Tiêu điểm

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho các loại rau gia vị


Nhiều năm qua, trồng rau gia vị đã trở thành một nghề mang lại thu nhập cao cho người dân xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội). Để sản phẩm rau gia vị sớm vào hệ thống siêu thị, các điểm cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP, huyện Mê Linh hướng dẫn các hộ trồng rau theo hướng an toàn, đồng thời tích cực hỗ trợ xây dựng thương hiệu, kết nối đầu ra cho các sản phẩm.

Góp phần nâng cao thu nhập cho bà con nông dân

Gia đình chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh) đã có 3 đời chuyên trồng rau gia vị. "Từ khi còn nhỏ, ông bà, bố, mẹ tôi đã trồng rau gia vị. Lớn lên, lập gia đình, song vợ chồng tôi vẫn giữ nghề trồng rau. Trước đây, gia đình chủ yếu trồng hành lá, những năm gần đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, gia đình trồng thêm các loại rau khác như: Tía tô, kinh giới, mùi tàu, húng,…", chị Oanh chia sẻ.

Theo chị Oanh, các loại rau gia vị được trồng luân canh gối vụ, cho thu hoạch quanh năm. Rau thu hoạch đến đâu đều được lái buôn tới tận nhà thu mua, giá cả cũng khá ổn định. Hiện tại, vừa đi làm công nhân, chị vẫn tranh thủ ngoài giờ hành chính trồng thêm một sào rau gia vị.

Chi phí đầu tư trồng rau gia vị thấp (chỉ 300 - 500 nghìn đồng/sào/năm), nhân công ít nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định khoảng 30 - 40 triệu đồng/sào/năm. Riêng cây kinh giới và cây tía tô, chu kỳ thu hoạch khoảng 20 - 25 ngày một lứa và thu hoạch liên tục 8 - 12 tháng.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho các loại rau gia vị

Người dân xã Tiến Thắng thu hoạch rau gia vị

Không chỉ gia đình chị Oanh, mà hầu hết các hộ trồng rau gia vị ở xã Tiến Thắng đều thực hiện tốt khâu vệ sinh, xử lý sâu bệnh và chăm, sóc rau bằng thuốc vi sinh, đảm bảo thời gian cách ly, an toàn cho người tiêu dùng. Do đó, rau ở đây đảm bảo chất lượng, được khách hành tin mua.

Được biết, vùng sản xuất rau gia vị thôn Bạch Trữ, xã Tiến Thắng được hình thành cách đây khoảng 20 năm, bắt đầu với cây hành lá, sau dần bà con mở rộng diện tích và phát triển thêm các cây gia vị khác.

Đến nay, toàn thôn có 1.300 hộ nông dân tham gia trồng rau gia vị với diện tích khoảng 150ha. Sản phẩm rau gia vị của bà con tiêu thụ chủ yếu thông qua các thương lái. Giá cả có biến động nhưng thu nhập bình quân từ trồng rau gia vị khá ổn định.

Những năm gần đây, cùng với việc phát triển diện tích rau gia vị, các thành viên hợp tác xã cũng chú trọng đảm bảo chất lượng trước khi xuất ra thị trường. Hợp tác xã đã vận động bà con xã viên sử dụng phân bón hữu cơ thay thế phân bón hóa học và luôn tuân thủ thời gian cách ly an toàn trước khi thu hoạch.

Hỗ trợ địa phương phát huy tiềm năng sản phẩm OCOP

Xác định xã Tiến Thắng là vùng sản xuất rau an toàn chuyên canh tập trung, vì vậy huyện Mê Linh đã có những hỗ trợ cho người dân phát triển vùng rau. Theo đó, UBND Huyện hỗ trợ thuốc bảo vệ thực vật sinh học 70% trong năm đầu, 50% trong năm thứ 2; hỗ trợ thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ thu gom và xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Cùng với đó, Huyện hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất thông qua các lớp tập huấn ngắn hạn về chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn hiệu quả; hỗ trợ xây dựng mô hình kiểm tra giám sát cộng đồng áp dụng hệ thống đảm bảo với quy mô 30ha.

Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP cho các loại rau gia vị

UBND thành phố Hà Nội cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ sử dụng địa danh “Tiến Thắng” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng” cho sản phẩm và dịch vụ mua bán rau gia vị tươi ở xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội)

Để rau gia vị của Tiến Thắng đã có chỗ đứng trên thị trường, các phòng, ban chuyên môn của Huyện đã hướng dẫn bà con nông dân xã Tiến Thắng sản xuất theo hướng an toàn. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm.

Đến nay, đã có 6 sản gia vị của hợp tác xã Bạch Trữ được công nhận OCOP 3 sao gồm: Mùi tàu, kinh giới, húng chó, húng đỏ, tía tô, rau mùi. Đây là tiền đề quan trọng để rau gia vị của xã Tiến Thắng tiếp cận với với các kênh phân phối, hệ thống siêu thị, của hàng tiện ích, chuỗi bán lẻ, đặc biệt là các điểm cửa hàng giới thiệu sản phẩm OCOP cung cấp đến người tiêu dùng Thủ đô và cả nước.

Mới đây, UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 2550/QĐ-UBND về việc cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ sử dụng địa danh “Tiến Thắng” để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng” cho sản phẩm và dịch vụ mua bán rau gia vị tươi ở xã Tiến Thắng (Mê Linh, Hà Nội).

Theo Quyết định, cho phép Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Bạch Trữ được sử dụng địa danh “Tiến Thắng” kèm theo bản đồ địa lý tương ứng đã được UBND huyện Mê Linh xác nhận để đăng ký nhãn hiệu tập thể “Rau gia vị Tiến Thắng”.

Nhãn hiệu được gắn với sản phẩm và dịch vụ mua bán rau gia vị tươi thuộc các nhóm hàng hóa, dịch vụ: 31 và 35 của bảng phân loại quốc tế các hàng hóa, dịch vụ theo Thỏa ước Nice ở xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh.

Hợp tác xã có trách nhiệm xây dựng văn bản, công cụ quản lý nhãn hiệu tập thể; tổ chức quản lý việc sử dụng địa danh làm nhãn hiệu tập thể theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các văn bản, công cụ quản lý do hợp tác xã ban hành.

Trường hợp địa danh “Tiến Thắng” bị sử dụng sai mục đích, không vì lợi ích chung của hợp tác xã hoặc trường hợp nhãn hiệu tập thể chuyển nhượng sang chủ sở hữu mới hoặc sản phẩm rau gia vị tươi Tiến Thắng chuyển sang đăng ký bảo hộ “Nhãn hiệu chứng nhận hoặc Chỉ dẫn địa lý”, UBND thành phố có quyền thu hồi quyền sử dụng địa danh.

Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội

 

 

Link bài gốc Copy link