ông Cát là người đi đầu trong phong trào trồng mắc ca ở huyện. Từ năm 2012, gia đình ông trồng xen hơn 200 cây mắc ca trên 1,5 ha chè. Đến năm 2022, ông thu được 6 tấn quả mắc ca và 30 tấn chè búp tươi, thu được 300 triệu đồng từ cây mắc ca và 150 triệu đồng từ cây chè. Không dừng lại ở sản xuất, ông còn kêu gọi hội viên góp vốn mở xưởng chế biến mắc ca với đầy đủ thiết bị hiện đại như máy sấy, bóc tách, đóng gói chân không.
HTX này đã đưa ra thị trường 4 sản phẩm OCOP đạt chuẩn 3 sao như: hạt mắc ca sấy nứt vỏ, nhân mắc ca sấy, bột dinh dưỡng và tinh dầu mắc ca.
Ngoài HTX của ông Cát, ở Lai Châu còn có các HTX như HTX Nông nghiệp bản địa Thu Ka (Mường Tè) và Cam mắc ca Nậm Lò – LC (Sìn Hồ) cũng đã mạnh dạn liên kết với bà con nông dân, phát triển vùng trồng, sản xuất sản phẩm mắc ca đa dạng, nâng cao giá trị thương hiệu địa phương.
![]() |
Sản phẩm mắc ca của HTX Nông nghiệp bản địa Thu Ka được giới thiệu trên website của Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường, Liên minh HTX Việt Nam. |
Trong hành trình phát triển, các HTX tại Lai Châu không chỉ tự thân nỗ lực mà còn nhận được sự đồng hành tích cực từ nhiều cơ quan, tổ chức. Mới đây, vào ngày 8/5, Liên minh HTX tỉnh Lai Châu đã phối hợp với Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (thuộc Liên minh HTX Việt Nam), UBND huyện và Hội Nông dân huyện Sìn Hồ tổ chức lớp tập huấn dành cho các HTX, tổ hợp tác và hộ dân. Chương trình trang bị thêm kiến thức về ứng dụng chuyển đổi số và thương mại điện tử trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm – một xu thế tất yếu trong nền kinh tế hiện đại. Đây là bước đi quan trọng, giúp các HTX tiếp cận thị trường rộng hơn, nâng cao giá trị nông sản và từng bước hội nhập vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hướng đi chiến lược trong giảm nghèo
Cây mắc ca đang chứng minh là lựa chọn đúng đắn trong chiến lược xóa đói giảm nghèo của Lai Châu. Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang mắc ca, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã vươn lên khá giả, từng bước làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh Lai Châu giảm trung bình 4,09%/năm; riêng tại các huyện nghèo đạt mức giảm tới 5,49%/năm. Đặc biệt, xã Bản Hon (huyện Tam Đường) có mức giảm ấn tượng gần 8% chỉ trong năm 2024 - nhờ vào các mô hình sản xuất như mắc ca gắn với HTX.
Bên cạnh các tín hiệu tích cực, vẫn còn những thách thức lớn: chi phí đầu tư cao, diện tích đất trống phân tán trên địa hình hiểm trở, bà con còn thiếu kinh nghiệm kỹ thuật, mùa mưa gây xói mòn và sạt lở. Việc xây dựng vùng nguyên liệu tập trung và nhà máy chế biến quy mô lớn vẫn cần thêm thời gian và nguồn lực.
Từ năm 2022, Chính phủ, các bộ ngành và tỉnh Lai Châu đã phối hợp triển khai đồng bộ Đề án phát triển mắc ca bền vững theo Quyết định 344/QĐ-TTg của Thủ tướng. Mục tiêu đến năm 2030, cả nước có 130.000 - 150.000 ha mắc ca, trong đó Tây Bắc chiếm khoảng 75.000 - 95.000 ha, chủ yếu tại Lai Châu và Điện Biên.
Đề án nêu rõ, Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất mắc ca thông qua cầu nối HTX và tổ hợp tác xây dựng vùng trồng mắc ca tập trung, hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca từ trồng đến chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Việc hình thành chuỗi ngành hàng mắc ca toàn diện sẽ nâng cao giá trị gia tăng, tăng khả năng cạnh tranh quốc tế và đảm bảo thu nhập ổn định cho người dân.
Minh Khôi